[In trang]
Điểm sáng trong KHCN tại Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2024
Thứ hai, 12/08/2024 - 07:52
Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hiệu quả nhiều đề tài khoa học, công nghệ, góp phần khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hiệu quả nhiều đề tài góp phần khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Cơ chế, chính sách phù hợp, hấp dẫn
Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN), trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) kịp thời, khả thi và phù hợp với các văn bản, chính sách hiện hành của Nhà nước, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Tỉnh Quảng Bình đã ban hành chính sách liên quan KHCN và ĐMST (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình)
Về định mức chi đối với nhiệm vụ KH&CN, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định định mức lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước, qua đó khuyến khích nhân tài tham gia nghiên cứu KHCN, nâng cao quyền tự chủ cho các cá nhân, tổ chức nghiên cứu KHCN
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng công tác thu hút, tuyển dụng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành, các chuyên gia giỏi luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch số 463/KH-UBND ngày 30/3/2021 thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ giai đoạn 2021 - 2025 nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sức khoẻ tốt, toàn diện.
Việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách và ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ cơ bản đã đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tích cực nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo 
Tình hình nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, chặt chẽ và có nhiều đổi mới. Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện 02 đề tài cấp Nhà nước; 05 dự án thuộc chương trình nông thôn và miền núi do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Các đề tài đã chú trọng đến các nội dung nghiên cứu về tiềm năng và lợi thế của tỉnh, chuyển giao công nghệ phù hợp với vị trí địa lý... 
Chuyển giao đề tài nghiên cứu nhằm phát huy tối đa giá trị của đề tài thúc đẩy phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Báo Tổ quốc)
Đồng thời, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện và quản lý 81 đề tài, dự án cấp tỉnh (trong đó có 32 đề tài, dự án được chuyển tiếp từ các năm trước, thực hiện mới 49 đề tài, dự án). Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh việc đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Ngoài ra, tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học 28 đề tài, dự án KH&CN cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Một số đề tài, dự án nghiệm thu đạt kết quả tốt và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Nhìn chung, các đề tài, dự án triển khai nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả các nhiệm vụ KH&CN đều được ứng dụng vào sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ..., đặc biệt là nâng cao thu nhập cải thiện mức sống cho người lao động. 
Quan tâm sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác quản lý các hoạt động chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ được thực hiện thường xuyên. Trong thời gian từ tháng 01/2023 đến hết tháng 6/2024, đã tổ chức thẩm định/có ý kiến về công nghệ 20 dự án đầu tư.
Tỉnh Quảng Bình tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Song song với các hoạt động chuyển giao công nghệ, tỉnh Quảng Bình tuyên truyền các thông tin về sở hữu trí tuệ, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng ý thức trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ triển khai nhiệm vụ nhiệm vụ khoa học và công nghệ về phát triển tài sản trí tuệ cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã có 66 đơn đăng ký bảo hộ được nộp ở Cục Sở hữu trí tuệ (trong đó, 65 đơn về bảo hộ nhãn hiệu và 01 đơn về bảo hộ độc quyền sáng chế).
Hoạt động phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được chú trọng, công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Đến nay đảm bảo 100% thiết bị liên quan bức xạ, hạt nhân được quản lý theo đúng quy định, bao gồm 105 thiết bị X-quang sử dụng tại 47 cơ sở y tế, 13 thiết bị X-quang dùng trong công nghiệp và 7 nguồn phóng xạ dùng trong công nghiệp và thử nghiệm.
Công tác quản lý nhà nước hiệu quả về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng
Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương; đảm bảo đo lường được chính xác trong các lĩnh vực mua bán, giao nhận, an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Công tác kiểm tra xăng, dầu góp phần nâng cao việc chấp hành quy định của pháp luật nhà nước. (Ảnh minh họa: Trung tâm báo chí TPHCM)
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành thanh tra 8 cơ sở và 3 cuộc kiểm tra với 35 cơ sở về đo lường, chất lượng hàng hoá. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết các cơ sở đã chấp hành đúng quy định về đo lường, nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số mặt hàng tại các ki ốt chợ như: mứt gừng, bánh xoài mứt trái cây,... có nhãn hàng hóa ghi chưa đầy đủ theo quy định; phát hiện 1 trường hợp vi phạm quy định về an toàn bức xạ và hạt nhân trong y tế và đã tham mưu ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4.500.000 đồng. 
Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm đã được tăng cường, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc và thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh chồng chéo. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã giảm đáng kể, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. 
Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH, CN & ĐMST
Mặc dù tình hình chính trị thế giới và khu vực trong giai đoạn 2023-2024 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến bất ổn, phức tạp, nhưng tỉnh Quảng Bình đã quyết liệt chỉ đạo việc tăng cường mở rộng liên kết, quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ với bên ngoài nhằm tranh thủ thu hút các nguồn lực để phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ, tiếp thu công nghệ mới, công nghệ cao và các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, những kinh nghiệm hữu ích nhằm từng bước nâng cao năng lực khoa học và công nghệ.
VISTIP và Đại sứ quán cộng hòa Pháp tại Việt Nam phát triển hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Sở KH&CN Quảng Bình)
Cụ thể, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1707/KH-UBND ngày 24/08/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình về thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Kế hoạch số 2744/KH-UBND ngày 02/01/2024 của UBND tỉnh Quảng Bình về hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Bình đến năm 2030...
Ngoài ra, tỉnh đã đã tổ chức Đoàn cán bộ cán bộ đi công tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm về KH, CN và ĐMST tại Australia. Qua đó, tăng cường học hỏi kinh nghiệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kêu gọi xúc tiến, đầu tư vào các địa phương.
Hướng đến một Quảng Bình đột phá khoa học công nghệ
Mặc dù có nhiều lợi thế, cơ chế quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN và ĐMST) vẫn gặp nhiều bất cập: tiềm lực KH&CN của tỉnh không đáp ứng yêu cầu phát triển, đầu tư ngân sách cho lĩnh vực này thấp, chỉ 0,3-0,4% tổng chi ngân sách; thị trường KH&CN còn mới, chuyển giao công nghệ và lưu thông kết quả nghiên cứu hạn chế vì thiếu tổ chức trung gian và quy định pháp lý, cùng với hợp tác quốc tế chưa được chú trọng,...
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Để KH,CN&ĐMST thật sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nâng cao năng suất lao động chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh Quảng Bình đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện cho tỉnh trong việc tổ chức các nhiệm vụ KH&CN hướng vào hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh và triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển KHCN như: Chương trình Chuyển đổi số; Đề án Truy xuất nguồn gốc; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ,...
Thêm vào đó, tỉnh mong muốn Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh đưa ra các chính sách phù hợp để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào tỉnh Quảng Bình trong cả lĩnh vực nông nghiệp cũng như công nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
UBND tỉnh Quảng Bình hy vọng rằng, trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ khắc phục được những khó khăn còn tồn tại, và phát huy được tiềm năng KH&CN để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quang Minh