Nhiều sản phẩm quốc gia là mặt hàng chủ lực, đóng góp lớn cho xuất khẩu
Thứ hai, 19/08/2024 - 10:05
Các sản phẩm quốc gia thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp đều là mặt hàng chủ lực đóng góp lớn cho xuất khẩu và có thị phần lớn tiêu dùng trong nước.
Các sản phẩm quốc gia thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp đều là mặt hàng chủ lực đóng góp lớn cho xuất khẩu và có thị phần lớn tiêu dùng trong nước.
Phát triển các sản phẩm của Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến
Ngày 16/8, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo hướng dẫn triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái
Với mục tiêu “Hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước; tăng cường chuyển giao công nghệ, tiếp thu, làm chủ và ứng dụng công nghệ vào các ngành kinh tế - kỹ thuật, công nghiệp then chốt; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tiềm lực công nghệ quốc gia”, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020” tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục gồm 18 sản phẩm quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ chủ quản đã tổ chức triển khai phát triển 13/18 sản phẩm, cụ thể (gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ 3 sản phẩm; Bộ Y tế 1 sản phẩm; Bộ Công Thương 1 sản phẩm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 5 sản phẩm; Bộ Quốc phòng 3 sản phẩm).
Chương trình được triển khai bám sát mục tiêu đề ra, đã hình thành phát triển các sản phẩm của Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có quy mô lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Trong đó, các sản phẩm quốc gia thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp đều là mặt hàng chủ lực đóng góp lớn cho xuất khẩu và có thị phần lớn tiêu dùng trong nước. Các sản phẩm thuộc nhóm công nghiệp (thiết bị nâng hạ siêu trường siêu trọng, giàn khoan dầu khí di động...) đều là những sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa cao.
Các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế (vắc-xin) đều là những sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động sản xuất được trong nước.
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia triển khai bước đầu đã đạt một số kết quả nhất định ví dụ: Sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, đã tập trung nghiên cứu tạo giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng được gói kỹ thuật thâm canh trong đó giảm 50% nhu cầu hạt giống nhưng vẫn đảm bảo năng suất đã mang lại doanh thu gián tiếp 1.500 tỷ/năm.
Sản phẩm giàn khoan dầu khí di động, giúp doanh nghiệp tham gia giảm được chi phí đầu tư so với nhập khẩu từ 10-15% (tương đương khoảng 23 triệu USD).
Các kết quả này có tính lan tỏa và tác động tích cực trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ, thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, hiệu quả.
Hai mục tiêu chính phát triển sản phẩm quốc gia đến 2030
Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, trên cơ sở các kết quả đạt được, ngày 1/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 157/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, với hai mục tiêu chính.
Thứ nhất, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, phát triển các sản phẩm quốc gia nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm quốc gia tại thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia mới.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm quốc gia đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ nhiêm Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030
TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ nhiêm Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 cho hay, căn cứ quyết định số 157/QĐ-TTg, ngày 1/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư hướng dẫn quy định quản lý chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.
Theo TS. Đỗ Hữu Hào, có 3 sản phẩm quốc gia thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, do tính chất đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia (tại Quyết định số 74/QĐ-TTg ngày 27/10/2021) nên sẽ do Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm.
Hiện có 8 sản phẩm quốc gia đã phê duyệt trong chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, nhưng chưa hoàn thành được trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sang giai đoạn 2021-2030 để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, ổn định chất lượng, nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất theo mục tiêu đã phê duyệt, bao gồm: Vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, sâm Việt Nam, lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao, nấm ăn và nấm dược liệu, cà phê Việt Nam chất lượng cao, cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm từ cá da trơn, tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng), vi mạch điện tử.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiếp tục làm việc với các Bộ ngành, tổ chức và doanh nghiệp đề xuất các sản phẩm quốc gia mới để đưa vào Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.
Để có thể đạt được mục tiêu của Chương trình đến năm 2030 cũng như đảm bảo Chương trình được tổ chức triển khai đúng các quy định, hiệu quả, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức, cá nhân đã đang và sẽ tham gia Chương trình tham gia ý kiến và trao đổi thảo luận tại hội thảo về các vấn đề: Các quy định quản lý Chương trình, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia từ đó xem xét, lựa chọn và đề xuất các sản phẩm quốc gia mới có thể tham gia Chương trình, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình.
Bên cạnh đó, xác định, chỉ rõ những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để điều chỉnh trong khuôn khổ trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan; từ đó triển khai có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu và đúng quy định; tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý của Bộ quản lý ngành, địa phương với cơ quan quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình; thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương