“Trái tim” công nghệ của Thủ đô
Thứ tư, 04/09/2024 - 11:36
Thời gian qua, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư công nghệ cao, gắn kết nghiên cứu với sản xuất, hướng tới trở thành thành phố khoa học và công nghệ thông minh đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Thời gian qua, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư công nghệ cao, gắn kết nghiên cứu với sản xuất, hướng tới trở thành thành phố khoa học và công nghệ thông minh đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Hạt nhân đổi mới sáng tạo
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998. Khu hiện được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai của thành phố Hà Nội, chia thành 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ. Thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1/8/2023 của Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 167/NQ-CP ngày 9/10/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 119/NQ-CP, Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được bàn giao về UBND thành phố Hà Nội quản lý từ ngày 24/11/2023.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam. Ảnh: Thạch Thảo.
UBND thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo Ban Quản lý Khu xây dựng định hướng phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại. Đến năm 2030, Khu đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo hướng thông minh, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân để phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.Sau năm 2030, phát triển Khu trở thành thành phố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng theo mô hình “4 trong 1”; tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.
Nhận thấy tiềm năng cùng các chính sách thu hút đầu tư ưu đãi của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhiều doanh nghiệp đã xem Khu công nghệ cao Hòa Lạc là điểm đến đầu tư lý tưởng. Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới; 9 dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
Đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tầm
Khu công nghệ cao Hòa Lạc được giao nhiệm vụ quan trọng là trở thành trung tâm hạt nhân để hình thành ra những doanh nghiệp phát triển công nghiệp cốt lõi, trở thành tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Định hướng thời gian tới của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là tiếp tục tạo ra những bước đột phá, thu hút các nhà đầu tư, chia sẻ kết nối phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ biến đổi, trí tuệ nhân tạo…
Thực hiện định hướng đó, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã liên tục cập nhật, sửa đổi quy định để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư vào Khu công nghệ cao, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã làm việc với nhiều bộ, ngành, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung phân cấp, phân quyền tối đa cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao, để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động.
Bên cạnh đó, Hà Nội - Thủ đô của cả nước, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được coi là “đầu tàu” phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Thành phố.
Bởi lẽ, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao như: Trong Khu đã có Trường Đại học FPT đang đào tạo cho khoảng gần 10.000 sinh viên về các ngành công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn; cùng đó là các trường Đại học hàng đầu về lĩnh vực công nghệ…; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, hướng tới trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ...
Ông Trần Đắc Trung - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết, việc phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc luôn gắn liền với thực tiễn vì xuất phát ngay tại trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Các dự án trong Khu đóng góp rất nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Đặc biệt các dự án này đã phát huy hiệu quả trong việc hình thành mối liên kết giữa trường đại học, cơ sở đào tạo - viện nghiên cứu - doanh nghiệp sản xuất, tạo thành vòng tròn khép kín giữa 3 nhà: Nhà nghiên cứu - Nhà trường - Doanh nghiệp.
“Với sứ mệnh của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiến tới sáng tạo công nghệ cũng như ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc luôn nhận thức vai trò đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động, học tập tại Khu. Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã quy hoạch các khu dịch vụ để hỗ trợ những mục tiêu cốt lõi này. Trong năm nay và năm tới, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang tập trung xây dựng các danh mục để thu hút các dự án về phát triển hạ tầng xã hội cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, sinh viên học tập tại Khu. Ban Quản lý cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục theo tinh thần kiến tạo, chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan, đồng thời thường xuyên chủ động đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đối tác tham gia hợp tác, đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc”, ông Trần Đắc Trung - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc chia sẻ.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc được giao nhiệm vụ quan trọng là trở thành trung tâm hạt nhân để hình thành ra những doanh nghiệp phát triển công nghiệp cốt lõi, trở thành tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Định hướng thời gian tới của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là tiếp tục tạo ra những bước đột phá, thu hút các nhà đầu tư, chia sẻ kết nối phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ biến đổi, trí tuệ nhân tạo… |
Nguồn: laodongthudo.vn