Đắk Lắk: Xây dựng phương hướng triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP năm 2025
Thứ sáu, 06/09/2024 - 13:32
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành văn bản số 155/BC-SCT báo cáo kết quả triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 và đề xuất các phương hướng triển khai trong năm 2025.
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành văn bản số 155/BC-SCT báo cáo kết quả triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 và đề xuất các phương hướng triển khai trong năm 2025.
Theo đó, năm 2024 Sở Công Thương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí Thư nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. cũng như các tổ chức, cá nhân về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Quá trình tổ chức thực hiện đã bám sát các nội dung cơ bản của Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí Thư, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm mới để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Công tác tổ chức vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tổ chức nhiều hình thức đa dạng và phong phủ; Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được nâng cao, tự giác chấp hành các quy định của nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng cũng đã biết lựa chọn thực phẩm an toàn, nói không với các loại thực phẩm bẩn.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Lắk kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở huyện Čư M'gar (Ảnh: Huỵen huyện Čư M'gar)
Tuy nhiên, do tỉnh Đắk Lắk có diện tích rộng, địa hình phức tạp, dân cư đông với nhiều dân tộc sinh sống, đời sống kinh tế còn khó khăn, phong tục, tập quán trong sản xuất, chăn nuôi còn theo hộ gia đình nhỏ lẻ, do đó công tác quản lý an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn; Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm đúng mức do việc đầu tư ngân sách phục vụ cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa thực sự đủ sức răn đe (tại tuyến huyện, công tác thanh tra, kiểm tra còn chủ yếu nhắc nhở, cảnh cáo; còn tuyến xã, phường, thị trấn hầu như chưa triển khai công tác kiểm tra, giám sát). Mặt khác, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu và sự phối hợp liên ngành giữa các ban ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chưa được thường xuyên.
Do đó, để phát huy những kết quả đã đạt được và giải quyết các khó khăn còn tồn tại, năm 2025, tỉnh Đắk Lắk sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy và chính quyền đối với công tác bảo đảm ATTP. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch của Bộ Công Thương, UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo ATTP tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác đảm bảo ATTP thuộc trách nhiệm ngành quản lý trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về ATTP theo Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh Đắk Lắk về Quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ tổ chức triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trong các đợt cao điểm về ATTP như: Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân; Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; Tết Trung thu; Thực hiện tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP; Nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn thực phẩm của chợ, siêu thị; Hướng dẫn thực hiện công tác an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị (trừ các chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản).
Với nhu cầu quản lý nhà nước ngày càng đổi mới, dựa trên việc phân định trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các Bộ, ngành được quy định cụ thể trong Luật và các Nghị định có liên quan. Để hoàn thành tốt công tác quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hoá trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan trình Chính Phủ một số kiến nghị, đề xuất như sau: - Hoàn thiện, ban hành hệ thống Quy chuẩn Quốc gia với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý. - Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Công Thương. - Bố trí nguồn vốn trong các năm tiếp theo để hoàn thiện và nhân rộng mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm; bố trí nguồn kinh phi hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm. - Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý. |
Xem chi tiết: tại đây
Minh Khuê