[In trang]
Nguy cơ lãng phí từ sai lỗi, khuyết tật trong năng suất
Thứ hai, 30/09/2024 - 08:26
Sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh có thể ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của khách hàng, uy tín của doanh nghiệp thông qua việc khiếu nại về chất lượng không phù hợp, thời gian giao hàng chậm.
Sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh có thể ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của khách hàng, uy tín của doanh nghiệp thông qua việc khiếu nại về chất lượng không phù hợp, thời gian giao hàng chậm.
Sai lỗi/khuyết tật có thể buộc khách hàng phải chờ cho tới khi có hàng, do đó, có thể làm mất đi thiện chí muốn hợp tác với doanh nghiệp trong tương lai của khách hàng.
Nếu không có sẵn hàng thì sẽ mất đi cơ hội bán hàng. Khách hàng bên ngoài khiếu nại gia tăng đồng nghĩa với sự thoả mãn khách hàng giảm. Khách hàng nội bộ căng thẳng, uể oải, mất tự tin trong sản xuất, nhất là sửa chữa hàng hỏng, mất lòng tin vào quản lý sản xuất.
Việc sai lỗi còn dẫn đến nguy cơ làm nghẹt dòng chảy của quá trình sản xuất, dẫn đến trường hợp chờ đợi, công đoạn sau không có nguồn nguyên liệu, sản phẩm để tiếp tục sản xuất, hàng bán thành phẩm còn nhiều trên chuyền.
Với việc phát sinh sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải mất thêm nhiều khoản chi: ví dụ chi phí để xử lý các sai lỗi, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công của công đoạn trước đó, chi phí năng lượng tạo ra sản phẩm, chi phí nhân công để khắc phục sai lỗi...
Thông thường, doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến chi phí khắc phục các sai lỗi mà chưa tính đến các chi phí (nhân công, năng lượng, nguyên vật liệu, v.v.) tạo ra sản phẩm trước đó. Đối với doanh nghiệp có dạng bố trí sản xuất hàng loạt, các sai lỗi trên sản phẩm sau khi sản xuất là rất nghiêm trọng, nếu khách hàng phát hiện được. Do đó, bản thân mỗi nhân viên, công nhân ở mỗi công đoạn, khu vực phải tự kiểm tra, đồng thời thực hiện kiểm tra công đoạn trước đó. Số lượng sản phẩm bị sai lỗi tăng thì các chỉ tiêu hiệu quả khác cũng giảm sút.
Khi lãng phí sai lỗi gia tăng đáng kể thì nhân viên kiểm tra chất lượng thường tăng cường kiểm tra để ngăn chặn sai lỗi không đến tay khách hàng. Từ đó tăng tồn kho, tăng số lượng để bù sản phẩm khuyết tật và chờ đợi cũng buộc phải gia tăng (do phải chờ sản xuất lại bù cho những sản phẩm bị sai lỗi). Ngoài ra, sai lỗi làm cho năng suất tổng thể giảm và chi phí nguyên vật liệu tăng lên, giảm cấp của sản phẩm.
Ảnh minh hoạ.
Nguyên nhân gây ra lãng phí Sai lỗi/ khuyết tật được chuyên gia chỉ ra là do các yếu tố đầu vào của một quá trình sản xuất, kinh doanh tại bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào là: Con người, Nguyên vật liệu, Máy móc thiết bị, Phương pháp và Môi trường... Đây cũng chính là các nhóm nguyên nhân cốt lõi ra gây sai lỗi tại doanh nghiệp và các nguyên nhân gây ra sai lỗi thì muôn hình vạn dạng, mỗi doanh nghiệp, mỗi tình huống có thể giống hay khác nhau. Tuy nhiên, một điều chắn chắn rằng sai lỗi sẽ xảy ra nếu như máy móc không tốt, công nhân chưa được huấn luyện, làm sai thao tác, các dụng cụ đo không đúng, môi trường làm việc không phù hợp ảnh hưởng đến công nhân viên. Để loại bỏ lãng phí do sai lỗi gây ra cần đảm bảo việc làm đúng ngay từ công đoạn kiểm tra đầu vào cho đến suốt quá trình sản xuất. 
Các sai lỗi đến từ nhóm yếu tố con người có thể là do người thao tác và làm việc trực tiếp tại công đoạn đó không chú ý hoặc không nhận thức được đầy đủ yêu cầu của loại sản phẩm đó, không tuân thủ quy định hoặc bỏ qua các thao tác vận hành chuẩn.
Khuyết tật xảy ra do sự sai sót của con người vô tình hay cố ý, sự dao động vượt quá dung sai chế tạo cho phép, hoạt động của máy móc thiết bị thiếu ổn định, dụng cụ đồ gá gây ra khuyết tật. Nguyên nhân cũng có thể do họ thiếu được đào tạo, hướng dẫn... cán bộ quản lý không quan tâm hoặc thiếu kiểm soát, quản lý cũng sẽ góp phần gia tăng các sai lỗi trong doanh nghiệp.
Sai lỗi/khuyết tật có thể buộc khách hàng phải chờ cho tới khi có hàng, do đó, có thể làm mất đi thiện chí muốn hợp tác.
Máy móc, thiết bị không đảm bảo, bị hư hỏng sẽ dẫn đến các sản phẩm, dịch vụ từ loại máy móc, thiết bị đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc phương pháp thực hiện chưa phù hợp, như phương pháp hướng dẫn đo lường chưa đúng dẫn đến kết quả đo lường sẽ không đảm bảo, hoặc phương pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện tại chỉ mới tập trung kiểm tra ở công đoạn cuối cùng hoặc quy định mỗi nhân công chỉ có trách nhiệm sản xuất ra sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng, yếu tố chất lượng hoàn toàn do bộ phận chất lượng chịu trách nhiệm, phương pháp xếp dỡ hàng hóa không phù hợp sẽ làm tăng thêm các sản phẩm lỗi...
Ví dụ: Một số sai lỗi có thể gặp phải tại một doanh nghiệp cơ khí, lắp ráp do đặc điểm của khu vực làm việc: Các lỗi lắp ráp (phần không phù hợp) do bàn làm việc bị kẹt với các bộ phận từ những mô hình/loại khác nhau, phần bị sót trong quá trình lắp ráp, các bộ phận không thể được xác định và tìm thấy được trên bàn; Vết trầy xước trên các bộ phận trên bàn làm việc (bụi bẩn, các bộ phận, v.v.). Các bộ phận hư hỏng, vô dụng vì bẩn, xước; Lỗi lắp ráp do không thực hiện theo đúng trình tự.
Nguồn: vietq.vn