[In trang]
Nhiều cơ sở giáo dục đại học sẽ được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn
Thứ hai, 30/09/2024 - 08:30
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". 
Theo đó, dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm: Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học Đà Nẵng; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Đại học Huế; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Trường Đại học Giao thông Vận tải; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Điện lực; Học viện Kỹ thuật mật mã; Trường Đại học Việt Đức.
Ảnh minh hoạ 

Theo Quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Quyết định cũng chỉ rõ các nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, ưu tiên nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo; tổ chức đào tạo; huy động, đa dạng hóa nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển; các nhiệm vụ, giải pháp khác.

Xem chi tiết: tại đây

Tuệ Lâm