[In trang]
Phát triển công nghiệp Cơ khí trước cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ năm, 06/09/2018 - 09:15
Sáng ngày 5/9/2018, tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.
Sáng ngày 5/9/2018, tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và chỉ đạo tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp và đại diện của các Bộ, Ngành đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành cơ khí trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đánh giá, nhận diện những tồn tại, hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam; xác định các nguyên nhân của hạn chế. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, ngành cơ khí cũng đạt được nhiều thành tựu nhất định. Số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD; nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế; dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; đóng tàu; máy công cụ và máy nông nghiệp... Các sản phẩm này đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành cơ khí Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước; đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn.
Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng doanh nghiệp còn quá ít so với tổng số doanh nghiệp cả nước, nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn kém, và khả năng hấp thụ công nghệ các doanh nghiệp trong nước còn yếu. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp trên thế giới và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng có không ít thách thức đối với ngành cơ khí nước ta.
Trước thực tế đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần quyết liệt, kịp thời hành động để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế tận dụng cơ hội để phát triển, tạo dựng môi trường thể chế, chính sách pháp luật thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí, từ đó thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nước ta.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp cũng như hạn chế của chính sách hiện hành.
Cụ thể, sẽ xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hoá thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế; hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất…
"Trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, những nhân tố mới xuất hiện đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước" Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trần Linh