[In trang]
Ngành công nghiệp thực phẩm đổi mới công nghệ hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ hai, 01/10/2018 - 13:38
Đổi mới công nghệ là con đường tất yếu thể hiện cam kết của doanh nghiệp thực phẩm đối với khách hàng, xã hội và môi trường. Bằng đổi mới công nghệ, doanh nghiệp thực phẩm sẽ ko lạc hậu, mang lại lợi ích môi trường, nâng tính cạnh tranh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cú hích mạnh mẽ cho nhiều lĩnh vực và ngành nghề nhờ những đột phá về năng suất lao động trong việc ứng dụng công nghệ mới và tự động hóa.
Với ngành công nghiệp thực phẩm, theo các chuyên gia, tác động tích cực của công nghiệp 4.0 là tạo cơ hội thay thế công việc lặp đi lặp lại không cần kỹ năng, kinh nghiệm... bằng máy móc công nghệ mới. Tự động hóa trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm không chỉ giúp doanh nghiệp tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh về giá mà quan trọng hơn cả đó là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi hạn chế tối đa sự tham gia của con người trong các công đoạn sản xuất.
Theo PG. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện CNSH và CNTP, Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong lĩnh vực chế biến thực phẩm càng sử dụng nhiều nhân công thì mức độ lây nhiễm của con người vào sản phẩm càng lớn. 

Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm càng sử dụng nhiều nhân công thì mức độ lây nhiễm của con người vào sản phẩm càng lớn. 
Bài toán tự động hóa
Bà Đặng Thanh Quyền, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học & ATTP, Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp nhận định “Trong ngành công nghiệp chế biến, với các DN nhỏ, có điểm khó là vốn chưa đủ đầu tư cho khoa học công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý và kiến thức chưa đồng bộ. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất theo quy trình công nghệ thủ công, ít tự động hóa dẫn đến mất  an toàn thực phẩm”.
Tuy vậy, trước cú hích của cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp thực phẩm cũng đang có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Điếm sáng ứng dụng KHCN trong ngành công nghiệp thực phẩm phải kể đến là Công ty TNHH Long Hải với thương hiệu thạch rau câu Long Hải. 

Hệ thống đóng gói hoàn toàn tự động trong dây chuyền sản xuất thạch rau câu Long Hải
Từ năm  2017, Công ty TNHH Long Hải đã đưa hệ thống robot  gấp hộp, đóng gói vào hoạt động với chi phí hơn 2 triệu USD cho hiệu quả tăng 3-4 lần. Hệ thống này hoạt động chính xác 100% không gây ra những sản phẩm sai hỏng.  Nguyên liệu đầu vào được kiểm soát nghiêm ngặt, chu trình sản xuất khép kín từ nấu, chiết rót và khử trùng hoàn toàn tự động hạn chế thấp nhất con người can thiệp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Long Hải cho biết “Trước đây nhà máy cần 2600 lao động trong sản xuất, đến nay doanh nghiệp chỉ sử dụng 30 lao động cho toàn bộ quá trình sản xuất. Điều này cho thấy rõ hiệu quả kinh tế khi ứng dụng công nghệ tự động hóa. Chúng tôi nhận thấy đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm, nhất định phải phát triển theo hướng tự động hóa để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt đối với đặc thù sản xuất thực phẩm cho đối tượng trẻ em như chúng tôi thì tự động hóa và an toàn thực phẩm là con đường tất yếu”.
Trách nhiệm đổi mới công nghệ
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp cho đó là cơ hội nhưng đây cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp. Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá, CMCN 4.0 đưa đến cho doanhg nghiệp Việt Nam một trách nhiệm mới đó là trách nhiệm đổi mới công nghệ để hội nhập toàn cầu hay đó chính là trách nhiệm nâng cao giá trị để hội nhập bền vững, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đổi mới công nghệ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệm thực phẩm 
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng ngày nay, công nghệ được coi là công cụ chiến lược để doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và bền vững. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư cho KHCN của doanh nghiệp mới chỉ chiếm 1% GDP và chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tham gia nhiều vào việc nghiên cứu và triển khai KHCN. Đa phần các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ một cách thụ động, mang tính tình huống do nhu cầu phát sinh trong quá trình kinh doanh, không có kế hoạch dài hạn. 
Thực tế này đặt ra thách thức không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế Việt Nam. Nhóm doanh nghiệp trong ngành thực phẩm Việt Nam chịu nhiều tác động trong cuộc CMCN 4.0 bởi vốn chưa nhiều, chủ doanh nghiệp lại chưa nhìn nhận được cơ hội và thách thức khi thực hiện đổi mới công nghệ.
Để trở thành doanhg nghiệp ứng dụng KHCN, từ lãnh đạo đến người lao động cần hiểu rằng đổi mới công nghệ là tất yếu, bắt buộc phải làm nếu không muốn bị lạc hậu. Các doanhg nghiệp thực phẩm phải nâng cao nhận thức cho chính người lao động trong đơn vị của mình. Tiếp đó mới là thay đổi, đầu tư dây chuyền công nghệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm đến nhà khoa học để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, công nghệ. 
Đổi mới công nghệ là con đường tất yếu thể hiện cam kết của doanh nghiệp thực phẩm đối với khách hàng, xã hội và môi trường. Bằng đổi mới công nghệ, doanh nghiệp thực phẩm sẽ ko lạc hậu, mang lại lợi ích môi trường, nâng tính cạnh tranh. Doanh nghiêp cần coi công nghệ là mục tiêu, cơ hội chứ không chỉ là trách nhiệm, thách thức trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Hòa Minh