[In trang]
Khoa học và Công nghệ đã thực sự là động lực then chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp
Thứ hai, 12/11/2018 - 08:59
Ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh là động lực then chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói riêng và ngành Công Thương nói chung.
Ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh là động lực then chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói riêng và ngành Công Thương nói chung. Đó là chia sẻ của ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương về hoạt động KH&CN của ngành Công Thương trong thời gian qua. 
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương
Xin ông cho biết kết quả hoạt động KHCN ngành Công Thương trong 5 năm trở lại đây sau khi tích cực triển khai theo hướng gắn nghiên cứu với ứng dụng thực tiễn?
Ông Trần Việt Hòa: Nhìn lại hoạt động KH&CN trong thời gian qua của ngành Công Thương đã chú trọng phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu KH&CN với lực lượng KH&CN của các doanh nghiệp để giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Công Thương. 
Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành, đã được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý về KH&CN như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng VIFOTEC. 
Công trình thiết kế, thi công giàn khoan dầu khí di động tự nâng 90 m nước (trọng lượng 12 nghìn tấn, chân dài 145m, chiều sâu khoan đến 6,1 km. Giàn khoan chịu sức gió tương đương bão cấp 12, hoạt động tốt trong thời tiết khắc nghiệt) là một ví dụ điển hình về việc nghiên cứu làm chủ công nghệ, sản xuất thành công sản phẩm công nghệ cao trong ngành dầu khí. Đây cũng là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được thiết kế chi tiết và lắp dựng tại Việt Nam. Các nhà KH&CN đã làm chủ công nghệ hạ thủy dàn khoan tự nâng nói trên đưa nước ta trở thành một trong 3 nước châu Á và một trong 10 nước trên thế giới thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. 
Một công trình tiêu biểu khác của ngành Than là “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo”, lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận làm chủ công nghệ tiên tiến này, giúp tăng tính chủ động trong đáp ứng nhu cầu khai thác của ngành than, giảm chi phí tư vấn, thiết kế khoảng 30% so với chi phí thuê nước ngoài, góp phần nội địa hóa 2/3 giá trị, giảm 17-20% giá thành so với thiết bị nhập khẩu. 
Hay trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện, Việt Nam đã có thể chủ động thiết kế, chế tạo cơ bản các chủng loại biến áp. Trong đó, Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã làm chủ thiết kế, chế tạo các chủng loại biến áp như: máy biến áp 220kV-250 kVA, máy biến áp điện lực 3 pha 500kV-3x150 MVA với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của các nước châu Âu, trong khi giá bán giảm 15-20%, đưa Việt Nam là nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á chế tạo thành công chủng loại máy biến áp này…
Hầu hết các ngành đều có sự chuyển biến tích cực trong công tác KH&CN, chủ động hơn trong công tác nghiên cứu gắn với thực tiễn, đạt kết quả tốt.
Ông có thể cho biết, tình hình triển khai thực hiện các chương trình, đề án lớn do Bộ Công Thương quản lý hiện nay ra sao?
Ông Trần Việt Hòa: Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã và đang  triển khai thực hiện các chương trình, đề án lớn như: Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025;  Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025; Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược;  Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp".
Tất cả các chương trình, đề án trên đây đều đang vận hành rất hiệu quả. Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện của các chương trình, đề án, giao các đơn vị nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ. Nhìn chung yêu cầu của các nhiệm vụ là phải có tính ứng dụng rất cao mà 100% số đề tài, dự án xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, do doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp thực hiện; tối thiểu 70% số đề tài ứng dụng thử nghiệm kết quả nghiên cứu tại doanh nghiệp và đủ điều kiện phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm hoặc được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận ứng dụng kết quả nghiên cứu...
Ông đánh giá thế nào về việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương và vai trò của KH&CN trong sự phát triển của các doanh nghiệp?
Ông Trần Việt Hòa: Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng bản đồ công nghệ đối với các ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Do đó, đến nay chưa có kết quả cụ thể (định lượng) về trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp. Tuy nhiên căn cứ theo các nhóm tiêu chí được quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN có thể đánh giá được sơ bộ trình độ công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp.
Cụ thể đối với ngành Thép và ngành Cơ khí, trình độ công nghệ được đánh giá tổng quan ở mức trung bình so với khu vực cũng như thế giới. Sự chênh lệch về trình độ công nghệ giữa các khu vực kinh tế khá rõ. Các doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến và hiện đại tập trung chủ yếu ở các liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Còn lại đều ở mức trung bình.
Đối với ngành Dầu khí, do là lĩnh vực đặc thù với yêu cầu đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế đối với các hoạt động, sản phẩm nên các doanh nghiệp, dự án được phát triển bài bản, đầu tư các công nghệ, thiết bị tiên tiến với đội ngũ nhân lực chất lượng cao và hệ thống thông tin, quản trị hiện đại.

Riêng ngành Điện thì chia ra ba lĩnh vực. Trong lĩnh vực phát điện, trình độ công nghệ được đánh giá là không đồng đều giữa các nhà máy điện khác nhau về nguồn năng lượng sơ cấp và thời điểm xây dựng, vận hành. 
Còn trong lĩnh vực truyền tải điện, các doanh nghiệp được đánh giá có trình độ công nghệ trung bình tiên tiến đến tiên tiến. Nhiều công nghệ tiên tiến đã và đang bắt đầu được triển khai hoặc áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền tải điện như công nghệ trạm biến áp không người trực, công nghệ giám sát diện rộng cho hệ thống điện.... 
Riêng trong lĩnh vực phân phối điện năng có trình độ công nghệ không đồng đều giữa các đơn vị. Một số thành tựu về công nghệ đang được triển khai áp dụng trong lĩnh vực phân phối điện năng là hệ thống thu thập số liệu và điều khiển thiết bị lưới điện phân phối SCADA/DMS. Đây được xem là nền tảng quan trọng trong quá trình triển khai áp dụng các công nghệ, mô hình của hệ thống lưới điện thông minh. Ngoài ra hiện nay, khối các dịch vụ phụ trợ, dịch vụ kinh doanh và dịch vụ khách hàng được đánh giá có trình độ trình độ trung bình tiên tiến đến tiên tiến trong từng nhóm tiêu chí.
Ngành phân bón và hóa chất có trình độ công nghệ không đồng đều. Các nhà máy được xây mới trong thời gian gần đây được đánh giá công nghệ cơ bản ở mức trung bình tiên tiến đến tiên tiến. Trong khi các nhà máy được xây dựng trong các giai đoạn trước được đánh giá trình độ công nghệ trung bình hoặc lạc hậu.  
Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất sản phẩm hóa chất công nghệ cơ bản ở mức trung bình tiên tiến đến tiên tiến trên các nhóm tiêu chí do đa số sử dụng công nghệ, thiết bị của các nước phát triển (trừ lĩnh vực sản xuất ắc quy và pin).
Trong ngành Khai thác khoáng sản (bao gồm cả lộ thiên và hầm lò), các doanh nghiệp được đánh giá có trình độ công nghệ ở mức trung bình tiên tiến đến tiên tiến. Trong lĩnh vực sàng tuyển và chế biến, cũng được đánh giá ở mức độ này.
Đối với ngành Chế biến thực phẩm (dầu thực vật, bia rượu và nước giải khát, chế biến sữa), nhìn chung các doanh nghiệp được đánh giá có trình độ công nghệ tiên tiến do đặc thù của lĩnh vực này đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, các chứng chỉ hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngành sản xuất giấy được đánh giá có trình độ chưa đồng đều và đồng bộ. Trong đó, khoảng 25% công nghệ lạc hậu, 25% công nghệ trung bình và 50% có trình độ công nghệ trung bình tiên tiến đến tiên tiến.
Ngành may thì khoảng 20% doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, 70% trình độ trung bình tiên tiến và 10% công nghệ lạc hậu và trung bình. Riêng dệt, nhuộm, theo đánh giá, chỉ có khoảng 10-15% số doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, còn lại là trung bình tiên tiến, trung bình và lạc hậu. Ngành xơ, sợi cũng chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến.
Trình độ công nghệ sản xuất ngành da-giày phổ biến ở mức trung bình và trung bình khá. Gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tự động hoá thiết kế, ứng dụng CAD, CAM trong tạo mẫu và quản lý sản xuất, đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng. 
Đánh giá lại trong giai đoạn vừa qua, ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh là động lực then chốt để phát triển bền vững cho các khối ngành sản xuất-kinh doanh tại các doanh nghiệp trong ngành Công Thương. Các hoạt động KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói riêng và ngành Công Thương nói chung.
Trước xu thế hội nhập, ngành Công Thương đã chuẩn bị như thế nào để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Ông Trần Việt Hòa: Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh thông qua việc nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng những công nghệ tiên tiên vào hoạt động của doanh nghiệp, phát triển các mô hình kinh doanh mới. Chuyển đổi số, hình thành các nhà máy số sẽ giúp các doanh nghiệp quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, linh hoạt, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát triển thương mại điện tử, các hình thức kinh doanh, phân mới dựa trên nền tảng số sẽ là lĩnh vực có sự phát triển hết sức sôi động trong bối cảnh của cuộc CMCN4.0. 
Cuộc CMCN4.0 đồng thời cũng sẽ đặt các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức. Bởi, đa số doanh nghiệp Việt đang sử dụng công nghệ của những năm 80. Đầu tư cho đổi mới KH&CN của doanh nghiệp chưa đạt 0,3% doanh thu (trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%). Có thể nói, công nghệ và sáng tạo vẫn là “vùng trũng nhất” (có xếp hạng thấp nhất), kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Khảo sát do Bộ Công Thương cho thấy, trong tiếp cận với cuộc CMCN 4.0, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang đứng ngoài cuộc. Đại bộ phận các doanh nghiệp chưa có kế hoạch thực hiện điều chỉnh đáng kể trong bối cảnh CMCN 4.0, trong đó có 34% số doanh nghiệp nói không biết phải làm gì. Các công nghệ điển hình của CMCN 4.0 vẫn còn ít được áp dụng tại các doanh nghiệp. Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp có xu hướng tăng dần theo quy mô. Các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh, họ rất chủ động trong việc tiếp cận với cuộc CMCN4.0 và đang ở mức sẵn sàng cao, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty.
Vậy Bộ Công Thương có hành động gì trước thực tế này, thưa ông?
Ông Trần Việt Hòa: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức, triển khai nhiều hoạt động, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển KH&CN, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với cuộc CMCN 4.0... 
Trong thời gian tới, Bộ tập trung hoàn thành việc đánh giá toàn diện tác động và tính sẵn sàng của doanh nghiệp ngành Công Thương trong tiếp cận với cuộc CMCN 4.0, từ đó làm căn cứ xác định được các định hướng, chính sách và nhiệm vụ trọng tâm của Ngành nhằm chủ động tham gia vào cuộc CMCN4.0.
Mặt khác, tập trung vào những giải pháp có tính căn cơ nhằm nâng cao năng lực tiếp cận của doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và phương thức hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu của cuộc CMNC4.0. Đẩy mạnh việc ứng dụng các công cụ/công nghệ hiện đại phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính minh bạch.
Cụ thể, trong năm 2018, hoạt động  KH&CN của ngành Công Thương tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Trần Việt Hòa: Năm 2018, Bộ Công Thương tập trung triển khai có hiệu quả, đảm bảo tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/2018 của Chính phủ tập trung vào lĩnh vực quản lý chất lượng, đo lường và sở hữu trí tuệ; quản lý an toàn thực phẩm, công nghệ sinh học; và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Trong đó, đặc biệt thực hiện nghiêm túc việc công khai hóa việc đăng ký, triển khai thực hiện, kết quả và ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, các phát minh sáng chế, đổi mới sáng tạo về KH&CN. Hoàn thiện và đưa vào khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu KH&CN của Bộ, triển khai thí điểm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, tổng hợp và xây dựng, quản lý kế hoạch KH&CN năm 2019. Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê, đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ Ngành Công Thương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hồ Nga - Bản tin KHCN số tháng 5/2018