[In trang]
Hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng: ‘Những mảng màu ấn tượng’
Thứ năm, 14/03/2019 - 09:38
Năm 2018, đánh dấu một năm hoạt động sôi nổi trong hợp tác đa phương, song phương thể hiện sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL).
Năm 2018, đánh dấu một năm hoạt động sôi nổi trong hợp tác đa phương, song phương thể hiện sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL).
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng và Ông Joo- Suk Son, Chủ tịch K-Petro trong Lễ ký kết Kế hoạch hành động 2019-2020
Xây dựng tiêu chuẩn quốc tế - Nét mới trong hoạt động hội nhập về xây dựng tiêu chuẩn
Với lợi thế là nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên, các nhà khoa học của Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất soát xét tiêu chuẩn thế giới và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế mới trong lĩnh vực chuyên ngành. Tại Ban kỹ thuật của ISO/TC45, Việt Nam chủ trì 3 dự án soát xét tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên và 01 dự án biên soạn tiêu chuẩn ISO mới đầu tiên kể từ khi là thành viên chính thức của ISO. Đó là Dự án soát xét tiêu chuẩn ISO/DIS 1656 Cao su thiên nhiên thô và latex cao su thô – Xác định hàm lượng nitơ trên cơ sở áp dụng thành quả nghiên cứu khoa học từ Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam; Dự án soát xét tiêu chuẩn ISO 248-1:2011 Cao su thô – Xác định hàm lượng chất bay hơi – Phần 1: Phương pháp cán nóng và phương pháp tủ sấy và Dự án soát xét tiêu chuẩn ISO 1658: 2015 Cao su thiên nhiên – Quy trình đánh giá do trong tiêu chuẩn có một số điều không phù hợp, dẫn đến không thực hiện hoặc khó thực hiện.
Đồng thời, PGS. Tiến sĩ Phan Trung Nghĩa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đề xuất biên soạn tiêu chuẩn ISO mới cho latex cao su thiên nhiên cô đặc có hàm lượng protein thấp. Tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11527:2016 Latex cao su thiên nhiên cô đặc có hàm lượng protein thấp – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.
Đây có thể nói là sự đồng hành của nhà khoa học cùng hoạt động tiêu chuẩn hóa. Hiện nay, Việt Nam là một trong các những nước lớn về sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên, đứng thứ 3 thế giới. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế gắn liền với lợi ích chung của doanh nghiệp và của Nhà nước.
Việc chủ động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế tăng cường uy tín và vị thế của Việt Nam trong hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế và tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ngay trên sân nhà, tạo điều kiện bước vào thị trường thế giới dễ dàng hơn. Việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế giống như chúng ta xây dựng luật chơi chung cho thế giới. Hiện nay, Tổng cục đang điều phối nguồn kinh phí để phần nào hỗ trợ các nhà khoa học có cơ hội được tham gia các phiên họp của ISO. Về lâu dài, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động tiêu chuẩn hóa, đồng hành cùng cơ quan tiêu chuẩn hóa và các nhà khoa học, tăng cường tính xã hội hóa trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia nói riêng và xây dựng quốc tế nói chung.
Hội nhập ASEAN về TCĐLCL hướng đến năm Chủ tịch ASEAN năm 2020
Hoạt động hội nhập về TCĐLCL trong năm qua đang tích cực góp phần chuẩn bị cho việc Việt Nam đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.
Tổng cục tích cực thực hiện vai trò điều phối hoạt động hội nhập ASEAN về TCĐLCL. Năm 2018, Việt Nam đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về hệ thống chứng nhận và kiểm nghiệm vệ sinh đối với thực phẩm chế biến sẵn và hiện nay Bộ Y tế, Bộ Công Thương đang phối hợp thực hiện MRA. Việt Nam cùng các nước ASEAN khác cũng đang tiếp tục thảo luận MRA về phê duyệt kiểu dáng đối với sản phẩm ô tô và MRA đối với vật liệu xây dựng. Các MRA cấp khu vực khi được thực hiện sẽ tạo điều kiện thông thương sản phẩm mà không cần thử nghiệm nhiều lần, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tổng cục đang thúc đẩy thực hiện sáu mục tiêu chiến lược trong Kế hoạch chiến lược về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp 2016-2025 trong đó các nước ASEAN tăng cường hợp tác phát triển năng lực và thúc đẩy chia sẻ các nguồn lực chuyên môn trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn và đánh giá sự phù hợp. Trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp và đo lường, Việt Nam sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ tư vấn cho các nước Cam-pu-chia, Lào và Myanmar về cơ sở hạ tầng chất lượng để cùng phát triển. Nghị định thư với Lào khi đi vào thực hiện sẽ hỗ trợ Lào rất lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng nhất là về cơ cấu tổ chức và đo lường, thử nghiệm.
Đồng thời, nhờ có sự tham gia mạnh mẽ vào hoạt động hội nhập, các cán bộ của Tổng cục nói riêng, của Việt Nam nói chung cũng nâng cao trình độ, đã sẵn sàng đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch của nhóm công tác 1 về tiêu chuẩn và MRA, Phó Chủ tịch của Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ) trong năm 2019. Hiện Việt Nam (Bộ Y tế) đang là Phó Chủ tịch của Nhóm công tác về Dược phẩm và Phó Chủ tịch của Nhóm công tác Thực phẩm Chế biến sẵn của ASEAN.
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cơ hội để hội nhập sâu rộng hơn
Từ ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Châu Á-Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với các Bộ khác để rà soát, sửa đổi các Luật liên quan để thực thi Hiệp định CPTPP.
Năm 2018, Tổng cục đã hoàn thành đàm phán chương về Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Kỹ thuật và Đánh giá sự phù hợp (STRACAP) của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định khi được thông qua sẽ mở ra cơ hội hội nhập trên phạm vi toàn ASEAN và 6 nước lớn gồm Úc, Niu Di lân, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương
Bên cạnh hợp tác đa phương, hợp tác song phương cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Ngày 25/4/2018, Tổng cục đã ký kết Bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Singapore (Enterprise Singapore). MoU đã mở ra cơ hội để hai bên cùng trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực quan tâm như đô thị thông minh, tiết kiệm nước, đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng, chia sẻ thông tin về giải thưởng chất lượng quốc gia …
Trong hợp tác với Hàn Quốc, Tổng cục đã ký lại MoU với Cơ quan Tiêu chuẩn hoá Hàn Quốc (KATS), trong đó bổ sung nội dung hợp tác mở rộng, như xây dựng các phòng thử nghiệm sản phẩm có thể đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Tổng cục như Viện Đo lường, QUATEST 3, QUACERT, Trung tâm Đào tạo cũng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như đo lường, chứng nhận, thử nghiệm, đào tạo ... tạo nên một bức tranh sôi động về hợp tác quốc tế trong năm 2018.
Theo Chất lượng Việt Nam