[In trang]
'Xây' chuẩn chất lượng: Chuyện không chỉ của Nhà nước!
Thứ bảy, 16/03/2019 - 14:10
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong công tác xây dựng tiêu chuẩn và nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong công tác xây dựng tiêu chuẩn và nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng.
Tại tọa đàm “Vai trò tiêu chuẩn trong cạnh tranh của doanh nghiệp phi thực phẩm” diễn ra mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, trước những băn khoăn của không ít doanh nghiệp khi đề cập đến vấn đề chất lượng hàng hóa Việt Nam khó khăn trong tiếp cận các tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu, trong đó việc xây dựng chuẩn chất lượng cho riêng hàng hóa trong nước lại chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: "Việc thiết lập các bộ tiêu chuẩn, Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hành trình này"
Theo các chuyên gia, thiết lập các bộ tiêu chuẩn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay. Trên thế giới, hiện có tới 1 triệu bộ tiêu chuẩn về các hạng mục: Tiêu chuẩn sản phẩm, sản xuất, vấn đề lao động, trách nghiệp xã hội, sự minh bạch…
Nếu không có bất cứ tiêu chuẩn nào, doanh nghiệp vẫn có thể bán được hàng ở thị trường trong nước nhưng chắc chắn rất khó ra thị trường quốc tế, nhất là ở những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina, chủ sở hữu thương hiệu NaMilux cho biết, để đưa bếp gas vào thị trường Nhật, doanh nghiệp này đã phải mất 3 năm để thực hiện hoàn tất quy trình theo tiêu chuẩn Nhật.
“Trước khi đi đăng ký bất cứ tiêu chuẩn gì, doanh nghiệp cần tự đánh giá, xem bản thân đã đạt các điều kiện của bộ tiêu chuẩn đó hay chưa. Sau khi thành công, vẫn phải liên tục bám sát các bộ tiêu chuẩn quốc tế, vì các tiêu chuẩn không đứng yên một chỗ mà thay đổi qua từng năm và tùy tình hình từng thị trường”, ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Dũng cũng đưa ra thực tế, nguyên do, hiện tại ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất bếp gas dù đã được chấp nhận ở một số nước xuất khẩu nhưng vẫn chưa xây dựng bộ tiêu chuẩn cho riêng mình hoặc nếu có thì cũng theo kiểu sơ sài, đối phó. Các tiêu chí trong nước không giúp được người tiêu dùng lựa chọn cũng như phân biệt được sản phẩm tốt hay không tốt. Thậm chí, nhiều công ty còn không dám cam kết, bảo đảm tính năng cơ bản cho sản phẩm của mình.
“Để cải thiện thực trạng nói trên, bắt buộc phải có sự tham gia của Nhà nước. Nhà nước cần đứng ra xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng cho ngành bếp gas và các ngành nghề khác, tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới và yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong ngành phải áp dụng”, ông Dũng kiến nghị.
Tại hội thảo một số ý kiến cũng cho rằng, người tiêu dùng không tin tưởng vào các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội tự xây dựng mà chỉ tin vào các tiêu chuẩn do nhà nước xây dựng, ban hành.
Đáp lại mối quan ngại ấy, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, với việc thiết lập các bộ tiêu chuẩn, Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hành trình này.
Ông Linh khuyến khích NaMilux tham gia với Tổng cục để cùng nhau xây dựng bộ tiêu chuẩn về bếp gas riêng cho Việt Nam. Nếu làm tốt, bộ tiêu chuẩn của Việt Nam có thể còn thân thiện và khiến người tiêu dùng hài lòng hơn cả bộ tiêu chuẩn của Nhật hay quốc gia khác. Khi đó, ngành bếp gas Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn với sản phẩm nhập khẩu.
Ngoài ra, ông Linh cũng đánh giá cao đề xuất của CEO NaMilux về vấn đề: Nhà nước sẽ đưa ra chủ trương, các hiệp hội về tiêu chuẩn sẽ hình thành và chịu sự giám sát của Nhà nước; các hiệp hội không cần nhà nước hỗ trợ kinh phí mà sẽ do doanh nghiệp tự đóng góp; hiệp hội giám sát các doanh nghiệp đi đúng hướng.
Mô hình kể trên đã xuất hiện ở nhiều nước và khá thành công, khi người tiêu dùng chỉ tin vào hiệp hội chứ không tin vào các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mô hình này đang manh nha hình thành với sự xuất hiện của bộ tiêu chuẩn Local G.A.P do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng.
Thực tế cho thấy nhiều bộ tiêu chuẩn nổi tiếng và được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu ngày nay đều có xuất phát điểm từ… bên ngoài nhà nước. Có thể kể đến như tiêu chuẩn ASTM được khởi xướng bởi Hiệp hội Thí nghiệm và vật liệu Hoa Kỳ; bộ tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản cũng được “khai sinh” bởi Hiệp hội Tiêu chuẩn Nhật Bản; Tiêu chuẩn BRC thì đến từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh; hay Tổ chức Tiêu chuẩn DIN (của Đức) cho phép tất cả các bên liên quan đều có thể tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn. Đó có thể là các nhà sản xuất, người tiêu dùng, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các cá nhân, tổ chức…
Theo thống kê, trong những năm gần đây có hơn 80% giá trị/lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn. Đồng thời, có 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn trong các chiến lược/hoạt động xuất khẩu của mình.
Hiện có hơn 1 triệu tiêu chuẩn (quốc tế, khu vực, quốc gia, cơ sở) được xây dựng, công bố và áp dụng trên thế giới; trong đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình/thủ tục đánh giá sự phù hợp có thể trở thành rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá trong nhiều trường hợp xuất nhập khẩu. Tiêu chuẩn mang lại lợi ích cho tất cả các bên, gồm: người tiêu dùng, doanh nghiệp, Chính phủ, nhất là tạo ra lòng tin thị trường thương mại tự do.
Nguồn: Chất lượng Việt Nam