[In trang]
Công nhân kỹ thuật cao - động lực phát triển đất nước
Thứ năm, 02/05/2019 - 14:38
Ngày 5.5 tới đây, tại TP.Hồ Chí Minh, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 với chủ đề: “Công nhân kỹ thuật cao - động lực phát triển đất nước”.
Ngày 5.5 tới đây, tại TP.Hồ Chí Minh, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 với chủ đề: “Công nhân kỹ thuật cao - động lực phát triển đất nước”. Chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động (CNLĐ) có trình độ kỹ thuật cao, LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh đã tổng hợp 5 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách để kiến nghị với Thủ tướng nhằm phát triển đội ngũ CNLĐ kỹ thuật cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm công nhân KCN Hà Nam
TPHCM là một trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước với số lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao trên 711.200 người (theo niên giám thống kê 2016 của TPHCM). Nhìn chung, lực lượng lao động chuyên môn kỹ thuật cao tại TPHCM đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của TP, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cần có chính sách lương dành cho CN kỹ thuật cao
Thứ nhất: Cần xây dựng chính sách hỗ trợ công nhân kỹ thuật cao về lương tối thiểu vùng dành cho CN các ngành kỹ thuật cao, về nhà ở, các tiện ích phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ vay vốn để tăng thu nhập, tạo lập nhà ở, nhà trẻ và thời gian giữ trẻ cho con CN, khám chữa bệnh ngoài giờ cho CN.
Thứ hai: Hỗ trợ cho các DN chuyển đổi công nghệ lạc hậu lên công nghệ máy móc hiện đại để CN có thể tăng năng suất, tăng thu nhập. Cấm nhập khẩu các máy móc, công nghệ lạc hậu khi các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Khuyến khích các DN có công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao, tránh ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của NLĐ.
Thứ ba: DN cần xây dựng chính sách tiền lương, phụ cấp đối với lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao, ngành nghề kỹ thuật cao, tạo điều kiện cho công nhân học tập nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề kỹ thuật cao thông qua chính sách hỗ trợ đồng hành cùng Nhà nước.
Thứ tư: Cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, phát huy tính sáng tạo, tiềm năng của đội ngũ CN kỹ thuật cao như: Cần xây dựng trung tâm hỗ trợ CNLĐ nghiên cứu, sáng tạo; khi thành công có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, có chuyển giao cho trung tâm khai thác trả phí cho tác giả như trung tâm hỗ trợ quyền tác giả. Cần có quy định tạo điều kiện để phát huy dân chủ, tự do trong sáng tạo, có chính sách thiết thực để thúc đẩy thị trường khoa học - công nghệ, tạo công bằng trong việc hưởng thụ thành quả sáng kiến, phát minh giữa cá nhân, nhà nước và DN. Thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm về khoa học công nghệ thu hút mọi đối tượng có ý tưởng công nghệ vào nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, chế thử sản phẩm và thành lập DN.
Thứ năm: Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, công nghệ cao với tầm nhìn dài hạn, nhất là chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ, có chính sách hỗ trợ các DN sử dụng công nghệ cao, CN kỹ thuật cao.
CN làm việc với dây chuyền hiện đại tại Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dệt may Thành Công
Đầu tư cho phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”
LĐLĐ TPHCM cũng cho rằng cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phát huy đội ngũ CNLĐ kỹ thuật cao. Cụ thể nâng cao năng lực của đội ngũ CBCĐ các cấp làm công tác thi đua khen thưởng, đổi mới tư duy công tác thi đua phải tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới từ cơ sở, khen thưởng kịp thời để nhân rộng gương điển hình trong CN kỹ thuật cao tạo thành phong trào sâu rộng góp phần vào sự phát triển của TP. Tập trung đầu tư phát triển phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong các DN ngoài khu vực nhà nước, lấy trọng tâm là nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị, DN, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng, nâng cao hiệu suất máy móc, thiết bị tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp TP.
Nâng cao chất lượng giải thưởng Tôn Đức Thắng của TP. Nhân rộng các gương điển hình, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của “Câu lạc bộ công nhân sáng tạo” - nơi sinh hoạt của CN đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng và hội thi khoa học kỹ thuật sáng tạo TP, nhằm tiếp tục góp phần đào tạo lớp thợ trẻ có tay nghề chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội TP.
Đẩy mạnh phong trào thi đua liên kết giữa công nghiệp với nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”. Quan tâm đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, CNVC-LĐ đang công tác trong ngành, lĩnh vực có liên quan nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm với năng suất cao, chất lượng tốt, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Và cuối cùng, các cấp CĐ chủ động vận động, thuyết phục chủ DN quan tâm công tác nâng cao tay nghề, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho NLĐ, thực hiện nâng lương cho CN đạt giải cao trong các hội thi tay nghề, chú trọng tổ chức theo ngành, có sự tham gia chuyên môn của DN trong công tác tổ chức.
Người lao động phải làm chủ công nghệ mới
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) sẽ tạo ra cả thời cơ và thách thức cho người lao động (NLĐ). Để giữ được việc làm ổn định và thu nhập, NLĐ cần chuẩn bị những gì nhằm có đủ tự tin trong tình hình mới. Họ đã chia sẻ với PV Báo Lao Động.
* Anh Đào Phước Tiệp - Đội trưởng Quản lý lưới ở Điện lực Núi Thành (Cty Điện lực Quảng Nam): “Để trở thành công nhân (CN) kỹ thuật cao, phương châm làm việc của tôi là phải hết lòng vì công việc, cái gì không biết, thì tìm hiểu các bậc thợ đàn anh hoặc các kỹ thuật viên để lĩnh hội kiến thức, tay nghề. Và để có đội ngũ thợ kỹ thuật cao, trong quá trình làm việc, tôi vừa làm, vừa chỉ vẽ cho anh em đồng nghiệp nên kiến thức và tay nghề của mọi người cũng được nâng lên ở mức độ đồng đều”.
* Anh Đào Xuân Hội - CN Cty TNHH sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Việt Nam (Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên): “Nếu Cty, bộ phận có yêu cầu nâng cao trình độ kỹ thuật cho CN xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tôi sẵn sàng bỏ thời gian, công sức học thêm để nâng cao tay nghề. Nếu Cty hỗ trợ về chi phí học thêm thì rất tốt. Tôi nghĩ thời đại công nghiệp 4.0 đang đến, vì vậy, nâng cao kỹ năng, tay nghề đóng vai trò rất quan trọng để làm chủ được công nghệ mới”
* Anh Lường Đình Hoàn (CN Cty điện tử Tabuchi, Bắc Ninh): “Hiện tôi đã 31 tuổi rồi, nhưng nếu Cty có sự hỗ trợ về tiền để CN như tôi đi học thêm nâng cao tay nghề thì có lẽ tôi sẽ đi. Như vậy, cuộc sống của tôi sau này sẽ đảm bảo hơn, không lo bị mất việc trong thời gian tới, khi mà cạnh tranh ngày càng cao trong ngành, không chỉ giữa CN với nhau mà còn giữa CN với robot”.
* Anh Nguyễn Gia Thái (29 tuổi, làm việc tại Cty Taekwang Vina, KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai): “Trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tôi đang tự cố gắng học tập để trở thành một NLĐ có trình độ công nghệ cao, đáp ứng được nhu cầu công việc mới”. Trong những năm vừa qua, anh Thái đã đạt một số thành tích trong việc đóng góp sáng kiến cải tiến mà điển hình là cải tiến van nước mang lại hiệu quả tiết kiệm trên 100 triệu đồng/tháng cho Cty và nó được áp dụng rộng rãi cho cả tập đoàn…
* Anh Phạm Văn Thượng - CN Cty Great Kingdom International (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai): “Để NLĐ nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến, sáng tạo, người sử dụng LĐ cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để NLĐ có điều kiện phát huy năng lực. Ví dụ hỗ trợ học phí, khen thưởng NLĐ có sáng kiến làm lợi cho DN.
* Chị Lê Thị Thu Hiếu làm việc trong một doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng, cho rằng: “Để tay nghề của NLĐ được giỏi hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc, quan trọng là phía doanh nghiệp. Đồng thời, cần vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc định hướng, tác động, làm sao cho doanh nghiệp hiểu rằng, nâng cao chất lượng lao động là vấn đề sống còn…”. 
Nguồn: Báo Lao động