[In trang]
Chuyển đổi số là hành trình dài phụ thuộc rất lớn vào chiến lược và tầm nhìn của doanh nghiệp
Thứ ba, 04/02/2020 - 13:28
Chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, CĐS ở khu vực sản xuất công nghiệp được nhấn mạnh, bởi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế của mỗi quốc gia. Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ với Tạp chí Tự động hóa ngày nay về những thách thức của CĐS trong khu vực sản xuất công nghiệp tại Việt Nam hiện nay.
Chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, CĐS ở khu vực sản xuất công nghiệp được nhấn mạnh, bởi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế của mỗi quốc gia. Ông Trần Việt HòaVụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thươngđã có những chia sẻ với Tạp chí Tự động hóa ngày nay về nhữngthách thức của CĐS trong khu vực sản xuất công nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó là những hoạt động cụ thể của Chính Phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để thúc đẩy hoạt động CĐS trong một thiên niên kỷ mới.

PV:CĐS trong sản xuất xuất công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông có đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam trước xu thế này?
Ông Trần Việt Hòa: Thực hiện CĐS, phát triển sản xuất thông minh là một xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Để bắt đầu hành trình đó, điều quan trọng đầu tiên chính là việc các doanh nghiệp cần phải biết mình đang ở đâu, mức độ sẵn sàng như thế nào so với yêu cầu của nền sản xuất thông minh hay cụ thể là mức độ đáp ứng đối với một mô hình chuyển đổi số cụ thể. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã tiến hành xây dựng và áp dụng bộ chỉ số đánh giá về mức độ sẵn sàng với CMCN4.0 cho các doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng với CMCN4.0 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp dựa trên phương pháp luận của Hiệp hội Kỹ thuật Cơ khí của Đức (VDMA). Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam đánh giá sự sẵn sàng tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 ở phạm vi doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang mới đứng ở điểm xuất phát. Kết quả đánh giá này cũng tương đồng với kết quả được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tháng 01 năm 2018 trong Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia (Readiness for The Future of Production - Report 2018). Trong số 6 trụ cột đánh giá tính sẵn sàng tiếp cận với cuộc CMCN4.0 gồm: chiến lược và tổ chức; nhà máy thông minh; vận hành thông minh; dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu; sản phẩm thông minh và người lao động, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột. Trong đó, các trụ cột có vai trò quan trọng nhất (chiến lược và tổ chức, sản phẩm thông minh) cũng là các trụ cột có mức độ tiếp cận thấp nhất. Các trụ cột có mức độ tiếp cận cao hơn gồm vận hành thông minh và sgười lao động. Ngành có số điểm đánh giá tính sẵn sàng cao nhất là dầu khí, tiếp theo là sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, điện - khí đốt - nước và hóa chất. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm có mức độ sẵn sàng thấp nhất.
PV:Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi số?
Ông Trần Việt Hòa: Bên cạnh việc thiếu một chiến lược phát triển phát triển phù hợp với bối cảnh của cuộc CMCN4.0, khả năng CĐS của các doanh nghiệp bị hạn chế bởi những vấn đề có tính chất hết sức cơ bản như:
(1) Khả năng số hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và các đối tác trong chuỗi còn rất hạn chế; điều này dẫn đến khả năng tự vận hành theo thay đổi, tự động quản trị của doanh nghiệp rất thấp, chỉ ở mức 2% (ở phạm vi toàn doanh nghiệp); 11 - 12 % (ở các khu vực riêng lẻ trong doanh nghiệp).
(2) Doanh nghiệp hiện nay gần như chưa có các sản phẩm thông minh (sản phẩm được tích hợp thêm các tính năng về công nghệ thông tin, công nghệ số, ví dụ như: tính năng bản địa hóa, tính năng tự báo cáo, tính năng nhận dạng tự động,..) để tiến hành thu thập dữ liệu của sản phẩm, dữ liệu của khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển sản xuất cá nhân hóa người dùng và hình thành, khai thác những dịch vụ/mô hình kinh doanh mới dựa trên dữ liệu;
(3) Các mô hình quản trị doanh nghiệp dựa trên dữ liệu có tỷ lệ áp dụng rất hạn chế, chỉ ở mức trên dưới 5%. Ví dụ như các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng (SCM), quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), hệ thống thiêt lập kế hoạch sản xuất (PPS), quản lý dữ liệu sản phẩm (PDM),… đều có mức độ áp dụng chỉ ở mức 2 - 3% .
(4) Mức độ ứng dụng các công nghệ chủ yếu từ cuộc CMCN4.0 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn rất hạn chế, ví dụ như Công nghệ in 3D, nhận dạng bằng sóng vô tuyến, Bigdata chỉ ở mức 2%; 3% với Trí tuệ nhân tạo, định vị thời gian thực,… Phần mềm điện toán đám mây có mức độ doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất, 15%, tuy nhiên mức độ khai thác và sử dụng phần mềm này cũng rất khác nhau tại các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy: 22% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu, 17% doanh nghiệp sử dụng phần mềm trên nền tảng đám mây, chỉ có 5% doanh nghiệp cho biết có sử dụng dịch vụ phân tích dữ liệu.       
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị hạn chế bởi việc thiếu một hệ sinh thái đủ mạnh, có năng lực phục vụ quá trình chuyển đổi. Năng lực nghiên cứu phát triển các công nghệ của công nghiệp 4.0 chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt gắn với các ngành, lĩnh vực sản xuất đặc thù. Các đơn vị tư vấn đang thiếu các công cụ và tiêu chuẩn để tiếp cận và cung cấp giải pháp một cách tổng thể; đặc biệt, thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa tư vấn sản xuất công nghiệp và tư vấn về sản xuất thông minh để đưa ra giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp.
PV:Ông có nghĩ rằng vì với đặc thù của Việt Nam là đến hơn 98% doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ thì rào cản về nhận thức không lớn bằng rào cản về kinh phí đầu tư đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp?
Ông Trần Việt Hòa: Tôi tin rằng trước tiên doanh nghiệp cần phải hiểu CĐS tại doanh nghiệp của mình có ý nghĩa như thế nào, doanh nghiệp cần, mong muốn gì và họ sẽ phải có những bước đi cụ thể như thế nào để hiện thực hóa. Nhận thức đầy đủ sẽ giúp doanh nghiệp có cách tiếp cận chủ động trước những cơ hội và thách thức, tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển của doanh nghiệp. Cần nhấn mạnh lại rằng, Cuộc cách mạng công nghiệp lần này không chỉ là vấn đề mang công nghệ nào vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần nhìn nó như một yếu tố, điều kiện mới tác động tới mỗi doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải xem lại định hướng và chiến lược phát triển của mình. Doanh nghiệp có cơ hội để tiến nhanh về phía trước, tạo ra những bước đột phá, nhưng cũng không loại trừ khả năng tụt lại phía thậm chí biến mất. Cạnh tranh trên thị trường vận tải với sự xuất hiện của mô hình vận tải mới của Uber hay Grab là một ví dụ.
CĐS đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực thích đáng. Đây rõ ràng là một thách thức với các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Khảo sát của chúng tôi cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng thiết bị không thể kiểm soát bằng công nghệ thông tin hoặc phải nâng cấp để kết nối giữa các thiết bị và hệ thống khác là cao tương ứng ở mức 70% và 52%. Điều này cho thấy, đầu tư của doanh nghiệp không chỉ là vấn đề đưa công nghệ mới vào quá trình sản xuất kinh doanh mà sẽ bao gồm cả việc đầu tư, thay thế các công nghệ, thiết bị hiện có, trong khi, mức đầu tư của các doanh nghiệp trong 2 năm qua cũng như dự kiến trong 5 năm tới phần lớn ở mức thấp. Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ là một hành trình dài và mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể dựa trên (1) năng lực hiện tại của doanh nghiệp so với yêu cầu của phát triển công nghiệp thông minh; (2) ưu tiên hay những thách thức hiện tại đối với vấn đề phát triển của doanh nghiệp và (3) hiệu quả mang lại. Đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện CĐS sẽ là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của doanh nghiệp. Lộ trình này sẽ phụ thuộc rất lớn vào chiến lược và tầm nhìn của doanh nghiệp trong một bối cảnh phát triển mới.
PV: Để giải quyết các rào cản đó, về phía Bộ Công Thương trong thời gian qua đã có những hoạt động cụ thể nào để đồng hành cùng doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Trần Việt Hòa: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10 tháng 11 năm 2017. Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, những ưu tiên triển khai của Bộ Công Thương trong thời gian qua cũng tập trung để tháo gỡ những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp. Cụ thể:
 (1)Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với doanh nghiệp ngành Công Thương. Trong giai đoạn đầu, các hội thảo/diễn đàn ở quy mô lớn đã được tổ chức góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chung của cấp lãnh đạo, quản lý và doanh nghiệp về cuộc CMCN4.0. Đến nay, các hoạt động đã đi vào những vấn đề cụ thể của phát triển các ngành, lĩnh vực trước yêu cầu và thách thức của cuộc CMCN4.0. Bên cạnh đó, các tập đoàn/tổng công ty, doanh nghiệp đã thực hiện việc quán triệt các nội dung, nhiệm vụ của Chỉ thị 16/CT-TTg từ cấp lãnh đạo tới người lao động, từ đó đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của các đơn vị. Trên cơ sở những nhận thức đầy đủ về công nghiệp 4.0, các đơn vị đã đi vào triển khai những chương trình và kế hoạch cụ thể nhằm tiếp cận với cuộc cách mạng này.
(2) Thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về công nghiệp 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện CĐS, xây dựng các mô hình thí điểm về nhà máy thông minh trong ngành Công Thương.Bộ Công Thương đã chủ động lồng ghép triển khai các nhiệm vụ, dự án hỗ trợ doanh nghiệp trong các Chương trình khoa học và công nghệ hiện có của Bộ, một số mô hình điển hình như: Dự án phát triển mô hình nhà kho thông minh; Hỗ trợ xây dựng và áp dụng Module quản lý theo dõi sản xuất cho dây chuyền sản phẩm LED & điện tử tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông; Hệ thống giám sát, điều hành sản xuất trực tuyến (module quản lý năng lượng và bảo trì bảo dưỡng)” tại Công ty Bia Sài Gòn - Hà Nội; Dự án ứng dụng bản đồ số để quản lý và cung cấp thông tin ngành Da - Giày Việt Nam; Hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược liệu đáp ứng công nghiệp 4.0; Hệ thống giám sát chất lượng tự động QCS trong quá trính sản xuất giấy bao bì công nghiệp tại Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm;… Trong năm 2020, nhiều dự án với sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp ứng dụng đã được đưa vào kế hoạch triển khai như: Dự án Phát triển và áp dụng thí điểm phần mềm lập kế hoạch và quản lý sản xuất (Production Planning and Management PPM) tại Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên; Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng giải pháp cải tiến và hệ thống quản lý kho thông minh tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong; Dự án Áp dụng hệ thống kết nối vạn vật (Industrial IoT - IIoT) cho nhà máy công nghiệp phục vụ mục tiêu xây dựng nhà máy thông minh kiểu mẫu, áp dụng tại Tập đoàn Công nghiệp Massan và Công ty TNHH Cơ khí Duy Tân,…
(3) Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, có thế mạnh trong lĩnh vực CĐS, nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0: Trong năm  2019, Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens đã thống nhất nội dung hợp tác về thúc đẩy số hóa các lĩnh vực công nghiệp Việt Nam thông qua giới thiệu công nghệ tự động hóa và số hóa hiện đại cho một số ngành công nghiệp tiêu biểu. Hợp tác của Siemens và các tổ chức quốc tế tập trung vào việc chuyển giao các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá mức độ sẵn sàng, xây dựng và triển khai lộ trình CĐS tại các doanh nghiệp. Hiện tại, các chuyên gia tư vấn quốc tế đang thực hiện hoạt động đánh giá và tư vấn trực tiếp tại các doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng thông qua kết quả triển khai này, chúng tôi có thể đưa ra một công cụ phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như có được các mô hình điển hình thực hiện CĐS trong các ngành công nghiệp khác nhau. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương triển khai, nhân rộng trong giai đoạn tới.
PV: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khẳng định quyết tâm chính trị của việc chủ động tham gia vào CMCN4.0, trong đó chuyển đổi số là một trong những trọng tâm. Theo ông, để những chính sách đúng đắn này thật sự đi vào cuộc sống, trong thời gian tới cần tập trung triển khai những nội dung cụ thể gì?
Ông Trần Việt Hòa: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch nhằm nâng cao năng lực tiếp cận với cuộc CMCN4.0. Ngày 27 tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đã xác định đây “là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng”. Những định hướng chính sách lớn về hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên và hội nhập quốc tế đã được chỉ rõ trong văn bản này. Hiện nay, Chính phủ cũng đang trong quá trình hoàn thiện kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW. Với việc cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương và nhanh chóng đi vào tổ chức thực hiện, tôi tin rằng sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về mặt chính sách trong thời gian tới hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ cuộc CMCN4.0. Mặc dù vậy, sẽ cần có những hỗ trợ hết sức nhanh chóng trong giai đoạn hiện nay, theo tôi những vấn đề ưu tiên cần tập trung bao gồm:
- Tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng bình đẳng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để đầu tư và phát triển. Các chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động đầu tư, đổi mới cần được nâng cao hiệu quả và tạo ra những cú hích có tính tột phá giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa công nghệ mới, hiện đại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào thực tế.
- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình hiện có trong khi chưa có những chương trình hỗ trợ riêng về CĐS đối với các doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ sẽ ưu tiên vào việc cung cấp thông tin, kết nối các doanh nghiệp với các nhà cung cấp giải pháp có năng lực, tạo ra những mô hình điểm trong CĐS, phát triển các mô hình nhà máy thông minh là những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp. Xây dựng mô hình chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến 4.0 trong các lĩnh vực làm tiền đề cho việc phát triển và nhân rộng.
- Sớm xây dựng/lựa chọn một phương pháp tiếp cận, công cụ phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hiện nay đối với những hỗ trợ từ phía Nhà nước. Quá trình lựa chọn đó cần dựa trên những thử nghiệm, đánh giá cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam với đặc thù khác nhau về lĩnh vực hoạt động, quy mô hoạt động,… Đây cũng sẽ là nhu cầu cấp thiết đối với các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
- Bên cạnh đó, nhà nước cần có giải pháp tăng cường năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, hình thành mạng lưới tổ chức hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thực hiện CĐS: (1) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực tư vấn doanh nghiệp thực hiện CĐS; (2) Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của công nghiệp 4.0 vào trong các ngành sản xuất công nghiệp.
PV: Xin cám ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí tự động hoá ngày nay
Trà Giang(thực hiện)