[In trang]
Thanh Hóa phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Thứ bảy, 29/02/2020 - 18:23
Tỉnh Thanh Hóa đã hình thành được 27 doanh nghiệp KH và CN, đứng thứ ba cả nước về số lượng doanh nghiệp, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tỉnh Thanh Hóa đã hình thành được 27 doanh nghiệp KH và CN, đứng thứ ba cả nước về số lượng doanh nghiệp, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Công ty cổ phần Dụng cụ thể thao Delta được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhờ các hoạt động đổi mới sáng tạo
Tháng 4-2014, doanh nghiệp KH và CN đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH và CN. Từ đó đến nay, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh so với toàn quốc, trung bình mỗi năm có từ ba đến bốn đơn được cấp giấy chứng nhận. Phần lớn doanh nghiệp KH và CN hình thành trên cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn gốc kết quả KH và CN do doanh nghiệp nghiên cứu, một số ít doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ từ bên ngoài về.
Có được sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp nêu trên,  Phó Giám đốc Sở KH và CN Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn cho rằng là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai nhiều giải pháp và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các cán bộ chuyên môn đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp ươm tạo và đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH và CN. Đồng thời, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH và CN như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thuê đất, cho vay tín dụng ưu đãi... Ngoài ra, Thanh Hóa hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH và CN và khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ. Các cơ chế, chính sách của tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, trực tiếp sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm từ kết quả KH và CN, trên cơ sở đó hình thành các doanh nghiệp KH và CN. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp KH và CN nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Đại diện Công ty cổ phần Dụng cụ thể thao Delta cho biết, các chính sách hỗ trợ của tỉnh rất kịp thời và dễ tiếp cận. Chính sách hỗ trợ kinh phí đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông chia sẻ, cán bộ của Sở KH và CN luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục liên quan việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Tỉnh có chính sách đầu tư cho doanh nghiệp KH và CN về trang thiết bị phòng thí nghiệm. Chính sách hỗ trợ nếu được thực hiện lâu dài sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phát triển KH và CN.
Tuy nhiên,  so với số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, con số 27 doanh nghiệp KH và CN còn thấp so với nhu cầu và tình hình thực tế địa phương. Nguyên nhân do các doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính yếu cho nên chưa mạnh dạn đầu tư cho KH và CN; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp KH và CN chưa thật sự hấp dẫn. Một số quy định về xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước... còn bất cập.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50 doanh nghiệp KH và CN. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các giải pháp đồng bộ. Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các thủ tục chứng nhận, các quyền lợi của doanh nghiệp KH và CN. Thực tế, đây là loại hình đặc thù, có nhiều quy định và khái niệm trừu tượng, hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực... cho nên nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về doanh nghiệp KH và CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức hoạt động sàn giao dịch công nghệ-thiết bị của tỉnh nhằm hỗ trợ, trao đổi thông tin, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án KH và CN các cấp để trên cơ sở đó thành lập mới doanh nghiệp KH và CN.
Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH và CN, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững doanh nghiệp.
Trần Linh