[In trang]
Nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất
Thứ sáu, 01/08/2014 - 11:06
Luôn đồng hành cùng sự hình thành và phát triển của các ngành cơ khí mũi nhọn thuộc Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) được đánh giá là đơn vị đầu ngành có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Luôn đồng hành cùng sự hình thành và phát triển của các ngành cơ khí mũi nhọn thuộc Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) được đánh giá là đơn vị đầu ngành có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm cơ khí trong nước, Narime đã và đang nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm cơ khí chất lượng phục vụ cho các công trình trọng điểm của đất nước. Để đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm cơ khí trong và ngoài nước, Viện thực hiện định hướng gắn hoạt động nghiên cứu KHCN với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, lấy mục tiêu phục vụ sản xuất.

Nhiều kết quả nghiên cứu triển khai thuộc lĩnh vực chế tạo cơ khí của Viện được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao trong ngành Cơ khí Việt Nam như: Thiết kế nhà máy, thiết bị, cụm thiết bị, dây chuyền thiết bị có trình độ tự động hoá cao.  Hoạt động thiết kế được thực hiện trên các phần mềm tính toán thiết kế chuyên nghiệp như Cosmos Design, Solid Works, SAP, Inventor, Pro Engineer… Viện cũng đồng thời hợp tác nhận chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp có uy tín trên thế giới như nhận chuyển giao công nghệ tự động hoá của Siemens, Honeywell; cơ khí thuỷ công của Zaporozegidrostal (Ucraina); lọc bụi từ Kondor Eco (Nga) và Invirotherm (Đức); điện hạt nhân với Nhật và Hàn Quốc…

Bên cạnh việc nghiên cứu triển khai phát triển KHCN thuộc lĩnh vực chế tạo cơ khí qua những Chương trình KHCN cấp Nhà nước và cấp Bộ thì dòng các đề tài thiết kế chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp của Viện cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể, như công nghệ hàn tiên tiến, công nghệ phun phủ bảo vệ bề mặt kim loại, công nghệ tự động hóa dựa trên cơ sở CNC... Chính vì thế, Viện đã làm chủ một số ngành như:

Ngành thủy điện:  Nhờ dầu tư vào nghiên cứu chế tạo các thiết bị chứa hàm lượng khoa học công nghệ kỹ thuật cao mà Viện đã liên tục nhận được các hợp đồng nghiên cứu tư vấn, thiết kế, lắp đặt thiết bị cơ khí thuỷ công các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ có sự hợp tác tư vấn của nước ngoài, như TATA (Ấn Độ), ZaporozheyGydrostal (Ucraine), Siemens (Đức), Cottrell... thay thế cho việc phải thuê hoàn toàn nước ngoài, tạo một mảng công việc lớn, ổn định, có hiệu quả kinh tế rất cao, không chỉ công việc trong Viện mà còn cho các công ty chế tạo cơ khí khác trong nước. Đó là các hệ thống: Van cung, van vận hành, van phẳng, cầu trục chân dê và cầu trục gian máy, hệ thống đường ống áp lực, hệ thống gầu vớt rác, lưới chắn rác, thiết bị điều khiển nhà máy... Đây cũng là bước mở đầu đột phá quan trọng trong cách thực hiện nghiên cứu triển khai theo các dự án KHCN lớn của Nhà nước mà Viện thực hiện thành công trong 5 năm qua. Một số các dự án Viện tham gia đó là: Avương (210 MW), BuônKuốp (280 MW), Sêsan 4 (360 MW), Prêikrông (110 MW), Bản Chát (220 MW), Sơn La (2400 MW)... Hiện nay, Narime tiếp tục triển khai thực hiện nhiều dự án thuỷ điện nữa.

Bên cạnh thủy điện thì nhiệt điện cũng là lĩnh vực mà Narime được đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao với việc phục hồi thay thế nhiều phụ tùng quan trọng, có giá trị kinh tế cao, thay thế nhập ngoại, chất lượng đạt yêu cầu cho các nhà máy nhiệt điện, như: các thùng đỡ máy nghiền, ổ đỡ máy nghiền than, hệ thống lọc bụi túi và động cơ máy phát, các thiết bị trong hệ thống cung cấp than, nước cũng như thiết kế, chế tạo mới các thiết bị phần cảng bốc liệu: dây chuyền băng tải, đệm va cầu cảng, cẩu gầu bốc than…

Trong giai đoạn vừa qua, Narime đã đóng góp không nhỏ cho việc nội địa hóa các thiết bị phục vụ ngành công nghiệp xi măng bằng việc (thiết kế, chế tạo và cung cấp một số lượng lớn các thiết bị và phụ tùng cho các nhà máy xi măng lò quay có công suất tử 1,4 đến 2,4 triệu tấn/năm) như: Các thiết bị phụ tùng (máy nghiền bi, lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện); Thiết bị vận chuyển (gầu nâng, vít tải, băng tải cao sư, băng tải xích, máng khí động); Hệ thống định lượng và cấp liệu (cân băng tải, cân băng định lượng, cân si lô); Hệ thống điều khiển tự động toàn nhà máy...

Song song đó, Viện còn đảm nhận vai trò như nhà tư vấn về kỹ thuật cơ khí, tự động hoá cho các nhà máy xi măng trong quá trình vận hành, sửa chữa và cung cấp các trang thiết bị. Các sản phẩm do Viện thực hiện được khách hàng và tư vấn nước ngoài đánh giá rất cao. Một số công ty xi măng đã trở thành khách hàng truyền thống của Viện như: Nghi Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp, Bỉm Sơn...

Đổi mới và phát triển theo nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã thực sự đồng hành cùng với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Cũng từ đây, trình độ cán bộ làm công tác khoa học chuyên ngành cơ khí đã được nâng lên, đảm bảo tiếp nhận và phát triển tốt các tiến bộ trong ngành cơ khí.

 

Nguyễn Ngân