[In trang]
Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim: SXTN đồng kim loại từ dung dịch ăn mòn bảng mạch thải chứa đồng
Thứ hai, 06/04/2020 - 11:23
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm đồng kim loại từ dung dịch ăn mòn bảng mạch thải chứa đồng”.
Sự gia tăng nhanh chóng của lượng chất thải từ các thiết bị điện, điện tử trong vài năm gần đây đang được các nhà khoa học cũng như kinh tế trên thế giới quan tâm đặc biệt. Các thiết bị điện, điện tử là những vật dũng hữu ích phục vụ cuộc sống con người, nhưng khi thải bỏ lại là chất thải nguy hại cần phải có biện pháp xử lý đặc biệt. 
Ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được Thủ tướng giao soạn thảo Quyết định về trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và tiêu dùng phải thu gom, xử lý các thiết bị điện tử hỏng, hết hạn sử dụng.
Bảng mạch là một bộ phận thiết yếu trong thiết bị điện, điện tử có chứa khoảng 10% đồng và nhiều kim loại có giá trị khác.
Bảng mạch là một bộ phận thiết yếu trong thiết bị điện, điện tử có chứa lượng lớn kim loại có giá trị. Theo ước tính có chứa khoảng 10% đồng và nhiều kim loại có giá trị khác. Điều đó cũng chỉ ra rằng nếu thu hồi kim loại trong đó sẽ tiết kiệm được tài nguyên và đem lại giá trị kinht ế. Ước tính có khoảng 50.000 tấn bảng mạch điện tử được sản xuất mỗi năm ở Anh và chỉ 15% số đó được thu hồi, còn lại 85% được chôn lấp.  
Đồng là kim loại chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số kim loại có trong bản mạch và ứng dụng nhiều trong đời sống. Do vậy, việc thu hồi đồng trong bản mạch thải bỏ không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn có giá trị kinh tế và bảo vệ tài nguyên.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã thực hiện đề tài “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm đồng kim loại từ dung dịch ăn mòn bảng mạch thải chứa đồng”. Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ do Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản. Đề tài được triển khai thực hiện trong thời gian từ 01/01/2020 - 31/12/2022.
Đề tài được đánh giá là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, giúp tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Dự kiến, trong quá trình triển khai, đề tài sẽ xây dựng được quy trình công nghệ chiết – điện phân thu hồi đồng kim loại từ dung dịch đồng clorua thải. Đồng thời, xây dựng dây chuyền thiết bị thu hồi đồng năng suất 200 kg/ngày đêm đảm bảo vận hành liên tục, ổn định. Sản phẩm đồng catot đạt độ sạch tối thiểu là 99,9% Cu đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước.
Mai Ngọc