[In trang]
Hiệp định thương mại tự do: các cam kết liên quan đến lĩnh vực khoa học và công ngành Công Thương
Thứ tư, 29/04/2020 - 10:16
Trong đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ ngành Công Thương - một trong những lĩnh vực chịu tác động và ảnh hưởng bởi quy định trong các FTA

Tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế của kinh tế thế giới, nổi bật là việc hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các quốc gia và khu vực. Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và đã ký kết nhiều FTA song phương, đa phương với các đối tác thương mại. Trong các hiệp định này, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), cụ thể liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung đàm phán, ký kết quan trọng.
Vai trò “đầu tàu” và việc thực thi các hiệp định của ngành Công Thương
Bộ Công Thương đóng vai trò là cơ quan đầu mối trong quá trình đàm phán, triển khai thực thi các FTA và cũng là cơ quan được phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng chịu sự điều chỉnh bởi các FTA đó. Để đáp ứng các cam kết trước, trong và sau khi ký kết, Bộ đã và đang chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản. Trong đó, lĩnh vực KH&CN ngành Công Thương - một trong những lĩnh vực chịu tác động và ảnh hưởng bởi quy định trong các FTA đã được Bộ chủ động rà soát, tổ chức triển khai; đồng thời xây dựng các cơ chế, đề xuất và ban hành các chính sách đảm bảo mang lại hiệu quả thực thi cho các FTA nói riêng và mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung. Một số hiệp định thương mại lớn có tác động sâu rộng và mang tính quyết định cho hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam có thể kể đến như các hiệp định của WTO, hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA) hay hiệp định với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP). Trong các FTA này đều có các cam kết cần thực thi liên quan đến lĩnh vực KH&CN ngành Công Thương.
Các hiệp định của WTO liên quan đến lĩnh vực KH&CN 
Năm 2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và bắt buộc phải thực hiện cam kết trong hệ thống các hiệp định của tổ chức này. Trong đó, riêng lĩnh vực KH&CN ngành Công Thương bị điều chỉnh bởi các hiệp định như TRIPS (về sở hữu trí tuệ), TBT (hàng rào kỹ thuật trong thương mại), SPS (an toàn và vệ sinh động, thực vật).
Trong quá trình thực thi các hiệp định trên, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ các hoạt động, từ xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, chỉ đạo điều hành để tuân thủ các cam kết, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, như: xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương; thông tư quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; thông tư quy định quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cũng như xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với một số sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực năng lượng, cơ khí, luyện kim, dầu khí… Tính đến nay, hệ thống TCVN của Việt Nam là trên 12.000, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài là 54%, trong đó số lượng TCVN liên quan đến ngành Công Thương là 3.931 (chiếm 34%). Tổng số QCVN của Việt Nam là khoảng hơn 700, trong đó số lượng của Bộ Công Thương là 46 (chiếm khoảng 7%)...
Với kết quả này, có thể nhận thấy, việc xây dựng và ban hành TCVN, QCVN đã đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh và quản lý nhà nước của ngành; giúp cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả hơn; đóng góp không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế trong việc sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là công cụ và căn cứ khoa học phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát an toàn, vệ sinh, môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật đã nêu trong các Hiệp định WTO/TBT, SPS. 
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 
Đây là một trong những hiệp định đa phương có nhiều tác động đến các ngành có thế mạnh của Việt Nam và cũng là những ngành mà Bộ Công Thương được phân công quản lý như dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống… Cụ thể, các quy định tại chương: dệt may, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), sở hữu trí tuệ… là những cam kết có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực KH&CN ngành Công Thương.
Nhằm bảo vệ và mở rộng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh nêu trên, Bộ đang tiếp tục rà soát và nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các nước thành viên CPTPP để đưa ra những biện pháp phù hợp về hàng rào kỹ thuật hay xúc tiến kịp thời việc hỗ trợ năng suất, chất lượng cho các sản phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu  (EVFTA)
Hiệp định EVFTA có nhiều chương và bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó, nội dung có liên quan đến lĩnh vực KH&CN ngành Công Thương gồm Chương 5 - TBT; Chương 6 - SPS; Chương 7 (năng lượng tái tạo) và Chương 12 (Sở hữu trí tuệ). Về cơ bản, các cam kết này chủ yếu liên quan đến hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá sự phù hợp và đều thừa nhận áp dụng theo nguyên tắc tại các hiệp định của WTO. Do đó, hệ thống hiện tại có thể đáp ứng được các cam kết này. Tuy nhiên, một số nội dung sẽ tiếp tục được rà soát, triển khai thực hiện để đáp ứng mức tuân thủ cao hơn hiệp định WTO như: rà soát các QCVN hiện hành cũng như tăng cường viện dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như ISO, IEC, Codex có liên quan trong xây dựng các QCVN mới; tăng cường cập nhật danh mục quy chuẩn của EU đối với các sản phẩm hàng hóa xuất/nhập khẩu liên quan thị trường này để xem xét công nhận các quy chuẩn tương đương; tăng cường thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả đánh giá sự phù hợp được thực hiện trên lãnh thổ của đối tác; xem xét chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn IEC (Ủy ban chứng nhận an toàn điện) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và thừa nhận kết quả thử nghiệm, chứng nhận của IEC đối với lĩnh vực này. 
Cơ hội, thách thức và giải pháp triển khai khi thực thi các hiệp định FTA
Về cơ hội, việc Việt Nam ký kết các hiệp định FTA song phương và đa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, tiếp cận và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi phần lớn các rào cản và điều kiện trong thương mại đã được cam kết dỡ bỏ, chủ yếu là các hàng rào thuế quan (hầu hết về 0 hoặc dưới 5%) đã mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và triển vọng sán lạn cho nhiều ngành sản xuất, kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động trong các công ty có hoạt động xuất nhập khẩu, tạo ra nhiều việc làm hơn. Bên cạnh đó, các rào cản về thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính cũng được giảm thiểu, tạo điều kiện để doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường lớn thuận lợi hơn; người tiêu dùng được bảo đảm lựa chọn các sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn. 
Đối với lĩnh vực KH&CN, khi được hưởng ưu đãi theo các FTA, lượng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng, thu hút được các lao động trí thức, có tay nghề cao từ nước ngoài tới Việt Nam làm việc, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp thu KH&CN tiên tiến từ các nước phát triển. Nói cách khác, nhờ tham gia các FTA mà doanh nghiệp có thêm cơ hội tranh thủ được vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ và các nguồn lực quan trọng khác. Lợi thế này không chỉ nhìn từ góc độ hiện tại mà còn là tiềm năng phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, khi tham gia ký kết các FTA, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như:
Một là, khi thị trường mở rộng, các công ty của nước ngoài cũng sẽ có những cơ hội thuận lợi để thâm nhập thị trường trong nước. Đặt trên cán cân, rõ ràng các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế nguồn lực như vốn, công nghệ, trình độ sản xuất và quản lý, kinh nghiệm thương trường lớn mạnh hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước. 
Hai là, về vấn đề rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ hàng hóa nghiêm ngặt. Đối với các FTA Việt Nam mới ký kết, gia nhập gần đây thì việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi như kỳ vọng. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công hàng xuất khẩu, cho nên nếu không chuyển vùng nguyên liệu từ nhập khẩu sang trong nước cung cấp, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, các quy định kỹ thuật như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa… cũng là những rào cản kỹ thuật chính cho hàng xuất khẩu của Việt Nam (đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ - SPS). Theo thông lệ quốc tế, các nước được quyền đưa ra các quy chuẩn mang tính hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các lợi ích thiết yếu chính đáng. Do đó, để có thể xâm nhập được vào các thị trường này, hàng hóa Việt Nam buộc phải đáp ứng các quy chuẩn kể cả ở mức rất cao ở những thị trường như Châu Âu, Mỹ ...
Ba là, ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics ở Việt Nam chưa phát triển mạnh nên chí phí của nền kinh tế sẽ còn cao so với các quốc gia khác…
Như vậy, với một số hiệp định lớn như WTO, CPTPP và EVFTA nêu trên đã cho thấy lĩnh vực KH&CN nói chung, KH&CN ngành Công Thương nói riêng đã và đang đóng vai trò là thành phần then chốt và cốt lõi trong các FTA. Để đảm bảo hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển của thương mại và công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai một số kế hoạch quan trọng sau: 
Thứ nhất, xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Thứ hai, xây dựng và ban hành kế hoạch hành động về sở hữu trí tuệ ngành Công Thương thực hiện Quyết định 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 nhằm triển khai các giải pháp liên quan đến các vấn đề lớn trong quản lý nhà nước về đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ…, đảm bảo điều kiện phát triển bền vững thị trường và các ngành sản xuất.
Thứ ba, xây dựng và ban hành kế hoạch hành động tăng cường hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho sản phẩm, hàng hóa công nghiệp đến năm 2025 nhằm đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn… khi thực hiện các FTA.
Thứ tư, xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ năm, rà soát, xây dựng lộ trình và triển khai xây dựng, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp cam kết quốc tế. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thái độ khoa học, thận trọng và sẵn sàng trước những thách thức, bất lợi mà các FTA có thể đưa đến. Cũng như các quốc gia Đông Á khác, hun đúc quyết tâm đẩy mạnh cải cách bên trong, cải cách chính mình, từ thể chế cho đến chính sách, từ phương thức lãnh đạo cho đến cơ chế điều hành quá trình hội nhập và phát triển đất nước chính là tư tưởng bao trùm để vượt qua thách thức của thời kỳ hội nhập.
Đây chính là những nhiệm vụ mà KH&CN ngành Công Thương đặt ra trong năm 2020 và những năm tiếp theo, nhằm đóng góp vào mục tiêu chung là tận dụng những cơ hội và hạn chế những thách thức của hội nhập kinh tế, trên cơ sở đó, nâng cao vị thế cũng như thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN trong thời kỳ mới. 
Vũ Thị Hồng Hạnh
Vụ KH&CN, Bộ Công Thương
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam