[In trang]
Trí tuệ nhân tạo – hiệu quả bước đầu khi ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh của ngành điện
Thứ sáu, 22/05/2020 - 05:09
Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – viết tắt là AI) là công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính. Các quá trình này bao gồm: thu thập thông tin và các quy tắc sử dụng thông tin; sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định và tự sửa lỗi.
Từ nhận thức về công nghệ….
AI là một bộ phận của khoa học máy tính, do đó nó được đặt trên những nguyên lý khoa học vững chắc, có khả năng ứng dụng được vào đời sống của con người với mục đích phục vụ cho con người. Nếu như năm 2010, công nghệ AI mới chỉ mới xuất hiện nhiều trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hơn là trong cuộc sống hằng ngày của con người, và lúc đó, con người chưa hề nghĩ rằng công nghệ AI sẽ có mặt trong tương lai gần, thì đến nay nó đã từng bước đi vào đời sống, hiện thực hóa giấc mơ về những loại máy móc có khả năng tư duy như con người.
Các ứng dụng AI đã trở nên quen thuộc và phổ biến, giúp ích rất nhiều cho con người trong cuộc sống. Các thuật toán được các nhà nghiên cứu phát triển ban đầu đang dần trở thành một phần của các hệ thống lớn hơn, trở thành các công cụ tính toán phức tạp hơn bao giờ hết. AI đã giải quyết được nhiều vấn đề rất phức tạp và được sử dụng trong toàn bộ lĩnh vực công nghệ như khai thác dữ liệu, robot công nghiệp, hậu cần, nhận dạng giọng nói, ứng dụng ngân hàng, chẩn đoán y tế, nhận dạng mẫu và các công cụ tìm kiếm.
Công nghệ AI còn được sử dụng từ giúp con người chụp ảnh trên điện thoại thông minh tốt hơn, phân tích tính cách của đối tượng trong các cuộc phỏng vấn xin việc, cho đến việc mua hàng hóa mà không cần phải trả tiền mặt cho nhân viên thu ngân. Chúng hiện diện ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực của đời sống, trở thành trợ lý đắc lực cho con người. Có thể thấy, công  nghệ AI đang hiện hữu trong mọi lĩnh vực đời sống, giúp con người tiết kiệm sức lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống của con người trên toàn thế giới, các Quốc gia trong đó có Việt Nam đã sử dụng robot rộng rãi ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19 đã phần nào giúp giảm thiểu rủi ro lây nhiễm chéo và nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.
Ảnh minh họa
Bước đầu sử dụng AI trong sản xuất, kinh doanh của ngành điện
Hiện nay đã có nhiều đơn vị trong ngành điện đang triển khai áp dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng. Tại EVNNPT, ứng dụng công nghệ AI bằng việc sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) có gắn thiết bị ghi hình độ phân giải cao trong công tác kiểm tra, quản lý vận hành đường dây, xử lý dây diều, vật thể mắc vào dây dẫn. Việc ứng dụng UAV giúp tiết kiệm thời gian, công sức lực lượng công nhân, đặc biệt giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao. Đồng thời EVNNPT đã khởi tạo danh sách thiết bị, và tiến hành nạp hình ảnh hiện có để “huấn luyện” AI học và nhận diện bước đầu các thiết bị cơ bản trên đường dây và phần mềm đã tự phân loại, sắp xếp tự động dữ liệu theo cột và khoảng cột. EVNNPT đang tiếp tục thu thập hình ảnh chi tiết và “huấn luyện” AI nhận diện chi tiết các linh, phụ kiện, các loại hư hỏng và từng bước thử nghiệm đánh giá độ chính xác của AI. Tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thì đang thực hiện nghiên cứu đề tài: "Ứng dụng công nghệ AI vào nhận dạng hiệu chỉnh hệ thống cấp nhiên liệu ứng dụng cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3”, dự kiến đề tài hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6/2020. Khi được áp dụng vào thực tế, việc ứng dụng AI của đề tài sẽ làm giảm lượng nhiên liệu đốt dư thừa do hệ thống điều khiển gây ra, qua đó làm giảm suất hao nhiên liệu, tiết kiệm chi phí sản suất cho nhà máy.
Còn tại EVNCPC, vừa qua Tổng công ty đã giao cho các đơn vị thành viên triển khai thực hiện các đề tài về ứng dụng AI như: "Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để dự báo đánh giá tổn thất điện năng trên lưới điện khu vực Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025”, đề tài: "Nghiên cứu chế tạo Robot tự hành/điều khiển xa phục vụ công tác vận hành trong TBA 110kV không người trực” và đề tài: "Nghiên cứu chế tạo Robot lễ tân”.
Theo kết luận của lãnh đạo EVNCPC tại Hội nghị sơ kết 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2018, thì EVNCPC sẽ xây dựng Đề án phát triển theo định hướng ứng dụng mạnh các tiến bộ của cuộc cách mạng 4.0,  như: Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, máy học, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào đầu tư phát triển lưới điện thông minh, đẩy mạnh vào công tác quản lý kỹ thuật, vận hành lưới điện nhằm hiện đại hóa lưới điện, nâng cao năng lực quản lý điều hành hệ thống điện, góp phần tăng năng suất lao động, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật theo kế hoạch EVN giao và nâng cao hiệu quả trong công tác SXKD của EVNCPC trong giai đoạn 2020-2025.
Nguồn: cpc.vn