[In trang]
Công nghệ mở khóa giá trị mới của kinh tế tuần hoàn
Thứ sáu, 22/05/2020 - 22:16
Bài viết được giới thiệu bởi tổ chức PYXERA Global về các giải pháp đa dạng thúc đẩy tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.
Khoảng 10 năm trở lại đây dường như đã không còn khái niệm "rác thải" trong chuỗi giá trị kinh tế. Những sáng tạo công nghệ đã giúp các doanh nghiệp tiến đến một nền kinh tế tuần hoàn, toàn diện, nhanh và hiệu quả hơn. Nhiều doanh nghiệp như Danone, H&M, DS Smith đã nâng tầm những công nghệ này tới trình độ mà rác và khí thải không còn tồn tại trong chuỗi giá trị của họ, trong khi vẫn đảm bảo sản phẩm và vật liệu được sử dụng đem lại các tác động kinh tế, môi trường và xã hội tích cực.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 mới đây đã lộ ra các nguy cơ gián đoạn cung ứng của các doanh nghiệp và quốc gia, dẫn tới trạng thái "bình thường mới" nơi mà chuỗi cung ứng toàn cầu với những mắt xích địa phương cần đẩy mạnh khả năng phục hồi và giảm sự lệ thuộc bằng cách làm ngắn lại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 
Tốc độ đổi mới chóng mặt trong ngành công nghệ thông tin (CNTT), lĩnh vực phát triển nhanh nhất, đã ảnh hưởng tới cộng đồng toàn cầu theo vô số cách bằng các bước ngoặt lịch sử. Tập đoàn phần mềm SAP đưa ra các giải pháp công nghệ vừa hướng dẫn vừa thúc đẩy các giải pháp vòng tròn. Bằng cách thiết kế lại các mạng lưới giá trị toàn cầu theo hướng mô hình kinh tế tuần hoàn, các công ty, doanh nghiệp xã hội, chính phủ và cộng đồng có thể tạo ra 4,5 nghìn tỷ đô thêm vào vào giá trị nền kinh tế.
Chìa khóa: Hiểu biết sâu sắc về sự thay đổi
Khái niệm áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn trong suốt các quá trình kinh doanh cốt lõi khởi điểm từ một cuộc thi thiết kế có tên gọi "Thử thách nhựa" năm 2018. Cuộc thi được khởi xướng nhằm khuyến khích các nhân viên, khách hàng, người dân sử dụng sáng kiến công nghệ nhằm hạn chế rác thải nhựa dùng 1 lần. Dự án khởi động bằng một nghiên cứu với vài chục người tiêu dùng tại Anh Quốc theo dõi và chia sẻ dữ liệu sử dụng nhựa của mình trong một tháng. Dữ liệu được sử dụng làm cơ sở cho một hội thảo thiết kế giữa 25 công ty lớn, bao gồm Coca-Cola, Visa và Unilever để xây dựng các giải pháp mà người dùng phải đối mặt trong thực tế.
Kết quả, một ứng dụng trên điện thoại thông minh sử dụng công nghệ máy học ra đời nhằm giúp người dùng xác định chất liệu bao bì và nơi tái chế chúng tốt nhất với sự hỗ trợ của công nghệ định vị dựa trên các dữ liệu địa phương. Một nguyên mẫu khác gắn chip vào cốc cà phê dùng nhiều lần, hoạt động như một hệ thống tính điểm thưởng khi thanh toán, nhằm khuyến khích người dùng sử dụng lại cốc.
Các DN hàng đầu cùng làm việc để tìm ra giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa tại Hội nghị lãnh đạo về rác thải nhựa đại dương. Nguồn ảnh: American Chemistry.
Để thực sự hiểu được thách thức rác thải nhựa toàn cầu, SAP đã phối hợp với SoulBuffalo tổ chức một hội nghị lãnh đạo về rác thải nhựa đại dương (the Ocean Plastic Leadership Summit). Những nhà quản lý cấp cao đến từ các tập đoàn như HP, GE, Colgate-Palmolive, Nestle, P&G và các tổ chức phi chính phủ như Greenpeace, PYXERA Global và WWF cùng đến vòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương để tìm hiểu về các nghiên cứu và thiết kế các giải pháp trong lúc ngồi tàu lênh đênh giữa các dòng vi nhựa. Các sáng kiến và thảo luận trên tàu đã giúp xác định khung và 4 hệ thống chiến lược cần thiết để giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa hiện nay.
Tại diễn đàn Kinh tế thế giới Davos đầu năm, SAP phối hợp với WEF thực hiện một nghiên cứu toàn cầu. Lần đầu tiên những cái nhìn sâu sắc trong quan điểm của người dân về nhựa và bao bì dùng một lần được hé lộ. Dữ liệu được thu thập từ hơn 10 ngàn người đến từ các vùng địa lý chính trên toàn cầu. Theo đó, quan ngại chính là thiếu các chương trình tái chế và người dân không biết làm thế nào để tham gia vào các chương trình địa phương. Mức độ quan tâm tới rác thải nhựa cũng thay đổi theo vùng. Trong khi tại Trung Đông-Bắc Phi và Nam Á người dân lo ngại tác hại của nhựa tới sức khỏe con người, thì người dân Bắc Mỹ và Tây Âu lo lắng hơn cả đến những tác động tới đại dương.
Giải pháp bắt đầu từ dữ liệu minh bạch và đáng tin cậy
Hãng Anova thiết kế một ứng dụng điện thoại dựa trên công nghệ blockchain cho phép người dùng quét các mã QR trên bao bì thực phẩm để biết được thông tin về hành trình của thực phẩm đến điểm bán cũng như tính xác thực, độ tươi, an toàn, chứng nhận thương mại công bằng và tính bền vững của sản phẩm. Hệ thống truy xuất sử dụng blockchain giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi biết được nơi sản phẩm được đánh bắt và sau đó, qua các thuộc tính được gắn thêm, kể cho họ nghe câu chuyện hoàn chỉnh về sản phẩm như một ngày của người ngư dân.
https://cdn.ttgtmedia.com/rms/onlineimages/sap-blockchain_bumblebee_mobile.png
Giải pháp sử dụng công nghệ blockchain của Anova để truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính minh bạch của thực phẩm. Nguồn ảnh: Anova.
Trong ngành công nghiệp thời trang, Tập đoàn EON phát triển một cơ chế gắn thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) để theo dõi toàn bộ vòng đời của vải. Tái chế quần áo là việc vô cùng khó trừ khi trên nhãn chứa các dữ liệu cho phép tái chế bông và sợi. Việc thiếu dữ liệu minh bạch và đáng tin cậy dẫn đến 80% vải không thể tái chế mà đi thẳng ra bãi rác. Công nghệ theo dõi/truy xuất hiện tại đang được thử nghiệm tại các doanh nghiệp may mặc hàng đầu để phối hợp gắn thẻ và mở rộng vòng đời vải vóc nhằm tăng doanh thu và giảm gánh nặng rác thải lên đất đai và đại dương.
Trong nông nghiệp, Hiệp hội hợp tác xã Argentina (ACA), một tổ chức nông nghiệp đang hỗ trợ hơn 140 hợp tác xã và 50 nghìn nông dân tại 7 tỉnh, đã phát triển một nền tảng mở cho nông dân và nhà cung cấp nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí và tác động môi trường. Thách thức công nghệ nằm ở chỗ làm thế nào để tạo ra hệ thống có thể phân tích dữ liệu đa nguồn trong thời gian thực, hình ảnh hóa tại mỗi khâu và đưa ra các khuyến nghị tự động cho người nông dân. Với không gian địa lý từ vệ tinh và vật thể bay không người lái, ACA có thể giám sát điều kiện đất xung để chỉ ra năng suất tiềm năng của khu vực canh tác. Dữ liệu này có thể kết hợp với các dữ liệu khác như dữ liệu thời tiết và kinh doanh, hiểu những điều kiện ngay tại thời điểm đó nhằm đưa ra khuyến nghị cần thiết cho người nông dân.
(còn tiếp)
Nguồn: Greenbiz