[In trang]
Nông sản thời 4.0: Đầu tư công nghệ là ‘bước đi thông minh’
Thứ sáu, 22/05/2020 - 22:15
Hiện có rất nhiều chính sách nhưng đầu tư cho công nghệ là chính sách cần làm ngay để tăng khả năng cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt cho nông sản Việt Nam.
Hiện có rất nhiều chính sách nhưng đầu tư cho công nghệ là chính sách cần làm ngay để tăng khả năng cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt cho nông sản Việt Nam.
Ảnh minh họa
Nông sản xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu dạng thô
Thời gian qua, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.
Trong hai năm 2018 và 2019 đã có 30 dự án lớn về chế biến nông lâm thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành đi vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu duy trì sự tăng trưởng khá, xuất siêu ngày càng tăng đưa nông sản Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù đã có một số doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực chế biến, nhưng sự phát triển của ngành chế biến nông sản của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ một số nút thắt tồn tại trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Điển hình như năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,7 tỷ USD. Thế nhưng Việt Nam mới chủ yếu là xuất thô. 
Cùng với đó, số cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95% số cơ sở. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm, bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác. Một số cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ kỹ lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực ngành hàng nhưng nhìn chung dao động từ 10 - 20%.
Đầu tư công nghệ là “bước đi thông minh”
Đánh giá về vấn đề trên, GS. TS Bùi Chí Bửu - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Miền Nam cho rằng, Việt Nam đang phát triển rất tốt về khâu sản xuất nên năng suất phát triển nhanh. Tuy nhiên, về công nghệ chế biến, chúng ta gặp bất cập về nguyên liệu, nhà máy, công nghệ chế biến chưa được hợp lý. Trong khi Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030 công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 7-10% thì hiện nay chúng ta đã đạt được 5%.
Có thể thấy chiều sâu của chúng ta về khoa học còn yếu, công nghiệp chế biến chúng ta đầu tư rất khiêm tốn, do vậy đó là nhược điểm khi mà chúng ta muốn đạt được tốc độ cao. Một nghịch lý nữa đều thấy chúng ta xuất khẩu lúa đứng thứ nhì thế giới nhưng bà con nông dân còn rất nghèo. Doanh nghiệp chỉ chia sẻ phần nào thôi còn nhà nước vẫn phải đầu tư lớn, như vậy mới giải quyết được, ông Bửu nói.
Do đó, GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng, hiện nay có rất nhiều chính sách nhưng đầu tư cho công nghệ là chính sách cần làm ngay để tăng khả năng cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt cho nông sản Việt Nam. Và sự khác biệt đó đến từ công nghệ hiện đại. Chính phủ nên có những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ. 
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, liên quan đến những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo đó, từ tháng 1/2019, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch tái cơ cấu lại 13 sản phẩm, với quy định cụ thể, ngành nào, sản phẩm nào là chủ lực, gắn bó công nghiệp chế biến với công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có Nghị định của Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, có ngân sách ưu tiên lĩnh vực chế biến.
Tuy nhiên, để phát triển ngành chế biến, theo ông Toản, chúng ta cần phải có nhiều yếu tố như vùng nguyên liệu, với sự tham gia của các địa phương để tìm lợi thế so sánh của mình để phát triển vùng nguyên liệu, từ đó có sức hấp dẫn mời các doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh việc hình thành vùng chuyên canh, ông Toản nhấn mạnh việc đầu tư cho dây chuyền công nghệ cũng là vấn đề quan trọng. Người lao động cũng quan trọng không kém, trong hội nhập chúng ta phải tính đến lực lượng lao động. Việt Nam có tới 3 triệu lao động trong các doanh nghiệp chế biến tôm nhưng lực lượng lao động ở các vùng chuyên canh còn mỏng, do đó, cần xây dựng các chính sách, hạ tầng, môi trường sống tập trung cho người lao động ở các vùng chuyên canh. Nếu không giải quyết được những vấn đề trên thì khó hình thành vùng chuyên canh lớn, khu công nghiệp chế biến công nghệ cao.
Theo VietQ