[In trang]
Vải thiều Hải Dương: Chinh phục khách hàng bằng chất lượng
Thứ năm, 28/05/2020 - 15:30
Với việc chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, chất lượng quả vải thiều của Hải Dương đã được nâng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, thương hiệu và thị trường tiêu thụ của quả vải ngày càng được mở rộng.
Với việc chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, chất lượng quả vải thiều của Hải Dương đã được nâng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, thương hiệu và thị trường tiêu thụ của quả vải ngày càng được mở rộng.    
Theo báo cáo sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện diện tích vải thiều toàn tỉnh là 9.750ha. Trong đó, Thanh Hà 3.600 ha; Chí Linh 3.900 ha; các huyện, thành phố còn lại 2.250 ha. Ước tính, tổng sản lượng quả vải toàn tỉnh năm nay sẽ đạt khoảng 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so với niên vụ năm 2019. Trong đó, huyện Thanh Hà dự kiến đạt 30.000 tấn, Chí Linh 7.000 tấn, các huyện còn lại 8.000 tấn.
Vải thiều Hải Dương được người tiêu dùng ưa chuộng
Thời gian qua, phát huy thế mạnh của địa phương, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đôn đốc, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo quả vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, để đáp ứng được yêu cầu các thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Theo đó, người trồng vải cần áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất nhằm truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như quy định khắt khe của các thị trường xuất khẩu hướng tới. Ngoài ra, các địa phương còn tích cực triển khai gắn tem truy xuất nguồn gốc, đây được coi là bước đột phá trong tiêu thụ vải thiều.
Hiện, diện tích cây vải của tỉnh được tập huấn sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP khoảng 6.000 ha. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 13 vùng trồng, với diện tích gần 132 ha được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường: Hoa Kỳ, Australia, EeU, và đang xây dựng mới 7 vùng với diện tích 70 ha. Bên cạnh đó, toàn bộ diện tích vải trên địa bàn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc.Cùng với đó, đã có 3 doanh nghiệp đăng ký vùng trồng và bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước, gồm: Công ty Cổ phần Quốc tế Bamboo, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng đỏ. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch thu mua, sơ chế, tiêu thụ, xuất khẩu trái vải của Hải Dương đi Nhật Bản và các thị trường khác trong năm 2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương - cho biết, khoảng 80% diện tích vải quả toàn tỉnh được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGapAP, GlobalGapAP… Từ năm 2015 đến nay, sản phẩm vải thiều Hải Dương đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước nhập khẩu trái cây khó tính nhất như Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, một số nước châu Âu và đã xuất khẩu thành công sang những thị trường này, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến nay, thương hiệu vải thiều Hải Dương nói chung và vải thiều Thanh Hà của tỉnh nói riêng đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Từ năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã công nhận cây vải tại thôn Thúy Lâm (huyện Thanh Hà) là cây vải thiều tổ của Việt Nam. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý; năm 2012 đạt Top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Tiếp đó, năm 2013, đạt Top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn và đạt Top 10 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn; năm 2014, được bình chọn “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng; năm 2015, được vinh danh Top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng, logo và slogan ấn tượng năm 2015”…
Vải thiều hiện là một trong những cây trồng đem lại thu nhập chính của nông dân tỉnh Hải Dương. Để việc tiêu thụ được thuận lợi, cùng với công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại thì nâng cao chất lượng cho quả vải là yếu tố quan trọng hàng đầu, giúp trái vải có cơ hội ngày càng vươn xa.
Theo: Báo Công Thương