[In trang]
Hiệu quả từ Chương trình 712
Thứ ba, 02/06/2020 - 08:17
Sau 10 năm thực hiện, Chương trình Nâng cao năng suất, chất lượng (NSCL) sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712) đã góp phần nâng tỷ trọng của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng GDP cũng như xây dựng phong trào NSCL tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau 10 năm thực hiện, Chương trình Nâng cao năng suất, chất lượng (NSCL) sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712) đã góp phần nâng tỷ trọng của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng GDP cũng như xây dựng phong trào NSCL tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Để tìm hiểu rõ hơn điều này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Việt Nam.
Xin ông cho biết, sau gần 10 năm triển khai, Chương trình 712 có đạt được các mục tiêu đã đề ra?
Sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình 712 đã đem lại những lợi ích lớn đối với các doanh nghiệp (DN) trong quá trình nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, góp phần hoàn thiện hệ thống TCVN (gần 12.000 tiêu chuẩn) theo hướng hài hòa tiêu chuẩn quốc tế với tỷ lệ lên đến 60%. Cùng với đó, hệ thống QCVN với 800 quy chuẩn trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe...
Hoạt động đánh giá sự phù hợp có những bước phát triển mới, được xã hội hóa rộng rãi. Tính đến ngày 1/3/2020, đã có gần 1.000 tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký hoạt động tại Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ quản lý ngành. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp này đều có năng lực đáp ứng theo chuẩn mực quốc tê, tương ứng đối với từng loại hình tổ chức, đảm bảo đáp ứng được cơ bản các yêu cầu thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bên cạnh đó, phong trào NSCL đã được xây dựng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với 7/8 bộ, ngành, 57/63 địa phương có dự án NSCL được phê duyệt. Đồng thời, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của TFP trong tốc độ tăng GDP, giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 40,4%; dự kiến 2016 - 2020 đạt 40,5%; vượt chỉ tiêu đề ra của chương trình là 35% vào năm 2020; góp phần cải thiện xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam.
Trong quá trình triển khai, hiệu quả lớn nhất mà Chương trình 712 mang lại cho cộng đồng, xã hội, DN là gì, thưa ông?
Việc triển khai chương trình, dự án NSCL luôn bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đã đề ra. Đến nay, các mục tiêu chủ yếu của chương trình cơ bản đã được đáp ứng, nhận thức của cộng đồng, DN... về NSCL đã được cải thiện rõ rệt.
Chương trình 712 giúp hình thành đội ngũ chuyên gia, các tổ chức tư vấn có khả năng hỗ trợ DN trong hoạt động cải tiến, nâng cao NSCL, với hơn 2.000 lượt chuyên gia trong lĩnh vực này được đào tạo. Gần 3.000 sinh viên, giảng viên của 20 trường đại học đã được đào tạo kiến thức tiêu chuẩn hóa, các phương pháp, kỹ thuật, công cụ nâng cao NSCL. Hình thành được hệ thống tài liệu, sách, cẩm nang về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL... Chương trình đã biên soạn, biên tập phát hành 50 đầu sách với hơn 50.000 bản và hơn 120 loại tài liệu phổ biến, hướng dẫn, đào tạo về NSCL cho các đối tượng khác nhau.
Cùng với đó, hỗ trợ DN nâng cao NSCL thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến giúp DN giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; khẳng định chỗ đứng của DN Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của nền kinh tế.
Với các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa và thúc đẩy áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 14001, đã góp phần cải thiện (gia tăng) các chỉ số thành phần thuộc nhóm Chỉ số GII của Việt Nam. Theo báo cáo Chỉ số GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2019, Việt Nam đạt 38,8 điểm trên thang điểm 100, đứng thứ 42 trên 129 nước; thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia; tăng 3 bậc so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Theo ông, đâu là những rào cản, thách thức mà Chương trình 712 gặp phải trong quá trình triển khai?
Hiệu quả thực hiện chương trình đạt được là đáng kể, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoạt động có thể còn dư địa để thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Điều này cũng bị ảnh hưởng do một số rào cản như: Sự tham gia của các DN còn thụ động. Đa số DN có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất, trình độ quản lý sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ chuyên gia NSCL vẫn còn thiếu và yếu, đang trong quá trình hình thành, dẫn đến hiệu quả tư vấn chưa cao. Năng lực tự thân của DN trong nghiên cứu áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng còn thấp.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nâng cao NSCL, chưa nhận thức được đầy đủ vai trò kiến tạo, hỗ trợ phát triển DN thông qua hỗ trợ áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ. Trong số các dự án NSCL ngành, chỉ có dự án NSCL ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì là triển khai đều đặn, hàng năm, đạt được những kết quả, hiệu quả nhất định, tuy nhiên, quy mô còn hạn chế. Thêm vào đó, nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình còn hạn chế...
Xin cảm ơn ông!
Theo: Báo Công Thương