[In trang]
Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Thứ hai, 29/06/2020 - 23:16
Truy xuất nguồn gốc tại Thừa Thiên Huế đang gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức hạn chế của một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, người tiêu dùng và cơ chế quản lý. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh phát triển các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Truy xuất nguồn gốc tại Thừa Thiên Huế đang gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức hạn chế của một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, người tiêu dùng và cơ chế quản lý. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh phát triển các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp không ít khó khăn cả từ phía các cơ quan chức năng đến người tiêu dùng. Nguyên nhân là mã vạch tem truy xuất chưa được chuẩn hóa về hình thức và nội dung; chưa có quy định thống nhất về các giải pháp đọc tem truy xuất; thiếu các quy định cụ thể đối với việc khai báo, giám sát và đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc… và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mã số, mã vạch liên quan tới truy xuất nguồn gốc và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nội dung đề án xác định các chương trình, dự án hỗ trợ áp dụng tem truy xuất; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mã số, mã vạch, tem truy xuất; phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội về việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc; phân công rõ vai trò, trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đến việc thực hiện quản lý và triển khai áp dụng tem truy xuất nguồn gốc…
Năm 2020 Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp áp dụng Hệ thống tem truy xuất thông qua ứng dụng mã Qr-Code
Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vừa qua, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Việc phát triển các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay là cần thiết, giúp nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các đặc sản của địa phương, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu như sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. 
“Thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số mã vạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh”, ông Định nhấn mạnh.
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem, nhãn trên sản phẩm hoặc qua hồ sơ lưu trữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng còn nhiều hạn chế bởi tem, nhãn thông thường không thể hiện hết được đầy đủ thông tin truy xuất. Trong khi đó, truy xuất nguồn gốc qua hồ sơ lưu trữ là các cơ quan chức năng phải xuống trực tiếp cơ sở kiểm tra, giám sát nên bất cập chỉ dành cho cơ quan quản lý. Do đó, với người tiêu dùng thì giải pháp tối ưu nhất trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa hiện nay là cần có tem điện tử thông minh trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã là xác định được thông tin liên quan đến sản phẩm (đơn vị sản xuất, người đóng gói, phân phối, quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng sản phẩm…).
Theo ông Hồ Thắng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế - việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là cần thiết, vì vậy phải nhất định thực hiện. Truy xuất nguồn gốc tại Thừa Thiên Huế đang gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức hạn chế của một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, người tiêu dùng và cơ chế quản lý. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp thu các ý kiến của các đơn vị và chuyên gia. Qua đó Sở cũng đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp về truy xuất nguồn gốc để thực hiện; đẩy mạnh việc thực hiện triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; tổ chức nhiều hơn những hoạt động tập huấn về truy xuất nguồn gốc...
Được biết, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 6/11/2019 về việc triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025”, Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 19/2/2020 về việc triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020”. Kết quả triển khai năm 2020 đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp áp dụng Hệ thống tem truy xuất thông qua ứng dụng mã Qr-Code, cụ thể đã hỗ trợ các sản phẩm sen Huế, dầu lạc Quảng Thọ, trà rau má, mè xửng Phước Thành, dầu tràm Hoa Nén, dầu tràm Lộc Thủy,…
Nguồn: Báo Công Thương