[In trang]
Chứng nhận sản phẩm: "Hộ chiếu" cho hàng hóa
Chủ nhật, 05/07/2020 - 22:35
Trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hàng rào kỹ thuật từ các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang đặt ra thách thức mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hàng rào kỹ thuật từ các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang đặt ra thách thức mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. 
Doanh nghiệp mong nhận được hỗ trợ
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu về các loại chứng nhận CE, UL, RoHS; đồng thời hỗ trợ DN tiếp cận các nhà cung ứng của nước ngoài, vượt qua hàng rào kỹ thuật (TBT)… Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu, hướng dẫn DN Việt Nam thực hiện chứng nhận sản phẩm theo các Chương trình chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS" thuộc Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020". QUACERT đã thực hiện khảo sát một số DN sản xuất và xuất khẩu trong nước về nhu cầu chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS. Kết quả cho thấy, 92% DN đã nghe về chứng nhận CE-marking, UL, RoHS.
Để sản phẩm vào được thị trường kỹ tính doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp 
Theo TS. Bùi Bá Chính, Giám đốc Trung tâm Đổi mới công nghệ Việt - Hàn (INCENTECH), các DN trong nước đang triển khai nghiên cứu về chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu 100 DN thì 75 DN hướng tới xuất khẩu quan tâm tới chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS và mức độ sẵn sàng của DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ về chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS là 100%.
Đồng thời, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu thường được yêu cầu bắt buộc phải dán nhãn RoHS về chất độc hại trong quá trình sản xuất sản phẩm bao gồm: Chì, thủy ngân, Cd, Cr (6+), PBB, PBDE, DEHP, BBP, DBP, DIBP đối với các sản phẩm hàng hóa.
Đẩy mạnh triển khai chứng nhận sản phẩm
TS. Bùi Bá Chính cũng cho biết, việc thực hiện xuất khẩu của DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn liên quan tới các rào cản kỹ thuật của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Để hướng dẫn và hỗ trợ DN chứng nhận CE – Marking, UL, RoHS, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá phân loại nhóm DN, lựa chọn thí điểm trên một số DN và thực hiện triển khai hướng dẫn hồ sơ chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS như Thiên Dương, Antona, Cát Vạn Lợi, 3A, VinaCap… 
Kết quả khảo sát hướng dẫn các DN, nhóm nghiên cứu nhận thấy, DN trong nước chủ yếu gặp khó khăn khi xác định đơn vị hỗ trợ chứng nhận và thử nghiệm phù hợp các yêu cầu của chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS. Vì vậy, công tác hỗ trợ DN về chứng nhận CE - Marking, UL, RoHS cần được đẩy mạnh và triển khai trong thời gian tới với những đơn vị đầu mối có kinh nghiệm triển khai hỗ trợ DN đối với các hoạt động chứng nhận nói trên.
Ông Chính đặc biệt nhấn mạnh đến đề tài "Nghiên cứu, hướng dẫn DN Việt Nam thực hiện chứng nhận sản phẩm theo các chương trình chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS", không chỉ hỗ trợ cho DN Việt Nam có cơ hội nhận được "vé thông hành" mà còn là cơ sở lý luận thực tiễn cho các cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nắm bắt nhu cầu, thực trạng về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như cơ hội xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp và hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế.
Có không ít sản phẩm xuất khẩu bị hải quan EU tịch thu do là hàng xấu hoặc bị trả lại vì không có CE Marking. Bên cạnh chứng nhận CE thì chứng nhận RoHS cũng rất quan trọng tại thị trường châu Âu đặc biệt là các sản phẩm điện và điện tử. Còn tại Hoa Kỳ và thị trường Bắc Mỹ chứng nhận UL được chấp nhận rộng rãi. Các sản phẩm được UL chứng nhận được chấp nhận bởi người tiêu dùng và các nhà quản lý.
Tùng Hường
Theo Báo Công Thương