[In trang]
Sản xuất protease và amylase ứng dụng trong sản xuất thức ăn bổ sung nuôi tôm công nghiệp
Thứ sáu, 10/07/2020 - 21:00
Dự án “Sản xuất protease và amylase từ vi khuẩn làm thức ăn bổ sung nuôi tôm công nghiệp” được triển khai nhằm khai thác những công dụng và giá trị của 2 loại enzyme này, góp phần tạo ra sản phẩm thức ăn chăn nuôi mới trong ngành nuôi tôm, giúp đa dạng hóa sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên thị trường trong nước.
Vừa qua, đoàn công tác Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra định kỳ dự án “Sản xuất protease và amylase từ vi khuẩn làm thức ăn bổ sung nuôi tôm công nghiệp”. Đây là một trong hai nhiệm vụ KHCN Bộ Công Thương giao Công ty TNHH SX & TM Trúc Anh (Bạc Liêu) chủ trì thực hiện trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. 
Tham dự buổi kiểm tra có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, phòng Tài chính – Kế toán (Bộ Công Thương), các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm, lãnh đạo cơ quan chủ trì cùng các thành viên nhóm thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra định kỳ nhiệm vụ KHCN do Công ty TNHH SX & TM Trúc Anh chủ trì thực hiện.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, CN. Phạm Chí Nguyện – Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, amylase là một enzyme mà xúc tác sự thủy phân của tinh bột thành đường. Amylase có nhiều công dụng trong cuộc sống như được ứng dụng trong sản xuất bia và rượu làm từ đường có nguồn gốc từ tinh bột, sản xuất bánh mì… Amylase cũng có các ứng dụng y tế trong việc sử dụng liệu pháp thay thế enzyme tuyến tụy và nhiều công dụng khác.
Trong khi đó, proteasa là nhóm enzyme thủy phân có khả năng cắt mối liên kết peptide trong các phân tử polypeptide, protein và một số cơ chất khác tương tự thành các amino acid tự do hoặc các peptide phân tử thấp. Proteasa được ứng dụng trong sản xuất chất tẩy rửa, công nghiệp thuộc da và nhiều ngành công nghiệp khác.
Dự án “Sản xuất protease và amylase từ vi khuẩn làm thức ăn bổ sung nuôi tôm công nghiệp” được triển khai nhằm khai thác những công dụng và giá trị của 2 loại enzyme này, góp phần tạo ra sản phẩm thức ăn chăn nuôi mới, giúp đa dạng hóa sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên thị trường trong nước.
Đoàn công tác Bộ Công Thương tham quan ao nuôi tôm sử dụng chế phẩm protease và amylase làm thức ăn bổ sung
Triển khai dự án được Bộ Công Thương giao, CN. Phạm Chí Nguyện cho biết nhóm thực hiện đã hoàn thiện công nghệ sản xuất protease (quy mô 100 l/mẻ và quy mô 1.000 l/mẻ) và công nghệ sản xuất amylase (quy mô 100 l/mẻ và quy mô 1.000 l/mẻ).
Với công nghệ sản xuất protease và amylase xây dựng được, nhóm tiếp tục ứng dụng để sản xuất thử nghiệm chế phẩm protease và amylase.
Với chế phẩm protease và amylase sản xuất được, chúng tôi tiếp tục ứng dụng hai chế phẩm này để nuôi tôm thử nghiệm. Đầu tiên, chúng tôi thử nghiệm nuôi tôm sử dụng hai chế phẩm này ở quy mô 1m3, sau đó nâng cấp quy mô thử nghiệm lên và 500m3. Chế phẩm được bổ sung vào thức ăn nuôi tôm có tác dụng tăng cường tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng trong thức ăn, đặc biệt là protein”, CN. Phạm Chí Nguyện cho biết.
Hai sản phẩm TA-AMYEZ và TA-PROEZ của dự án
Kết luận buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác Bộ Công Thương, TS. Đặng Tất Thành – Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ đánh giá, tại thời điểm kiểm tra, nhóm thực hiện dự án đã triển khai 8/16 nội dung công việc. Tuy nhiên, một số báo cáo chuyên đề còn tồn tại, sai sót về nội dung khoa học, hình thức và hồ sơ pháp lý liên quan. TS. Đặng Tất Thành đề nghị nhóm thực hiện khẩn trương triển khai tất cả các nội dung công việc nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm và tổ chức thanh quyết toán theo quy định, đồng thời đẩy nhanh việc nghiệm thu các chuyên đề, quy trình, mô hình thiết bị và sản phẩm của nhiệm vụ.
“Trong quá trình triển khai các nội dung công việc sắp tới, nhóm thực hiện dự án có thể liên hệ với Tổ giúp việc Ban Điều hành Đề án để được hỗ trợ triển khai các nội dung công việc, thanh quyết toán, đảm bảo các nội dung sẽ được hoàn thành đúng tiến độ và đạt yêu cầu chất lượng theo đúng như hợp đồng đã ký với Bộ Công Thương”, TS. Đặng Tất Thành nhấn mạnh.
Vụ Khoa học và Công nghệ