[In trang]
Bộ Công thương chủ động và tích cực thực hiện chuyển đổi số
Thứ tư, 19/08/2020 - 21:56
Bộ Công Thương đã áp dụng chuyển đổi số hay điện tử hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Công thương đề xuất.
Theo đó, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bộ Công Thương đã áp dụng chuyển đổi số hay điện tử hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tuy nhiên, để bắt đầu quá trình này điều cần thiết là sự đổi mới tư duy và trong quá trình này điều đặc biệt quan trọng là sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp. Chuyển đổi số thành công thì các lĩnh vực mà ngành công thương đang quản lý sẽ có được sự hỗ trợ tích cực rất lớn.
Chuyển đổi số để hỗ trợ xuất khẩu nhanh hơn, kịp thời hơn.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là quá trình áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào thủ tục hành chính.
Nếu như trước đây, thủ tục hành chính chỉ được thực hiện bằng hình thức hồ sơ giấy nhưng khi áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, thủ tục hành chính sẽ được thực hiện và xử lý trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người tham gia.
Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh thêm, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Điển hình là Hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys của Bộ Công Thương cho phép thương nhân xuất khẩu nộp chứng từ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) trực tuyến.
Trên cơ sở đó, quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian giải quyết các hồ sơ, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Phân tích cụ thể hơn về chuyển đổi số, đại diện Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ, trước kia xúc tiến thương mại chủ yếu được hoạt động theo hình thức truyền thống là mang hàng hoá tới tận nơi giới thiệu tại các hội chợ hay phòng giới thiệu sản phẩm. Dù tỷ lệ chốt đơn cao nhưng ngược lại chi phí về logistics cho các hoạt động này cũng không hề nhỏ.
Thế nhưng, kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay hầu hết hoạt động này đều chuyển sang hình thức trực tuyến và được thực hiện đa dạng trên các nền tảng công nghệ số. Điều đáng mừng là hình thức này đã loại bỏ được khoảng cách về địa lý, khả năng và số lượng tiếp cận cũng như hạn chế tối đa chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đa số doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng kể cả những doanh nghiệp lớn. Điều này đã dẫn đến không ít khó khăn trong việc triển khai và khiến kế hoạch chuyển đổi số diễn ra chậm hơn so với mong muốn.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Hồng Nhung- Phó giám đốc Công ty cổ phần VietRAP chia sẻ: Mặc dù chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn trong kinh doanh nhưng hiện nay phần lớn vẫn chưa sẵn sàng do gặp phải những thách thức, khó khăn về hạ tầng, nguồn nhân lực và quyết tâm của chủ doanh nghiệp.
Chuyển đổi số giúp các Doanh nghiệp làm chủ công nghệ
Giới phân tích cho rằng kinh tế số đang dần dần trở thành con đường chủ đạo của phát triển kinh tế nên doanh nghiệp cần thay đổi cách làm việc, thay đổi mô hình kinh doanh với công nghệ mới.
Bởi, nếu doanh nghiệp không chuyển mình, ứng dụng chuyển đổi số sẽ là đi chệch xu hướng mới và điều này chắc chắn sẽ tụt hậu, mất lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp cả ở sân nhà và sân chơi toàn cầu.
Hơn nữa, một trong những lợi ích quan trọng khác mà chuyển đổi số mang lại cho xuất nhập khẩu Việt Nam đó là việc bảo vệ và phát triển các chỉ dẫn địa lý.
Theo giới phân tích, trong mắt người tiêu dùng nước ngoài, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là một khái niệm khá mờ nhạt nên cần được bảo vệ để đấu tranh với những hàng hóa giả mạo khác đang trôi nổi trên thị trường.
Chính vì vậy, thay vì hình thức truyền miệng như trước kia thì trực tuyến thông qua các khả năng lan truyền thông tin có hiệu quả rất lớn trong thời đại số.
Với tất cả các lĩnh vực từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ, khi đứng trước cảnh "đứt cung, gãy cầu" thì buộc phải tìm kiếm cơ hội trong nền tảng số, công ty Rạng Đông đã có chiến lược chuyển đổi số cho riêng mình. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Là doanh nghiệp điển hình trong xuất khẩu trực tuyến, dù dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian dài nhưng thương hiệu Vua Dép lốp vẫn duy trì tốt khi tập trung xây dựng và phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến đa kênh và chủ động mở rộng đối tượng khách hàng sang nhóm khách hàng mới từ các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cùng với đó, với mục tiêu trở thành một “nhà máy số”, Công ty Rạng Đông đã đưa hoạt động này vào Chiến lược phát triển của Công ty giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng.
Nhờ vậy, Công ty được Bộ Công Thương đánh giá cao và tiếp tục lựa chọn là 1 trong 15 doanh nghiệp tham gia Dự án Chuyển đổi số theo tiêu chuẩn của Bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (SIRI) do Tập đoàn Siemens hỗ trợ.
Cuối quí I vừa qua, Công ty Rạng Đông chính thức hoàn thiện mặt bằng và thực hiện chuyển đổi số ở một số bộ phận tại các ngành của xưởng điện tử, LED và thiết bị chiếu sáng, smart lighting và kho thành phẩm hiện đại.
Tất cả đều được công ty tích hợp qua công nghệ thông tin, cập nhật hàng ngày thông qua kết nối wifi và tiến tới mục tiêu xây dựng một nhà máy thông minh trong tương lai gần.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Không những thế, việc chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp tìm kiếm một mô hình xuất khẩu linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại trong những năm gần đây và cả trong thời gian tới.
Theo dự kiến, xu hướng xuất khẩu trực tuyến có thể sẽ chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD trong năm nay, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đáng lưu ý, hoạt động xuất nhập khẩu còn liên quan tới nhiều vấn đề khác gắn chặt với ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông với thu thập và xử lý dữ liệu sản phẩm. Chẳng hạn như vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chú ý tới ba yếu tố cơ bản là nền tảng số, dữ liệu số và website tương thích với thiết bị di động khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định: Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.
Theo: Tạp chí Điện tử