[In trang]
Khoa học công nghệ: Chung tay phát triển
Chủ nhật, 14/07/2013 - 17:48
(VEN) - Sự hợp tác trong hoạt động nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thời gian qua được coi là hình mẫu trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật nội sinh vào doanh nghiệp rất đáng nhân rộng.
Sự gặp gỡ của cơ duyên

Mối cơ duyên của sự hợp tác này đã được lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hân hoan chia sẻ tại buổi hội thảo “Đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp – Bài học từ sự liên kết giữa đại học, viện và Rạng Đông” hôm 6/7/2013. Câu chuyện trở lại vào những ngày cuối năm 2007. Khi đó, nhằm đưa các sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng thực tế, các cán bộ nghiên cứu Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) và Viện Tiên Tiến Khoa học và Công nghệ (AIST), ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba màu và bột điện tử micro, nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng”. Để thực hiện đề tài, các cán bộ ĐHBKHN đã chủ động tìm gặp Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RALACO).
 
 

Thật trùng hợp, khi đó ban lãnh đạo RALACO cũng đang trăn trở về vấn đề đổi mới và phát triển công nghệ. Vì vậy, không chỉ nhất trí cùng phối hợp thực hiện các nội dung đề tài, mà ban lãnh đạo RALACO còn đưa ra một bảng thống kê hơn 20 vấn đề kỹ thuật và các công nghệ mới mà công ty mong muốn được phát triển. Sau khi đi thăm quan và “mục sở thị” khối phế phẩm khổng lồ (cỡ vài trăm tấn) của nhà máy, hai bên đã nhất trí cùng phối hợp giải quyết 2 vấn đề: phát triển công nghệ thu hồi và tinh chế bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì; nghiên cứu tối ưu hóa quy trình công nghệ tráng phủ bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact.
 
Chưa đầy một năm, hai vấn đề công nghệ này đã được ĐHBKHN chuyển giao thành công cho RALACO áp dụng vào trong sản xuất, giúp giảm được khoảng 4% lượng đèn compact không đạt tiêu chuẩn trong khâu tráng phủ, đồng thời tiết kiệm tái sử dụng nhiều tấn bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm và hàng trăm tấn thủy tinh không chì trị giá hàng chục tỷ đồng.
 
Đến chiến lược dài hạn

Từ sự hợp tác hiệu quả đầu tiên, ĐHBKHN và RALACO tiếp tục cùng hướng đến mục tiêu nghiên cứu dài hạn. Và sự ra đời Phòng thí nghiệm nghiên cứu chung và Xưởng thực nghiệm giữa ĐHBKHN và RALACO được ký kếtvào năm 2009 là minh chứng cho sự hợp tác phát triển khoa học công nghệ chặt chẽ giữa hai bên.
 
 
Với việc triển khai Phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, trong 2 năm 2009 – 2010 nhiều vấn đề công nghệ kỹ thuật đã được hai bên cùng phối hợp giải quyết. Điển hình là hai hợp đồng chuyển giao công nghệ chế tạo keo gắn bầu đèn huỳnh quang compact (quy mô 25 tấn/tháng) và cung cấp vật liệu, quy trình công nghệ tráng phủ lớp hỗ trợ khởi động nhanh cho đèn huỳnh quang xuất khẩu đã được ĐHBKHN chuyển giao cho RALACO, giúp công ty chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế hoàn toàn vật liệu ngoại nhập với giá thành chỉ bằng 20 – 40%.
 
Từ hiệu quả của việc áp dụng công nghệ mới, công nghệ phát triển nội địa, năm 2011 RALACO quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (TT R&D). Với quyết định này, chiến lược phát triển của khoa học công nghệ của công ty đã chuyển từ khai thác các hợp đồng KHCN ngắn hạn, riêng rẽ, đơn lẻ sang việc đầu tư dài hạn, đổi mới một cách có hệ thống, toàn diện trong toàn bộ các khâu hoạt động của công ty. Tiếp tục sự hợp tác, năm 2013 ĐHBKHN và RALACO đã thỏa thuận xây dựng Phòng thử nghiệm chung thứ hai đặt tại ĐHBKHN. Đây chính là sự tiếp cận nhằm khai thác một cách hiệu quả các thiết bị nghiên cứu đã được Nhà nước đầu tư cho ĐHBKHN phục vụ sản xuất.
 
Ghi nhận sự hợp tác hiệu quả của RALACO trong hoạt động nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ với viện nghiên cứu, trường đại học, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: Mô hình hợp tác hiệu quả này là một minh chứng điển hình cho việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các công nghệ ứng dụng trong các trường đại học, viện nghiên cứu và việc hình thành nên các đơn vị nghiên cứu liên trường đại học - công nghiệp nhằm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật nội sinh vào doanh nghiệp, thay vì nhập khẩu công nghệ, nhập khẩu thiết bị đồng bộ từ nước ngoài.
 
Thanh Tâm