[In trang]
Thay đổi cách tiếp cận thực phẩm
Thứ tư, 26/08/2020 - 12:14
Song song với xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, việc tăng cường “chống” thực phẩm bẩn thời gian qua đã dần làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng theo hướng tích cực.
Song song với xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, việc tăng cường “chống” thực phẩm bẩn thời gian qua đã dần làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng theo hướng tích cực.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tái thiết lập lại một chu trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất hàng hóa, bắt đầu từ khâu gieo trồng, chế biến, bảo quản, vận chuyển… đến việc đưa hàng hóa ra lưu thông đến tay người tiêu dùng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – thông tin: "Theo dõi tình hình ATTP qua các năm thấy được, kể từ năm 2017, đã không phát hiện thịt lợn có nhiễm chất cấm salbutamol; tỷ lệ vi phạm thực phẩm về chỉ tiêu kháng sinh cũng đã giảm mạnh, năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%. Các trường hợp ngộ độc thực phẩm trong năm 2019 cũng giảm mạnh… Từ đó thấy được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATTP hiện nay. Đặc biệt, Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP bổ sung sửa đổi phù hợp với luật pháp, đời sống".
Thực phẩm an toàn lấy được lòng tin của người tiêu dùng
Bên cạnh đó, vai trò, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã rau an toàn đã được nâng cao rõ rệt. Hàng hóa nông sản thực phẩm rất phong phú, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. "Từ thực tế cho thấy, lợi ích quan trọng trong việc bảo đảm ATTP, sản xuất thực phẩm theo mô hình đảm bảo đạt tiêu chuẩn sẽ giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, lấy được lòng tin của người tiêu dùng, kết quả này đạt hiệu quả hơn rất nhiều công tác tuyên truyền một chiều" - ông Hùng nhận định.
Hiện nay, nhu cầu thực phẩm an toàn là vấn đề thiết yếu và đòi hỏi chính đáng của người dân. Đây là vấn đề được Đảng, nhà nước hết sức quan tâm, cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc; coi đây là hoạt động có nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sức khỏe của nhân dân. Do đó, Đảng và nhà nước cần tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Với tốc độ hội nhập nhanh như hiện nay, Việt Nam đang xóa bỏ những rào cản hành chính rườm rà đối với doanh nghiệp bằng cách cải tiến tiền kiểm, tăng hậu kiểm. Công tác hậu kiểm đã phát hiện ra nhiều vấn đề về ATPP như quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng sai sự thật gây ảnh hưởng tới sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng. Cơ quan chức năng đã có những xử lý mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện cũng ý thức hơn trong việc chọn lựa các sản phẩm có lợi, tẩy chay những doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm có chất lượng không đúng sự thật. Đặc biệt, sự phát triển của mạng internet đã giúp người tiêu dùng có nhiều cách tiếp nhận thông tin, tránh tiếp cận những thông tin xấu về ATTP; phát hiện, nhận dạng được những trang web có tính chất lừa dối, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hậu kiểm thương mại điện tử để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện đại cũng phải nâng cao ý thức, cập nhật công nghệ để có thể phát triển các nền tảng mua sắm tiên tiến, để là người tiêu dùng "thông thái" trong thời đại mới.
Dưới góc độ cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, hải quan, công an… cũng cần vào cuộc mạnh mẽ, cương quyết, điều tra, xử lý nghiêm khắc những vi phạm về ATTP, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Theo: Báo Công Thương