[In trang]
EVFTA thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Thứ ba, 01/09/2020 - 07:47
Covid-19 và chiến tranh thương mại đã tác động khá nặng nề đối với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong đó có Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực lại sẽ nền tảng quan trọng để Việt Nam và EU chung tay nhau xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm và an toàn.
Covid-19 và chiến tranh thương mại đã tác động khá nặng nề đối với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong đó có Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực lại sẽ nền tảng quan trọng để Việt Nam và EU chung tay nhau xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm và an toàn.
Tham gia chuỗi cung ứng để thu hút FDI tốt hơn
Tại Hội nghị bàn tròn "Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu Covid-19" diễn ra ngày 28/8 tại Hà Nội, ông Giorgio Alberti – Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - cho biết, EVFTA là hiệp định mang tính lịch sử trong dấu mốc quan hệ giữa Việt Nam và EU. Ngày 1/8/2020 EVFTA có hiệu lực, có tỷ lệ dòng thuế nhất định được cắt giảm ngay lập tức. EVFTA cho thấy kết quả mang lại cả lợi ích hữu hình và nhiều lợi ích kinh tế khác, không đơn thuần là giảm thuế cho các đơn vị xuất nhập khẩu và có lợi cho túi tiền của người dân.
Ngoài ra, Hiệp định cũng được kỳ vọng thu hút nhiều vốn FDI từ EU. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn này, theo Đại sứ Giorgio Alberti, Việt Nam cần tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu và hoạt động thương mại toàn cầu sẽ là bất lợi rất lớn.
Thực tế, EU là một phần của các chuỗi giá trị toàn cầu trong nhiều lĩnh vực sản phẩm, ở nhiều khâu như R&A, thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối, tái chế… “Lợi thế kết nối với FDI của EU là khả năng tiếp cận, chia sẻ các lợi thế trong chuỗi giá trị toàn cầu của các đối tác EU như công nghệ, dữ liệu, nguồn thông tin, kỹ năng và mạng lưới”- bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Trung tâm thương mại quốc tế (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI)- chia sẻ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại đang xảy ra, chưa bao giờ yêu cầu xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm, an toàn lại trở nên quan trọng như hiện nay. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – cho rằng, EVFTA là nền tảng quan trọng để Việt Nam và EU chung tay với nhau xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm và an toàn.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 khách mời từ các bộ ban ngành, cơ quan chính phủ, các quốc gia thành viên EU, các hiệp hội kết nối thương mại Châu Âu, Việt Nam, các tổ chức học thuật cùng các doanh nghiệp Việt Nam.
Điều chỉnh chính sách phù hợp
Mặc dù có nhiều cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, song vẫn có nhiều thách thức đặt ra. Việt Nam là nước đi sau trong ngành công nghiệp hỗ trợ nên còn non trẻ và gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khả năng kết nối của doanh nghiệp nội địa còn thấp, số lượng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn khiêm tốn. Theo một nghiên cứu của JETRO, các công ty Nhật Bản tại Việt Nam mua khoảng 32,4% các hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ các nhà cung cấp Việt Nam. Tỷ lệ này thấp hơn con số tương ứng tại Trung Quốc (67,8%), Thailand (57,1%), và Indonesia (40,5%). Việt Nam có khoảng 20 công ty lắp ráp ô tô, nhưng chỉ có khoảng 81 nhà cung cấp cấp 1, 145 nhà cung cấp cấp hai và cấp ba. Trong khi đó, Thái Lan có khoảng 16 công ty lắp áp ô tô song đất nước này có tới 690.690 nhà cung cấp cấp 1, và 1.700 nhà cung cấp cấp hai và cấp ba.
Ngoài ra, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lợi thế từ EVFTA đối với một số ngành có thể khiến Việt Nam bằng lòng với việc tham gia chuỗi giá trị ở công đoạn giá trị thấp như hiện tại. Hay chi phí để chuyển dịch lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị có thể là quá cao, khiến DN không sẵn sàng để đầu tư. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ có thể tăng lên…
“Trong khi đó, dưới tác động của dịch Covid-19, đã khiến đứt gãy chuỗi giá trị tạm thời, từ thượng nguồn và hạ nguồn. Cầu thay đổi, ảnh hưởng tới cơ cấu chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể không còn đủ lực để tiếp tục”- bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ như việc giảm chi phí như giúp tiếp cận tín dụng (vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp); ổn định chi phí và nguồn nhân công; giảm thủ tục hành chính và chi phí không chính thức. …
Đại sứ Giorgio Aliberti cho rằng, Việt Nam chưa cần tạo ra thay đổi lớn toàn bộ các chính sách, nhưng phải có những điều chỉnh để chính sách càng phù hợp với các quy định của EU, bởi đó là điều các nhà đầu tư EU rất quan tâm. Việc làm rõ và điều chỉnh chính sách là con đường tốt nhất để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Báo Công Thương