[In trang]
Công nghệ bảo mật vân tay "make in Vietnam": tiên phong trong bảo mật đa vai trò hứa hẹn tiềm năng ứng dụng đa ngành
Thứ tư, 16/09/2020 - 11:19
Công nghệ xác thực vân tay đa vai trò "make in Vietnam" có thể coi là sản phẩm đầu tiên xuất hiện trên thị trường, hứa hẹn nhiều ứng dụng tiềm năng, như bảo mật đa lớp trong ngành tài chính - ngân hàng, khóa thông minh, xác thực danh tính trong thi cử...
Bảo mật vân tay không phải là điều quá mới mẻ trong thời đại này khi mà công nghệ đã len lỏi đến từng ngóc ngách cuộc sống. Thực tế trong nhiều ngành nghề cần tính bảo mật cao như tài chính - ngân hàng, việc xác thực danh tính dựa trên sinh trắc học vân tay đã được ứng dụng khoảng chục năm trước tại các nước công nghệ tiên tiến và chứng minh được tính ưu việt của nó so với các phương thức truyền thống.
Mặc dù thực tế cho thấy công nghệ này đem lại nhiều lợi ích, như tính xác thực cao gần như tuyệt đối, tiết kiệm nhân lực và thời gian... việc ứng dụng nó tại thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều ngân hàng vẫn phải nhập công nghệ bảo mật từ nước ngoài, với chi phí đầu tư ban đầu và duy trì tương đối cao. 
Nắm được thực tế này, Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện (KHKT) đã nghiên cứu phát triển thành công hệ thống điều khiển truy cậy đa vai trò bằng vân tay UCS-MFA, hay còn gọi là bảo mật đa vai trò, nhằm cung ứng cho thị trường trong nước một giải pháp tối ưu về bảo mật và chi phí. 
 
Phó Viện trưởng Viện KHKT Bưu điện TS. Trần Thiện Chính chia sẻ về công nghệ bảo mật đa vai trò "make in Vietnam"
Bộ sản phẩm của đề tài nghiên cứu đã được đăt hàng trước từ nhiều doanh nghiệp tài chính - ngân hàng lớn
Theo TS. Trần Thiện Chính, Phó Viện trưởng Viện KHKT Bưu điện đồng thời là người chịu trách nhiệm chính của nghiên cứu, điểm đặc biệt của hệ thống là cho phép thiết lập điều kiện xác thực kết hợp đa vai trò của nhiều người dùng. Ví dụ, nếu bảo mật được thiết lập cho 3 lớp khóa nhận dạng vân tay, thì yêu cầu phải có sự xác thực của cả 3 chủ thể đó cùng lúc thì mới có thể mở khóa. Trong trường hợp thiếu chủ thể xác thực hoặc chủ thể không đúng thì khóa sẽ không thể mở và hệ thống sẽ phát cảnh báo về máy chủ. 
"Như vậy cần có sự đồng thuận của cả 3 người, ví dụ như kế toán - thủ quỹ - trưởng chi nhánh, thì mới có thể rút tiền", TS. Trần Thiện Chính cho biết. "Ngoài ra, thiết bị cho phép mỗi người dùng đăng ký nhiều vân tay, để người dùng có thêm phương án thay thế", nhà nghiên cứu giải thích. 
Được biết, hệ thống đã được thử nghiệm thành công với hơn 100 điểm thử nghiệm tại các danh nghiệp tài chính - ngân hàng và nhận được phản hồi rất tích cực. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề ký hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Công nghệ xác thực vân tay đa vai trò "make in Vietnam" có thể coi là sản phẩm đầu tiên xuất hiện trên thị trường, hứa hẹn nhiều ứng dụng tiềm năng. 
Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển công nghệ nhằm mở rộng ứng dụng ra nhiều lĩnh vực khác. Trong tương lai gần, chúng ta có thể sớm thấy kết quả của nghiên cứu này trong các thiết bị như khóa an toàn cho nhà thông minh, xác thực danh tính trong thi cử, tiếp cận trạm cung cấp dịch vụ công (điện)... 
Đề tài nghiên cứu "Phát triển, ứng dụng hệ thống xác thực bảo mật đa vai trò sử dụng vân tay trong lĩnh vực an ninh ngân hàng" do Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện thực hiện trong khuôn khổ Đề án phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì. 
Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện là đơn vị nghiên cứu, tư vấn khoa học công nghệ chuyên về lĩnh vực bưu chính, viễn thông với hơn 50 năm kinh nghiệm. Hiện nay Viện đang đẩy mạnh các lĩnh vực nghiên cứu - hợp tác chuyên ngành theo hướng công nghệ cao. Trong đó nổi bật là các dự án nghiên cứu công nghệ xác thực vân tay ứng dụng bảo mật và khóa thông minh, áp dụng công nghệ Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo trong giám sát môi trường vi khí hậu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao...
Hương Giang ghi