[In trang]
Công ty Cổ phần Kyodai: TPM đã mở ra nhiều cơ hội phát triển
Thứ ba, 06/10/2020 - 09:22
Công ty Cổ phần Kyodai biết đến chương trình hướng dẫn triển khai quản lý hiệu suất tổng thể (TPM) của Bộ Công Thương thông qua mạng lưới chuyên gia và đăng ký tham gia chương trình vào tháng 03 năm 2019. Trước đó, Kyodai đã áp dụng công cụ cải tiến 5S, tuy nhiên việc duy trì chưa được tốt.
Công ty Cổ phần Kyodai biết đến chương trình hướng dẫn triển khai quản lý hiệu suất tổng thể (TPM) của Bộ Công Thương thông qua mạng lưới chuyên gia và đăng ký tham gia chương trình vào tháng 03 năm 2019. Trước đó, Kyodai đã áp dụng công cụ cải tiến 5S, tuy nhiên việc duy trì chưa được tốt. 
Sau khi tham gia dự án TPM, các chuyên gia tư vấn đã nhắc lại kiến thức 5S và tập trung vào hướng dẫn đánh giá, duy trì 5S. Thực hiện 5S tốt được coi là tiền đề để áp dụng các công cụ Năng suất chất lượng khác, cụ thể với Công ty Cổ phần Kyodai là TPM. Nội dung đào tạo đã giới thiệu lồng ghép kiến thức chung về 5S và các trụ cột TPM, hướng dẫn thực hiện trụ cột Bảo trì Tự quản. Các lớp đào tạo kết hợp hài hòa giữa kiến thức lý thuyết, trò chơi và thảo luận giúp học viên không cảm thấy nhàm chán và dễ tiếp thu kiến thức.
Sau khi tiếp nhận phiếu đăng ký, đoàn tư vấn đã tiến hành phỏng vấn qua điện thoại xác nhận nhu cầu, mục tiêu và đến làm việc, trao đổi và khảo sát, đánh giá hiện trạng về tiềm năng triển khai TPM tại doanh nghiệp.
Căn cứ trên nguồn lực, thời gian và mức độ ưu tiên của doanh nghiêp, chương trình hướng dẫn triển khai áp dụng TPM tại doanh nghiệp được thống nhất tập trung vào mục tiêu chung là xây dựng và duy trì hệ thống quản lý gắn kết trách nhiệm của người vận hành và người bảo dưỡng thiết bị, mang lại hiệu quả về hiệu suất tổng thể tại khu vực áp dụng, đạt được chứng nhận của Bộ Công Thương. 
Theo đó, mục tiêu cụ thể bao gồm duy trì hoạt động 5S; Thiết lập cơ sở dữ liệu ban đầu về tổn thất thiết bị; Thiết lập và duy trì giám sát Chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể OEE (Overall Equipment Effectiveness) tại khu vực triển khai thí điểm. Đặt mục tiêu OEE tháng 11/2019 tăng so với OEE tháng 06/2019. Phương pháp tính OEE và cách thức thu thập số liệu được hướng dẫn trong quá trình tư vấn. Bên cạnh đó là mục tiêu định hướng của quy trình bao gồm: Xây dựng và duy trì được các quy trình quản lý, bảo dưỡng thiết bị, đào tạo nội bộ hướng tới mục tiêu lâu dài là không phế phẩm, không sự cố dừng máy, không hao hụt và không tai nạn tại khu vực triển khai thí điểm (mục tiêu định hướng của quy trình không bắt buộc đạt được trong thời gian triển khai áp dụng).
Xưởng sản xuất của Công ty Kyodai 
Kết quả triển khai thực hiện TPM đã mang lại cho Công ty Kyodai các lợi ích sau: Chỉ số hiệu suất thiết bị OEE xưởng nhựa tăng so với trước khi áp dụng TPM từ 56,38% lên 95,56%; duy trì được hoạt động 5S trong toàn bộ Công ty; xây dựng được lịch bảo trì thiết bị định kỳ và áp dụng cho toàn bộ máy móc sản xuất; giảm 90% chi phí sửa chữa máy móc thiết bị hàng năm.
Về quản lý trực quan, mặt bằng sản xuất được duy trì các hoạt động 5S, phát hiện và giải quyết các bất thường sớm, phân công người chịu trách nhiệm từng khu vực trong nhà máy, thực hiện các hình ảnh trước – sau, bài học 1 điểm-OPL để hướng tới xây dựng tiêu chuẩn trực quan nội bộ và tài liệu đào tạo trong nhà máy.
Về tác phong, nề nếp, nhân viên vận hành chủ động tìm kiếm và xử lý các bất thường tại khu vực làm việc. Nhân viên bảo trì kiểm soát được công việc của mình. Các cuộc họp TPM định kỳ được thực hiện để cập nhật tiến độ các công việc và theo dõi hiệu quả hoạt động của máy móc, thiết bị. Các hoạt động TPM được truyền thông rộng rãi trên bảng tin, nhóm zalo và trao thưởng, tuyên dương hàng tháng trong cuộc họp nhà máy. 
Về quản lý sản xuất, toàn bộ nhân viên Công ty được đào tạo lý thuyết và thực hành các công cụ TPM, 100% nhân viên công ty tham gia vào hoạt động TPM, treo thẻ để phát hiện và xử lý bất thường. Ban lãnh đạo Công ty tham gia họp TPM định kỳ và cùng thảo luận các vấn đề khó khăn để hỗ trợ nhân viên tìm hướng giải quyết. 
Sau khi tham gia chương trình, chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể của xưởng ép nhựa OEE đã tăng từ 56,38% lên 95,56%, số lần xảy ra sự cố, thời gian xảy ra sự cố được theo dõi và đo lường. Tăng thêm thời gian làm việc 497’/ngày do loại bỏ các lãng phí do tìm kiếm, chờ đợi công cụ dụng cụ.
Ngoài ra, tỷ lệ chất lượng tại 2 phân xưởng được tăng lên từ 99.11% lên 99.63% (xưởng cơ khí chính xác), các khiếu nại khách hàng khi phản hồi về nhà máy đều được xử lý qua quy trình phân tích để tìm nguyên nhân gốc rễ và đưa ra giải pháp phòng ngừa.
Chi phí sản xuất được cắt giảm nhờ các ý tưởng cải tiến năng suất và chất lượng. Chi phí sửa chữa máy móc thiết bị 9 tháng đầu năm 2019 bằng 6% chi phí sửa chữa năm 2018 do hoạt động bảo trì thiết bị được quan tâm nhiều hơn, nhà máy bố trí nhân sự phụ trách chuyên trách hoạt động này. 
Sự an toàn được ưu tiên hàng đầu khi thực hiện các hoạt động sản xuất và nhà máy hướng tới không có tai nạn lao động. Trong thời gian triển khai TPM, không có hoạt động mất an toàn nào được ghi nhận. Các bất thường liên quan tới an toàn luôn được nhà máy ưu tiên xử lý sớm và triệt để.
TPM còn giúp nhân viên Công ty được đánh giá năng lực dựa trên các tiêu chí cụ thể, từ đó thấy được khoảng cách kỹ năng của các vị trí nhân sự để nhà máy đưa ra lịch đào tạo phù hợp. Các tài liệu đào tạo nội bộ được chú trọng xây dựng và chuyển đổi, hướng tới đối tượng người học nhiều hơn để giảm thời gian đào tạo nhưng đem lại hiệu quả thiết thực.
So với mục tiêu ban đầu khi đăng ký tham gia chương trình của doanh nghiệp, kết quả này là vượt mong đợi của doanh nghiệp và tư vấn. 
Chia sẻ của anh Phạm Xuân Cường – Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty trong buổi đánh giá kết quả của dự án: “Công ty ghi nhận sự thay đổi đáng kể về thái độ của nhân viên trong công việc hàng ngày và cam kết sẽ cố gắng giữ gìn và phát huy phong trào cải tiến liên tục để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng” 
Kết quả đạt được sau khi triển khai TPM
 - 100% nhân viên công ty đã được đào tạo lý thuyết và thực hành các hoạt động trong trụ cột Bảo trì Tự quản.
 - Hoạt động 5S được duy trì và thúc đẩy trong toàn bộ các khu vực của nhà máy.
 - Toàn bộ nhân viên cùng tham gia vào hoạt động phát hiện và xử lý các bất thường: 102 thẻ TPM được treo và 94% các vấn đề phát hiện đã được xử lý.
 - 74 hình ảnh trước-sau được ghi nhận và xác định là tiêu chuẩn mới cho các khu vực làm việc từ văn phòng tới xưởng sản xuất.
 - Các bài học 1 điểm được chia sẻ rộng rãi và treo trên các bảng tin nội bộ trong công ty.
 -Tiêu chuẩn hướng dẫn nhân viên vận hành thực hiện Vệ sinh - Kiểm tra - Bôi trơn - Siết chặt máy móc được xây dựng, chuẩn hóa và đào tạo lại cho nhân viên vận hành thực hiện hàng ngày.
 Theo: Bản tin Năng suất chất lượng, số 34 tháng 7/2020