[In trang]
Hội thảo PACS-CLOUD và bộ tiêu chí CNTT để thực hiện hoạt động y tế từ xa
Thứ sáu, 09/10/2020 - 07:01
Ngày 6 tháng 10 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “PACS-ClOUD và bộ tiêu chí công nghệ thông tin (CNTT) để thực hiện hoạt động y tế từ xa” do Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế chủ trì với sự tham gia của các đại diện Bộ Y tế, Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Y tế các địa phương, bệnh viện tuyến Trung ương và một số địa phương, và các tập đoàn, doanh nghiệp cung cấp giải pháp y tế số.
Tại hội thảo, các diễn giả được nghe chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động y tế từ xa với sự hỗ trợ củabộ giải pháp PACS-CLOUD, giải pháp lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa liên bệnh viện. Bộ giải pháp này là kết quả từ dự án nghiên cứu được thực hiện từ Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì. Đồng thời qua Hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia công nghệ nhằm triển khai bộ giải pháp PACS-CLOUD trên diện rộng trong hệ thống y tế công; và xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí CNTT làm cơ sở hướng dẫn các bệnh viện triển khai hoạt động khám – chữa bệnh từ xa. 
Mở đầu hội thảo
Nhu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh từ xa
Mở đầu hội thảo, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế PGS. TS. Trần Quý Tường đã trình bày ngắn gọn về nhu cầu triển khai các hoạt động y tế từ xa. 
Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế PGS. TS. Trần Quý Tường phát biểu khai mạc hội thảo
Cụ thể, khám chữa bệnh từ xa đã được triển khai từ lâu tại các nước tiên tiến thế giới với nhiều cấp độ khác nhau. Riêng tại Việt Nam, trong thời gian qua ngành y tế đã thành công kết nối hơn 1000 điểm khám chữa bệnh từ xa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc giúp đội ngũ y tế tại chỗ tham vấn ý kiến từ nhiều chuyên gia đầu ngành nhằm xử lý các ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp và bất thường, đồng thời góp phần giảm tải tại các bệnh viện tuyến đầu. 
Cũng theo đại diện Cục CNTT-Bộ Y tế, trong thời gian tới nhu cầu kết nối giữa các điểm khám chữa bệnh sẽ còn cao hơn nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng tổng thể dịch vụ y tế, tiết kiệm tài nguyên và chi phí cho cả hệ thống. 
PACS-CLOUD: công cụ đắc lực triển khai bệnh viện thông minh
Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương ông Lê Việt Cường trình bày về kết quả dự án
Chia sẻ về kết quả ứng dụng về bộ giải pháp PACS-CLOUD, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương ông Lê Việt Cường cho biết, sau 5 năm thử nghiệm, từ 2016 đến nay, hiện giải pháp PACS-CLOUD đã được triển khai trên 23 bệnh viện. Trong đó có 17 bệnh viện đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và đánh giá thành công. 
Trong số các bệnh viện tham gia thử nghiệm có nhiều bệnh viện tuyến TW và bệnh viện hạng I như bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện quận Thủ Đức, bệnh viện Đa khoa Tp. Vinh…
Với kết quả thử nghiệm rất khả quan, nhiều bệnh viện công và tư hiện đã triển khai thương mại bộ giải pháp này nhằm đơn giản hóa quy trình khám chữa bệnh cũng như tiết kiệm tài nguyên nhân lực, chẳng hạn như hệ thống bệnh viện Medic Hòa Hảo, hệ thống bệnh viện Tâm Trí, hệ thống bệnh viện tỉnh Tây Ninh. 
Ông Lê Việt Cường cho biết, “nhận xét chung của các bệnh viện qua quá trình tham gia dự án là bộ giải pháp đã góp phần giải quyết vấn đề rất lớn là tình trạng ách tách trong việc chờ và lấy kết quả tại khâu chẩn đoán hình ảnh; đơn giản hóa quá trình lưu trữ là luân chuyển thông tin liên khoa và liên bệnh viện.” 
Về kỹ thuật, bộ giải pháp tích hợp ứng dụng ảnh DICOM khắc phục nhược điểm của phim 2D truyền thống, từ đó giúp bác sỹ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn. Về mặt chi phí, đầu tư công nghệ trong bài toán lâu dài tiết kiệm hơn nhiều so với việc in phim, tiêu hao và khấu hao vật tư. Đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường. 
Với những lợi điểm trên, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương nhận định bộ giải pháp PACS-ClOUD rất có tiềm năng. Và thực tế những tín hiệu đầu tư ban đầu từ các chuỗi bệnh viện đã khẳng định điều này. 
Chủ nhiệm dự án TS. Nguyễn Chí Ngọc (Đại học Bách Khoa Tp. HCM) trình bày chi tết về các công nghệ được sử dụng trong bộ giải pháp PACS-CLOUD
Chia sẻ chi tiết về công nghệ kỹ thuật, chủ nhiệm dự án TS. Nguyễn Chí Ngọc (Đại học Bách Khoa Tp. HCM) cho biết về cơ bản, bộ giải pháp đã khắc phục được nhược điểm của hệ thống server cũ của các bệnh viện, như khó mở rộng và sửa chữa, chi phí thay thế và duy trì tốn kém. “Với các thiết bị được xây dựng như tại trung tâm tổng của dự án, một gói hình ảnh khoảng 600MB chỉ mất 7 phút để truyền từ bệnh viện Đồng Nai lên bệnh viện tuyến TW ở Tp. Hồ Chí Minh”, TS. Ngọc chia sẻ. 
Thêm vào đó, với công nghệ đám mây (Cloud), hình ảnh sẽ được phân phối rất nhanh chóng với chất lượng tiêu chuẩn vào các điểm cơ sở bao như phòng hội chẩn từ xa, phòng cấp cứu, máy cá nhân của bác sỹ, email của bệnh nhân… Những ưu điểm này giúp hệ thống y tế phá vỡ không gian vật lý thông thường, giúp việc khám chữa bệnh từ xa khả thi hơn và môi trường khám – chữa bệnh tiến gần tới bệnh viện thông minh 4.0.
Phương án triển khai: Lựa cơm gắp mắm
Về cơ bản, các chuyên gia đồng ý góp giải pháp của dự án đáp ứng được các tiêu chí nhanh chóng, chính xác, giúp xây dựng bệnh viện thông minh theo đúng định hướng Bộ Y tế đang nhắm tới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là nên triển khai đồng loạt tập trung, hay đi theo từng vùng, từng bệnh viện.
Theo đó, một số chuyên gia CNTT chia sẻ kinh nghiệm thực tế đã quan sát được rằng, mặc dù ở một số nước có nền y tế rất hiện đại như Nhật Bản, Phần Lan, mặc dù công nghệ tương tựu PACS đã được triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa thực sự tiến tới PACS-CLOUD. 
Chuyên gia này nhận định, việc luân chuyển thông tin y khoa liên bệnh viện thường chỉ xảy ra ở mức độ nhất định, với những trường hợp đặc biệt cần chuyển khoa hoặc cần sự hội chẩn từ xa. Do đó, việc đẩy tất cả các dữ liệu hình ảnh y khoa lên đám mây là không thực sự cần thiết.
Vị chuyên gia này cũng cho biết kinh nghiệm quản lý dữ liệu phân tán theo từng bệnh viện cho thấy hiệu quả quản lý và bảo mật thông tin đang được thực hiện rất tốt. Đây là lý do đa số bệnh viện chưa hoặc chỉ áp dụng một phần PACS-CLOUD.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia quan tâm, đó là khả năng phản ứng của hệ thống trung tâm nếu thực sự triển khai tập trung. Làm một bài toán so sánh đơn giản, mỗi ngày bộ máy chủ ở cấp độ bệnh viện phải xử lý hàng trăm đến hàng ngàn luồng dữ liệu luân chuyển; đến cấp tỉnh hoặc thành phố, con số này sẽ lên hàng trăm lần và hàng ngàn lần ở cấp độ liên tỉnh, liên khu. Có nghĩa là hệ thống máy chủ liên tỉnh phải đảm bảo luân chuyển hàng triệu dữ liệu liên tục 24/7 không ngừng nghỉ mới có thể đáp ứng được nhu cầu tại các bệnh viện. Đây là một bài toán vô cùng khó, bởi mặc dù công nghệ đã rất phát triển, nhưng vẫn có rất nhiều nguy cơ và vấn đề không lường trước được. Và trong y khoa, việc chậm trễ có thể phải trả giá rất đắt. 
Kết luận, đa số chuyên gia tán đồng phương án triển khai PACS phân tán, theo từng bệnh viện và chỉ áp dụng liên kết một phần giữa các bệnh viện trong cùng khu vực. Như vậy có thể khai thác hiệu quả tài nguyên của nhiều bệnh viện cùng lúc, đồng thời hạn chế rủi ro.
Cũng trong nội dung hội thảo, các đại biểu và chuyên gia CNTT đã góp ý để hoàn thiện bộ tiêu chí CNTT để thực hiện hoạt động y tế từ xa. Theo đó, bộ tiêu chí dựa trên 5 mức độ, từ mức đơn giản nhất là tư vấn, khám bệnh qua điện thoại đến mức phức tạp nhất là tương tác đầy đủ (Full Interoperability). Với mức độ này, tất cả dữ liệu từ thiết bị y tế, dữ liệu từ thiết bị đeo trên người bệnh sẽ được truyền tới và phân tích tại phần mềm. 
Các tiêu chí cụ thể được xây dựng với 74 hạng mục chi tiết trên 4 nhóm cơ bản, bao gồm: nhóm hạ tầng kỹ thuật, nhóm phần mềm ứng dụng, nhóm an toàn thông tin và số điểm kết nối.
PACS (Picture Archiving and Communication Systems), hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh được phát triển nhằm cung cấp khả năng tuỷ xuất anh nhanh chóng và lưu trữ kinh tế nhất qua một hệ thống tích hợp duy nhất. PACS thay thế cách chụp ảnh y khoa truyền thống trên phim, cho phép lưu trũ ảnh y khoa trên hệ thống số và hiển thị kết quả trên các mành hình hiển thị. 
PACS-CLOUD: là bộ giải pháp áp dụng công nghệ PACS kết hợp công nghệ điện toán đám mây (CLOUD) với mục đích giúp lưu trữ và truyền thông tin hình ảnh y khoa đi nhanh, chính xác và chất lượng hơn giữa các bệnh viện mà không bị bó hẹp bởi không gian vật lý thông thường. 
Hà Thành