[In trang]
Áp dụng Nhóm huấn luyện TWI tạo nền tảng vững chắc cho nhà máy thông minh
Thứ bảy, 17/10/2020 - 07:18
Muốn xây dựng nhà máy thông minh, con người cần phải có trình độ về công nghệ, tự động hóa để dịch chuyển từ vai trò lao động thủ công sang điều khiển, kiểm soát.
Muốn xây dựng nhà máy thông minh, con người cần phải có trình độ về công nghệ, tự động hóa để dịch chuyển từ vai trò lao động thủ công sang điều khiển, kiểm soát.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đưa tự động hóa quy trình sản xuất lên một tầm cao mới bằng việc sử dụng công nghệ sản xuất hàng loạt linh hoạt và có khả năng tùy biến cao.
Điều này có nghĩa là, máy móc sẽ hoạt động một cách độc lập hoặc phối hợp với con người trong việc tạo nên lĩnh vực sản xuất hướng tới khách hàng - một lĩnh vực không ngừng phải vận hành để tự duy trì. Cũng trong Công nghiệp 4.0, máy móc sẽ trở thành một thực thể độc lập có khả năng thu thập dữ liệu, phân tích và tư vấn cho ngành sản xuất. Về vai trò của con người, người sản xuất sẽ giao tiếp với máy móc thay vì điều khiển nó. Sự khác biệt lớn nhất của cuộc Cách mạng này chính là việc kết nối thực tế giữa con người, máy móc và vật thể.
Nhà máy thông minh là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp khi tiếp cận sản xuất thông minh.
Lĩnh vực may mặc là ngành nghề cần nhiều lao động, chất lượng sản phẩm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và tay nghề của công nhân. Mặt hàng sản phẩm đa dạng, yêu cầu việc áp dụng phương pháp truyền đạt chỉ dẫn cho người công nhân đảm bảo nhanh hơn, hiệu quả hơn tránh tạo ra hàng lỗi.
Để nâng cao vị thế cạnh tranh, việc xây dựng nhà máy thông minh tại Việt Nam là điều kiện tất yếu cho mọi doanh nghiệp sản xuất. Sự hội tụ của sức mạnh tự động hóa, trí thông minh nhân tạo cũng như sự chuyển đổi mạnh mẽ về trình độ nhân sự là những điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của các nhà máy thông minh. Với mục tiêu xây dựng nhà máy thông minh, Công ty Cổ phần Dệt Gia dụng Phong Phú đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp trang thiết bị, máy móc tự động hóa cho nhà máy.
Công ty Cổ phần Dệt Gia dụng Phong Phú có nhà máy đặt tại tỉnh Ninh Thuận, đã thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 50 năm trong lĩnh vực may mặc với công suất 140.000 sản phẩm/ngày. Doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý như ISO 9000, ISO 14000 kết hợp cùng các công cụ cải tiến 5S, Lean đã và đang hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất nhiều.
Tuy nhiên, đối với nhà máy thông minh, trình độ nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Đây là một trong hai điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà máy thông minh tại Việt Nam. Muốn xây dựng nhà máy thông minh, con người cần phải có trình độ về công nghệ, tự động hóa, để đảm nhận những công việc phức tạp hơn. Con người sẽ dịch chuyển từ vai trò lao động thủ công sang điều khiển, kiểm soát và đưa ra quyết định. Muốn đảm nhận tốt vai trò này, con người cần phải biết tổng hợp, phân tích dữ liệu từ đó đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác nhất, giúp quy trình vận hành của nhà máy được tối ưu nhất.
Với những thuận lợi và thực trạng của doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Dệt Gia dụng Phong Phú đã được lựa chọn tham gia áp dụng công cụ mô hình nhóm huấn luyện (Training Within Industry - TWI) trong khuôn khổ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Trung tâm SMEDEC 2 chủ trì thực hiện.
Nhà máy tại Ninh Thuận của Công ty Cổ phần Dệt Gia dụng Phong Phú.
Qua 6 tháng triển khai dự án áp dụng Nhóm huấn luyện TWI tại Công ty Cổ phần Dệt Gia dụng Phong Phú với phạm vi tại phân xưởng se sợi, phân xưởng may và văn phòng đã đạt được các kết quả nhất định.
Kỹ năng Chỉ dẫn việc (JIT): giải quyết sự không đồng đều tay nghề, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tỷ lệ sai lỗi cao, mất nhiều thời gian để kiểm soát chất lượng và xử lý hàng lỗi tại mỗi công đoạn, quá khó để đào tạo nhân viên là cơ hội để áp dụng Kỹ năng chỉ dẫn việc để chuẩn hoá tay nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ sai lỗi. Từ đó, các công nhân lành nghề có thêm phương pháp để hướng dẫn cho công nhân mới.
Kỹ năng Cải tiến Phương pháp làm việc (JMT): Nhóm huấn luyện TWI của doanh nghiệp đã thực hiện cải tiến tại công đoạn sắp xếp và đóng gói cuộn se sợi. Kết quả sau cải tiến đã giảm từ 4 xuống còn 2 công nhân (1 công nhân đóng bao và 1 đóng gói) nhưng vẫn đảm bảo công suất đạt 4 tấn/ngày nhờ đầu tư thêm xe inox chứa sợi và giảm được 3,5 giờ/ngày (là thời gian sắp xếp cuộn sợi lên pallet). JMT không chỉ giải quyết được các vấn đề của doanh nghiệp và đưa ra cải tiến mà còn còn nâng cao được trình độ của đội ngũ quản lý cấp trung, đó là biết tổng hợp, phân tích dữ liệu từ đó đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác nhất, giúp quy trình vận hành của nhà máy được tối ưu.
Kỹ năng cải tiến quan hệ trong công việc (JRT): tỷ lệ công nhân nghỉ việc giảm so với cùng kỳ năm trước tại phân xưởng se sợi.
 
Với kết quả triển khai dự án, nhóm huấn luyện TWI đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Dệt Gia Dụng Phong Phú không những nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý cấp trung mà còn giải quyết được các vấn đề tại doanh nghiệp, đồng thời tạo sự đồng bộ hóa giữa máy móc và con người giúp việc xây dựng nhà máy thông minh được thuận lợi.
Theo: VietQ.vn