[In trang]
Tiêu chuẩn hóa: Công cụ cho mục tiêu kép phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Thứ ba, 20/10/2020 - 12:49
Trả lời phỏng vấn nhân Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10, TS Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN - cho biết, 750 tiêu chuẩn quốc gia hướng tới tăng trưởng xanh đang tạo cơ sở cho các doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất và kinh doanh.
Trả lời phỏng vấn nhân Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10, TS Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN - cho biết, 750 tiêu chuẩn quốc gia hướng tới tăng trưởng xanh đang tạo cơ sở cho các doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất và kinh doanh.
TS Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN. Ảnh: MH
Phóng viên: Được biết, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới ở Việt Nam năm nay có chủ đề “Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh”. Ông có thể giới thiệu về ý nghĩa và mục đích của sự kiện này?
TS Nguyễn Hoàng Linh: Với chủ đề “Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh”, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của các tiêu chuẩn trong việc vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Như chúng ta đã biết, khi nền kinh tế quá tập trung vào tăng trưởng sẽ dẫn đến những hệ quả nhất định về môi trường. Với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn “xanh”, các doanh nghiệp có thể có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên - nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính...
Xây dựng tiêu chuẩn là một công việc hệ trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia nhưng còn ít người còn biết đến nó. Bởi vậy, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới là dịp quan trọng để nhìn lại những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam, đồng thời vinh danh và tri ân các chuyên gia, nhà khoa học, ban kỹ thuật quốc gia, doanh nghiệp đã chung tay với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 14/10 hằng năm được ba tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới.
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa trong thời gian vừa qua cụ thể là gì, thưa ông?
Tôi có thể tự hào nói rằng, đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã bao phủ gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội: từ các tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa cụ thể; các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình sản xuất; các tiêu chuẩn cho quá trình canh tác, trồng trọt; các tiêu chuẩn cho các sản phẩm hữu cơ; đến các nhóm tiêu chuẩn phục vụ cho việc thúc đẩy, xây dựng các đô thị thông minh…
Tính đến thời điểm này, đã có tổng cộng gần 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Trong đó, tỉ lệ hài hòa của tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam so với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là gần 60%, theo đúng mục tiêu và tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn “xanh” có đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ bị “đội” lên không, thưa ông?
Việc áp dụng tiêu chuẩn bao giờ cũng đòi hỏi mất thêm chi phí để hiểu tiêu chuẩn đó rồi truyền đạt thông tin và áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, chi phí đó sẽ tạo ra giá trị gì cho doanh nghiệp về lâu dài mới là điều quan trọng.
Ở Việt Nam có thể chúng ta chưa nhìn nhận rõ giá trị này, nhưng ở các nước phát triển, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Bởi vậy, một công ty luôn có ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng các nguyên liệu tái tạo, hoặc giảm thiểu các chất thải tạo ra khí nhà kính,... chắc chắn sẽ có hình ảnh tốt hơn một công ty có sản phẩm chất lượng tương tự nhưng đi đến đâu lại gây ô nhiễm môi trường đến đấy. Đó là những hiệu quả lâu dài của việc áp dụng các tiêu chuẩn “xanh”.
Vậy các doanh nghiệp đã có những phản hồi như thế nào về các tiêu chuẩn “xanh”, thưa ông?
Không chỉ doanh nghiệp mà rất nhiều cá nhân và các đơn vị khác nhau đã quan tâm và phản hồi về các tiêu chuẩn xanh bởi nó có thể góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường đang xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước.
Đơn cử như tiêu chuẩn về tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện - một loại chất thải rắn đã tạo ra cuộc khủng hoảng về môi trường ở các khu vực phía Nam và đặt ra cho chúng ta bài toán: làm sao để xử lý loại chất thải ô nhiễm môi trường như vậy. Nhiều người đã nghĩ đến việc tận dụng nó làm nguyên liệu cho các quá trình sản xuất, thi công như làm nền đường, lót đường. Nhưng vấn đề là, để đưa vào sản xuất, thi công thì cần có các tiêu chuẩn để biết nguyên liệu này có đạt chất lượng hay không, nếu không thì không ai dám dùng cả vì bản chất nó vẫn là chất thải. Trước nhu cầu đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cùng Bộ Xây dựng và các ban kỹ thuật khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - nền tảng kỹ thuật cho việc biến chất thải tro xỉ thành vật liệu làm đường. Đây là vấn đề không chỉ khiến doanh nghiệp quan tâm mà ngay cả người dân, đại biểu quốc hội cũng rất chú ý, mong muốn làm sao có thêm các tiêu chuẩn giúp chúng ta xử lý các vấn đề khủng hoảng tương tự như vậy.
Gần đây, chúng tôi nhận thấy các phong trào về môi trường phát triển khá mạnh và nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng sử dụng các tiêu chuẩn “xanh”, trong đó có Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường - bộ tiêu chuẩn khá nổi tiếng trên thế giới và được phát triển rộng rãi ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế, Việt Nam chúng ta đã có gần 1.500 doanh nghiệp triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường này.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng tiêu chuẩn như một công cụ để cạnh tranh: sản phẩm của anh có thể tốt đấy, nhưng sản phẩm của tôi vừa tốt lại còn vừa thân thiện với môi trường và không sử dụng chất độc hại nữa cơ. Giờ đây, chúng ta có thể thấy các sản phẩm trên thị trường như máy giặt hay điều hòa thường gắn các nhãn tiết kiệm năng lượng để người tiêu dùng nhận diện. Việc xây dựng các tiêu chuẩn chính là nền tảng để phát triển các tem, nhãn đó, giúp xác định các sản phẩm có tiết kiệm điện hay không, tiết kiệm ở mức độ nào, nhờ đó người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm vừa tốt hơn lại vừa thân thiện với môi trường hơn.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng tiêu chuẩn "xanh" như một công cụ để cạnh tranh. Ảnh: daikin.com.vn
Về phía Nhà nước, đã có những chính sách nào nhằm hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận những tiêu chuẩn nói chung, trong đó bao gồm cả những tiêu chuẩn “xanh”, thưa ông?
Vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg, theo đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cả về tài chính và kỹ thuật trong việc nắm bắt các công cụ về năng suất, chất lượng và dễ tiếp cận hơn với các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Như trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã liên kết với tất cả các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cũng như các nước tiên tiến có các tiêu chuẩn về máy thở, các chi tiết của máy thở hay các găng tay, trang thiết bị bảo hộ y tế, và phổ biến miễn phí các tiêu chuẩn này cho các doanh nghiệp của chúng ta để họ kịp thời sản xuất các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Điển hình, Tổng cục đã cử một nhóm chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ cho Tập đoàn Vingroup xác định các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế phù hợp trong quá trình nghiên cứu, chế tạo sản xuất máy thở.
Ông có thể chia sẻ định hướng xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia sắp tới, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập khá nhiều hiệp định thương mại quốc tế?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét, rà soát các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và nâng tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế lên thêm một nấc nữa, phấn đấu đạt 70% vào năm 2030. Tuy nhiên, mức độ hài hòa này sẽ được cân đối, tính toán cũng như có một lộ trình phù hợp để làm sao vừa giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản quốc tế, vừa giữ được các lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
Đồng thời, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường bởi tiêu chuẩn “xanh” chính là lợi thế giúp cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài, ví dụ như rào cản đối với các sản phẩm có sử dụng chất gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến các nguyên liệu, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải; tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; các công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học… Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone…
Tôi cũng muốn nhấn mạnh một xu hướng gần đây, đó là thay vì nhà nước chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn thì chúng ta đang thúc đẩy việc xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chủ động đề xuất và xây dựng các tiêu chuẩn mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng