[In trang]
"Sống khỏe" cùng R&D
Thứ sáu, 27/11/2020 - 08:35
Việc tham gia hàng loạt FTAs buộc các doanh nghiệp (DN) Việt phải thay đổi, thích ứng thông qua đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây được coi là đòn bẩy nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Việc tham gia hàng loạt FTAs buộc các doanh nghiệp (DN) Việt phải thay đổi, thích ứng thông qua đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây được coi là đòn bẩy nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Theo TS. Trần Du Lịch, xét trên phương diện quốc gia, một nền kinh tế độc lập tự chủ phải làm chủ được khoa học - công nghệ, làm chủ nghiên cứu phát triển, kể cả việc nhập khẩu công nghệ và phát triển nó. Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi kinh tế gia công và hội nhập hiệu quả.
Đầu tư cho R&D đem lại hiệu quả thiết thực
Lý giải cụ thể, TS. Trần Du Lịch cho biết, khi đầu tư cho R&D, DN sẽ có nhiều lợi thế như có sản phẩm độc lập không chịu gia công và tăng được năng suất lao động, giúp sản phẩm tăng sức cạnh tranh hơn. Hiện ở Việt Nam một số DN có đầu tư mạnh R&D có thể kể tới như: Thaco, Vingroup và một số DN trong ngành dệt may, da giày, nông nghiệp…
Thực tế cũng cho thấy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, những DN nhỏ, thiếu sự đầu tư cho công nghệ đã không kịp trở tay trước sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là ngành dệt may, tới hiện tại rất nhiều DN vẫn đang trong trạng thái thiếu hụt đơn hàng, đối tác hoãn/hủy hợp đồng, nhà máy phải ngưng hoạt động. Song với DN có sự đầu tư R&D từ những năm trước đã kịp thời chuyển hướng và "sống khỏe".
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) - cho biết, kết thúc tháng 9/2020, trong khi nhiều DN cùng ngành còn đang "loay hoay" tìm lối thoát thì VitaJean ghi nhận doanh thu cả nội địa và xuất khẩu xấp xỉ năm 2019. Đặc biệt, VitaJean còn chốt xong các đơn hàng đến năm 2021. Có được kết quả này, ngay khi bùng phát dịch Covid1-19, VitaJean đã chuyển qua may khẩu trang vải kháng khuẩn để xuất khẩu qua châu Âu, châu Mỹ. Ở mảng nội địa VitaJean đã đẩy mạnh bán online với nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại để thu hút người tiêu dùng.
Giống như VitaJean, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - chia sẻ: Dù là công ty nông nghiệp nhưng Phúc Sinh vẫn mạnh tay đầu tư cho công nghệ bằng việc ra mắt app bán hàng trên di động để tiếp cận nội địa và đưa ra thị trường những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng thế giới. "Các nước châu Âu, châu Mỹ không trồng được tiêu và họ chỉ có tiêu sấy khô, sấy ướt. Do đó, Phúc Sinh đã nghiên cứu tạo riêng biệt ra mắt sản phẩm tiêu sấy lạnh, giúp giá bán tăng gấp 6 lần so với bình thường và đơn hàng vẫn đều đặn xuất khẩu dù dịch chưa được kiểm soát. Ở nội địa, nhờ đột phá từ kênh bán hàng online doanh thu công ty đã tăng 200% so với thời điểm trước dịch" - ông Thông chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, những DN làm được như vậy chưa thực sự chiếm tỷ lệ cao và chúng ta cần có cơ chế để thúc đẩy ngày một nhiều hơn các thành phần kinh tế tham gia vào hình thức này. Bởi lẽ những năm tới, nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn thì sự thanh lọc sẽ càng nghiệt ngã hơn, sẽ không có đất cho những DN có năng suất thấp, chất lượng kém…
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ phải có chính sách liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với DN trong vấn đề chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Ràng buộc các nghiên cứu ứng dụng phải có sản phẩm, có ứng dụng mới được hỗ trợ.
TS. Trần Du Lịch: Nếu chúng ta muốn khai thác lợi thế của những FTA thì DN trong nước, đặc biệt là DN vừa và nhỏ phải vào được chuỗi giá trị qua đầu tư công nghệ. Thậm chí những DN không tham gia xuất khẩu, chỉ làm nội địa cũng phải thay đổi mới tồn tại được.
Theo: Báo Công Thương