[In trang]
Tăng đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm
Thứ ba, 28/10/2014 - 10:26
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, các phòng thí nghiệm trọng điể đã thực sự góp phần nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu, đào tạo cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học trong nước.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, các phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) đã thực sự góp phần nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu, đào tạo cho các tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN), các trường đại học trong nước. Đây được coi như các trung tâm xuất sắc (Center of excellent) do Nhà nước đầu tư để giải quyết các nhiệm vụ KHCN, giúp triển khai thành công Chiến lược phát triển KHCN quốc gia.

Tăng đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm

Việc thành lập các PTNTĐ giúp hình thành các hướng nghiên cứu mũi nhọn

Đầu tư gần 1.000 tỷ đồng

Báo cáo gần đây của Bộ KHCN cho thấy, hiện cả nước có 16 PTNTĐ đã được hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư thực tế đạt trên 950 tỷ đồng, đặt tại 13 viện nghiên cứu, 3 trường đại học thuộc 8 Bộ, ngành và 1 tổng công ty, tập trung trong 7 lĩnh vực gồm công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, cơ khí - tự động hóa, hóa dầu, năng lượng, hạ tầng.

Ước tính, mỗi PTNTĐ ở nước ta được đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, tương đương với 3,1 triệu USD.Đồng thời, mỗi năm các PTNTĐ đều nhận khoản đầu tư trên dưới 1 tỷ đồng cho hoạt động chi thường xuyên. Nếu so với mức đầu tư ở những nước tiên tiến, đó là con số rất khiêm tốn, nhưng với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay là cả một sự cố gắng lớn.

Các PTNTĐ đang thực hiện chức năng: Góp phần hỗ trợ tích cực các cơ quan chủ trì các nhiệm vụ KHCN, các tổ chức KHCN, các trường đại học… thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu, đào tạo và dịch vụ KHCN. Đặc biệt, với trang thiết bị hiện đại, các PTNTĐ đã giúp cho các nhà khoa học trong nước có thể đặt ra và giải quyết những nhiệm vụ nghiên cứu tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, hoặc những nhiệm vụ mà trước đây phải đưa ra nước ngoài thực hiện thì nay đã có thể tiến hành ở trong nước, đồng thời cũng tạo điều kiện để hợp tác với các phòng thí nghiệm, các tổ chức khoa học và các nhà khoa học nước ngoài.

Cụ thể, các PTNTĐ đã hoàn thành 502 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, cấp Bộ; hợp tác, trao đổi trong nghiên cứu và đào tạo với hàng chục tổ chức KHCN và phòng thí nghiệm hiện đại ở các nước tiên tiến trên thế giới; công bố quốc tế và trong nước hàng ngàn công trình khoa học; đăng ký hàng trăm sáng chế và giải pháp hữu ích; đào tạo và tham gia đào tạo 279 tiến sĩ, 689 thạc sĩ và phục vụ hàng nghìn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp; đồng thời thực hiện hơn 221 hợp đồng dịch vụ, chuyển giao công nghệ. Đây cũng là nơi thu hút được 726 nhà khoa học có trình độ cao đến làm việc.

Tăng thêm nguồn vốn

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh khẳng định, chủ trương xây dựng hệ thống PTNTĐ theo tinh thần Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án xây dựng các PTNTĐ là đúng đắn, cho phép tập trung đầu tư vào những hướng nghiên cứu mũi nhọn có tính chiến lược mà khó có thể thực hiện nếu dàn trải trong các phòng thí nghiệm nhỏ bé. Do vậy, Bộ KHCN sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư nâng cao hoạt động của các PTNTĐ trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ nhiều hơn cho các PTNTĐ theo hướng nghiên cứu cơ bản, nơi có rất ít nguồn thu, để các PTNTĐ này có cơ hội phát triển và ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào thực tế. Chẳng hạn, trường hợp PTNTĐ Enzym và protein (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) mặc dù đã làm chủ một số công nghệ về protein - enzym hiện đại như phân tích, nhận dạng, phát hiện các đột biến gene gây bệnh, các kỹ nghệ gene để tạo protein - enzym tái tổ hợp,nhưng lại chưa đủ điều kiện trang thiết bị để đi sâu nghiên cứu tương quan giữa cấu trúc, chức năng của protein enzym.

Không phải chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, một số PTNTĐ đã chủ động tìm kiếm nguồn thu qua các sản phẩm nghiên cứu, góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh phí đầu tư. Điển hình làPTNTĐ Công nghệ lọc, hóa dầu đã trực tiếp tạo ra hoặc thu hút được những nguồn lợi kinh tế cao gấp nhiều lần so với số tiền được đầu tư ban đầu, trên cơ sở hợp tác với Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc và hàng chục doanh nghiệp Việt Nam để hoàn thiện, làm chủ nhiều công nghệ, có thể kể đến việc sản xuất dầu diesel sinh học gốc (B100) từ nguồn dầu mỡ thực vật Việt Nam bằng xúc tác dị thể trên hệ dây chuyền pilot công suất 200 tấn/năm và diesel sinh học (B5) trên dây chuyền công suất 4.000 tấn/năm, hướng tới quy mô công nghiệp 30.000 tấn/năm; sản xuất dung môi sinh học (đã đăng ký bản quyền ở châu Âu, Mỹ, Brazil và Việt Nam)…


Theo VEN