[In trang]
Dùng phương pháp test nhanh để kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các chợ
Thứ tư, 02/12/2020 - 17:39
Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, đơn vị sẽ sử dụng phương pháp test nhanh để kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, đơn vị sẽ sử dụng phương pháp test nhanh để kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM, hoạt động này nhằm tăng cường công tác giám sát an toàn, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM sẽ thực hiện test nhanh trên các nhóm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm được sơ chế, đóng gói, kinh doanh tại các cơ sở kinh doanh thuộc kênh phân phối truyền thống. Đơn vị này tập trung sử dụng kit kiểm tra nhanh như: Kit kiểm tra nhanh hàn the trên thịt, cá tươi và các sản phẩm chế biến từ giò chả, bánh cuốn; kit kiểm tra nhanh focmon trên hải sản sống, thịt cá tươi, bánh phở, bún; kit kiểm tra nhanh phẩm màu bánh, kẹo, mứt và nước giải khát; kit kiểm tra nhanh methanol trên rượu trắng và rượu không sử dụng các chất phụ gia có nồng độ.
Ảnh minh họa 
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, trong trường hợp mẫu có kết quả kiểm tra nhanh không đạt thì sẽ thông báo cho Ban quản lý tại các chợ và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm để chấn chỉnh khắc phục kịp thời, sau đó tiếp tục thực hiện lấy mẫu tại cơ sở sản xuất gửi phòng kiểm nghiệm (khi cần thiết) đồng thời thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn thực để truy xuất nguồn gốc xử lý (nếu có vi phạm).
Ban quản lý An toàn thực phẩm cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn xử lý nghiêm, đồng thời công khai thông tin các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thông báo bằng văn bản kết quả giám sát đến cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành được phân công quản lý an toàn thực phẩm tại công đoạn sản xuất, kinh doanh thực phẩm có mẫu kiểm tra, giám sát không đạt để có biện pháp kiểm soát phù hợp.
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM từ cuối năm 2016 đến tháng 9/2020, Ban đã tiến hành kiểm tra 17.979 cơ sở, phát hiện 2.022 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 2.007 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm với số tiền phạt hơn 27 tỉ đồng; trong đó có 17 biên bản (gần 1 tỉ đồng) chưa nộp phạt.
Theo: VietQ.vn