[In trang]
Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
Thứ bảy, 08/11/2014 - 14:48
Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò cấp thiết của SXSH trong công nghiệp, ngày 07/9/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020".

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò cấp thiết của SXSH trong công nghiệp, ngày 07/9/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020".

Quyết định này đã nêu ra những chỉ tiêu, lộ trình cụ thể và những dự án mà các Bộ, ngành địa phương cần phải làm để thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; Giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.
 
 
Sản xuất kẹo dừa sạch tại Công ty Vĩnh Tiến
 
Mục tiêu của chiến lược đặt ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 là 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 5 đến 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 70% các sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH trong công nghiệp.

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, mục tiêu của chiến lược là đưa 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 8 đến 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu/đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 90% doanh nghiệp vừa và lớn sẽ có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn. Cũng trong giai đoạn này, mục tiêu của Chiến lược là 90% các sở công thương sẽ có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, Bộ Công Thương đã thành lập ngay Ban điều hành, Văn phòng giúp việc và khởi động xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí, xây dựng khung các đề án.

Trong năm 2010, với sự hỗ trợ của Văn phòng giúp việc Chiến lược, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai nội dung của 5 đề án và đã bố trí nguồn kinh phí để thực hiện đó là: 
  • Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp;
  • Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về SXSH trong công nghiệp;
  • Hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp;
  • Hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp; và
  • Hoàn thiện các cơ chế chính sách về tài chính thúc đẩy áp dụng SXSH trong công nghiệp.

Để chiến lược đạt được những kết quả tốt nhất, Bộ Công Thương và Hợp phần SXSH trong công nghiệp sẽ hỗ trợ cho các địa phương dưới các hình thức như sau: tổ chức đào tạo cho các cán bộ của Sở và Trung tâm khuyến công về SXSH theo nhu cầu; Hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để xây dựng kế hoạch hướng dẫn về SXSH cho các cơ sở công nghiệp trên địa bàn cũng như đề án thành lập các đơn vị hỗ trợ SXSH tại các Trung tâm khuyến công. 

Đặc biệt, đối với công tác truyền thông, các địa phương sẽ được hỗ trợ kinh phí để in tờ rơi, làm phim, tổ chức các hội thảo cũng như các khoá đào tạo về SXSH cho các cơ sở công nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, các Trung tâm khuyến công cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí để tổ chức đánh giá SXSH cho các cơ sở công nghiệp.

Bên cạnh những nội dung đó thì hàng năm Bộ Công Thương tổ chức đăng ký kinh phí thực hiện các đề án Chiến lược SXSH tại Bộ Tài chính và sẽ nhận đăng ký của các Sở và Trung tâm khuyến công để văn phòng giúp việc của ban điều hành chiến lược có kế hoạch xây dựng cơ chế hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật.

Tại Hội thảo “Hiệu quả tài nguyên và SXSH - RECP” do Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam phối hợp với Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững vừa tổ chức ở Hà Nội mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, SXSH bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.

Theo tính toán, đến năm 2030, năng lượng tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 44% so với năm 2006, 90% nguồn tài nguyên trở thành chất thải ngay sau khi được khai thác. Nghiên cứu của các nhà khoa học khiến không ít người phải giật mình: 1 tuýp kem đánh răng tạo ra 1,5kg chất thải, 1 chiếc điện thoại di động tạo ra 75 kg chất thải. Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm SXSH Việt Nam, cho biết tiềm năng tiết kiệm nhiên liệu trong công nghiệp và dịch vụ là rất lớn. Cụ thể với các ngành sản xuất như bia là 30%, bột giấy và giấy 25%, dệt 39%, cao su 22%, hóa chất 30%, hoàn tất kim khí 25%... Với các ngành dịch vụ, tiềm năng tiết kiệm nhiên liệu còn lớn hơn nhiều, với khách sạn là 41%, nhà hàng 30% và bệnh viện là 37%.

Dân số tăng nhanh với sức ép về phát triển kinh tế, sự cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái và mất đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường - biến đổi khí hậu, tất cả các yếu tố đó đặt ra yêu cầu đối với DN cần sử dụng hiệu quả tài nguyên và SXSH.

Theo Báo Cung Cầu