[In trang]
‘Make in Viet Nam’ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Thứ tư, 23/12/2020 - 16:42
Các sản phẩm công nghệ 'Make in Viet Nam' không chỉ giải quyết bài toán trong nước mà còn có những đóng góp quan trọng trong cuộc chuyển đổi số toàn cầu.
Các sản phẩm công nghệ 'Make in Viet Nam' không chỉ giải quyết bài toán trong nước mà còn có những đóng góp quan trọng trong cuộc chuyển đổi số toàn cầu.
Ngày 19/8/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát động giải thưởng quốc gia "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam". Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, Phan Tâm, "đây là giải thưởng được triển khai trong một chiến lược quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam"
Ngay từ đầu, "Make in Việt Nam" đã khiến nhiều người tò mò xen lẫn hoài nghi. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cụm từ này đã trở thành định hướng phát triển của các công ty công nghệ trong nước. Các sản phẩm "Make in Viet Nam" không chỉ giải quyết bài toán trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới, thúc đẩy cuộc chuyển đổi số toàn cầu và đóng góp nhiều nghiên cứu quan trọng vào kho trí thức nhân loại.

"Make in Viet Nam" lần đầu được sử dụng rộng rãi vào tháng 1/2019 trong một triển lãm công nghệ, được tổ chức bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: TTXVN.
Nếu không có "Make in Viet Nam"
Khác với cụm từ "Made in Vietnam" quen thuộc, "Make in Viet Nam" thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sáng tạo, thiết kế một cách chủ động. "Nếu không ‘Make in Viet Nam’, chúng ta sẽ không thể ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và khó để có thể trở thành một nước phát triển", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng TT&TT khẳng định.
Chiến lược quốc gia "Make in Viet Nam" ra đời không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số mà còn đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong kỷ nguyên số là an toàn, an ninh mạng. Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của mỗi người. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng năng lực bảo đảm an toàn thông tin của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái an toàn thông tin do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Đặc biệt, hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng cho Việt Nam phải là "Make in Viet Nam".
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, "Chỉ đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Rất ít nước trên thế giới làm được điều này. Đây là tự hào của Việt Nam".
Lợi thế của "Make in Viet Nam"
"Thị trường 100 triệu dân trong nước là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam bởi không ai hiểu người Việt, nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số cần chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân này", bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Một lợi thế khác của "Make in Viet Nam" là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã từng thiết kế thuê module hay các sản phẩm trọn vẹn, từ đó có thể nhanh chóng chuyển đổi từ gia công sang sản xuất và làm chủ công nghệ.
Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Nhân tài có đặc tính là toàn cầu. Lãnh đạo Việt Nam khẳng định sẽ tạo điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox. "Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn. Những ‘đặc khu công nghệ’, ‘đặc khu đổi mới sáng tạo’ với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ có thể được chính phủ xem xét", ông Hùng thông tin.
Một trụ cột khác của "Make in Viet Nam" là các doanh nghiệp lớn trong nước tuyên bố chiến lược mới về một tập đoàn công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ, như Viettel, Vingroup, VNPT, VNG, FPT... Các doanh nghiệp này đã có những thành công nhất định trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bất động sản, tài chính với quy mô thị trường lớn, có nguồn lực tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp và định hướng phát triển nghệ nghệ.
"Make in Viet Nam" trong cuộc chơi toàn cầu
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, "Make in Viet Nam" cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. "Ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại. ‘Make in Viet Nam’ không chỉ giúp đất nước thịnh vượng mà còn góp phần kiến tạo hoà bình lâu dài, góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ lớn đều có mảng công nghiệp quốc phòng", người đứng đầu Bộ TT&TT nhận định.
Những sản phẩm "Make in Viet Nam" như nền tảng chuyển đổi số akaBot của FTP Software không chỉ giúp các doanh nghiệp trong nước vượt qua ảnh hưởng của của Covid-19 mà còn xuất khẩu thành công ra nước ngoài, được các tổ chức uy tín thế giới tín nhiệm. Những lô hàng camera AI do Bkav nghiên cứu, sản xuất ở Việt Nam đã xuất khẩu đi Mỹ và dự kiến được triển khai trong hàng loạt dự án giám sát an ninh tại Phần Lan, Ấn Độ, Malaysia...
"Make in Viet Nam" không chỉ giải quyết các bài toán của doanh nghiệp mà còn có các dự án giáo dục nhằm thu hẹp khoảng cách số, đóng góp vào kho trí thức chung của nhân loại với hai nghiên cứu khoa học được công bố tại NeurIPS - hội nghị được xem là "Oscar" trong lĩnh vực AI.
Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực, các sản phẩm Việt có khả năng giải quyết bài toán của người Việt thì cũng hoàn toàn có khả năng cung cấp cho thị trường quốc tế. Ông Liêm cho rằng trong các lĩnh vực công nghệp, Việt Nam có thể có khoảng cách khá xa với thế giới nhưng trong nền "công nghiệp trí tuệ", Việt Nam gần như xuất phát cùng các nước khác và đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt. "Ra nước ngoài lúc này, các doanh nghiệp Việt sẽ cùng nhịp bước với nước ngoài. Việc này cũng thể hiện sự dấn thân, khát vọng và sự tự tin của các doanh nghiệp đó", ông Trực nói.
Để vinh danh những sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam" trong năm 2020. Ngày 23/12, Bộ TT&TT và VCCI sẽ công bố, trao giải thưởng ở năm hạng mục: Nền tảng số xuất sắc, Sản phẩm số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số và Sản phẩm số tiềm năng. Từ 239 đơn đăng ký, hội đồng chấm giải sẽ chọn ra 50 sản phẩm vào Top 10 ở mỗi hàng mục, sau đó chọn ra 15 sản phẩm xuất sắc nhất cho các vị trí Nhất, Nhì, Ba.
Theo Báo VnExpress