[In trang]
TKV quyết liệt triển khai nhiều giải pháp xử lý môi trường
Thứ hai, 11/01/2021 - 07:38
Được biết, mỗi năm, TKV chi trung bình gần 1.000 tỷ đ/năm (chưa tính thuế, phí môi trường) cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó chi cho công tác cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện bảo vệ môi trường bãi thải chiếm khoảng 20 - 25%.
Theo ước tính, mỗi năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) bóc xúc, đổ thải hàng trăm triệu m3 đất đá tại các mỏ. Điều đáng nói, lượng đất đá đổ thải này ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ khai thác xuống sâu, phải mở rộng và tăng hệ số bóc xúc. Do đó, ban lãnh đạo TKV luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường bãi thãi  song song với phát triển khai thác, sản xuất, kinh doanh than. 
Với định hướng phát triển bền vững và mục tiêu sản xuất ngày càng “sạch" hơn, TKV đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình đổ thải. Theo đó, TKV đã thực hiện chuyển từ đổ thải cao sang đổ thải theo tầng với chiều cao tầng 30 - 50m theo đúng quy chuẩn, quy hoạch, thiết kế được duyệt nhằm ngăn ngừa nguy cơ sạt lở bãi thải; đồng thời xây dựng đê đập chắn đất đá chân bãi thải theo đúng quy hoạch với tổng số 15 đập và 7.200m đê. Đến nay, các bãi thải có đủ đê đập ngăn đất đá trôi lấp.
Hệ thống phun sương dập bụi quạt cao áp tại bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn)
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả chống bụi trong quá trình đổ thải, TKV còn đầu tư 62 máy phun sương dập bụi cao áp, bổ sung xe tưới đường mỏ chuyên dùng (Công ty CP Than Cao Sơn), lắp đặt hệ thống cấp nước chống bụi đến các bãi thải (Đông Cao Sơn, Nam Khe Tam - Đông Khe Sim, Bàng Nâu) cùng với bổ sung thêm máy phun sương dập bụi cao áp tại đỉnh và chân bãi thải, tăng cường tưới nước làm ướt đất đá tại đầu băng tải để giảm thiểu khả năng phát sinh bụi...
Đặc biệt, để đạt hiệu quả bảo vệ môi trường tại các bãi thải tại TKV phải kể đến giải pháp quy hoạch, bố trí trình tự đổ thải hợp lý, tăng cường đổ thải các bãi thải trong, giảm dần đổ thải tại các bãi thải ngoài để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến dân cư, đô thị. Cùng với đó, xây dựng phương án bảo vệ môi trường tổng thể, đặc thù cho khu vực đổ thải bằng băng tải (bãi thải Bàng Nâu) với các giải pháp như đẩy nhanh đổ thải các tầng dưới để giảm chiều cao đổ thải bằng băng tải, ưu tiên đổ vành đai bám sát biên giới bãi thải để sớm trồng cây tạo vành đai ngăn bụi và cải thiện cảnh quan; xây dựng đập chắn đất đá và hệ thống thoát nước chân bãi thải ngăn ngừa bồi lấp, ngập lụt; ưu tiên đổ thải các tầng dưới thấp, các khu vực đổ thải trong khi điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt để giảm thiểu bụi ảnh hưởng đến môi trường, dân cư.
Xe tưới đường mỏ chuyên dụng
Có thể nói, với việc chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình đổ thải của TKV đã giúp giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình đổ thải đất đá tại các bãi thải đến môi trường và dân cư, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường cảnh quan chung. Trong thời gian tới, ban lãnh đạo TKV sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường các giải pháp chống bụi, phòng ngừa sạt lở, hạn chế trôi lấp đất đá, trồng cây phủ xanh để khắc phục ảnh hưởng của việc đổ thải đất đá đến môi trường.
Đức Toàn t/h