[In trang]
Hàng giả, hàng nhái lại hoành hành thị trường dịp cuối năm
Thứ ba, 12/01/2021 - 16:43
Càng gần cuối năm thì lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết càng tăng cao. Kéo theo đó là nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường, đe dọa quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp chân chính.
Càng gần cuối năm thì lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết càng tăng cao. Kéo theo đó là nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường, đe dọa quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp chân chính.

Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc là vấn đề bức xúc của xã hội từ bấy lâu nay. Bất cứ ngành nghề, mặt hàng nào cũng có thể làm giả, từ mỹ phẩm, dược phẩm đến hàng điện tử, gia dụng, hàng công nghệ cao, thức ăn chăn nuôi… Hàng giả, hàng nhái có mặt khắp nơi từ vỉa hè đến các khu chợ, các cửa hàng kinh doanh. Các sản phẩm mang thương hiệu lớn như: Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton... được bày bán tràn lan từ ngoài chợ đến các cửa hàng, các trang mua bán trực tuyến, với giá bán chỉ bằng 5 - 10% so với giá hàng chính hãng.

Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc là vấn đề bức xúc của xã hội từ bấy lâu nay
Ngoài việc làm giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các nhãn hàng sản xuất trong nước, thương hiệu nội địa, nhất là tình trạng hàng hóa được làm nhái với tên gọi na ná sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn như bột giặt OMO được nhái thành bột giặt OMON, trà xanh C2 nhái thành trà xanh E2... với bao bì, mẫu mã giống hệt sản phẩm chính hãng nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
 
Ngày 23/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 26 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hà Nội đã triệt phá cơ sở sang chiết, giả mạo xuất xứ rượu nước ngoài tại phường Phúc La, quận Hà Đông do Tạ Tiền Mỹ làm chủ. Chủ cơ sở khai nhận, dùng rượu Black Lào để chiết sang các bình rượu hình linh vật khác nhau bởi đây đang là mặt hàng được nhiều người tìm mua trong dịp Tết.
 
Theo Cục phó Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức: Để tiêu thụ hàng giả, hàng hết date, các đối tượng thường lợi dụng tâm lý người tiêu dùng yên tâm khi mua hàng xách tay, đồ nhập khẩu qua tài khoản Facebook, Zalo cá nhân và kênh bán hàng online nên ít bị phát hiện và xử lý. “Hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, giá một gói bánh quy yến mạch Torku vào khoảng từ 55.000 - 60.000 đồng”- ông Đức nêu ví dụ.
 
Được biết, hoạt động buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các tháng giáp Tết. Các đối tượng luôn tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi hơn, vì vậy đòi hỏi lực lượng chức năng tích cực vào cuộc ngăn chặn.
 
Phó Chủ tịch Hội chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục nêu rõ, nhiều người biết là hàng giả nhưng vẫn dùng, hay nhiều DN biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng lại ngại đấu tranh.
 
Các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện đầy rẫy ở khắp nơi cũng như có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường gây thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng. Để góp phần hạn chế tình trạng hàng nhái, hàng giả, song song với việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên tự bảo vệ quyền lợi chính mình bằng cách cảnh giác và tẩy chay các mặt hàng "dỏm", đồng thời tố giác với lực lượng chức năng.
Quỳnh Hoa t/h