[In trang]
Mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong ngành dệt may
Thứ tư, 20/01/2021 - 20:13
Ngày 14/1/2021, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức buổi nghiệm thu cấp cơ sở đề tài: “Nghiên cứu mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong ngành dệt may và khả năng ứng dụng trong các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam”. Đề tài do ThS. Nguyễn Thị Trà Giang - Phòng Nghiên cứu phát triển Thương mại làm chủ nhiệm.
Ngày 14/1/2021, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức buổi nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong ngành dệt may và khả năng ứng dụng trong các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam”. Đề tài do ThS. Nguyễn Thị Trà Giang - Phòng Nghiên cứu phát triển Thương mại làm chủ nhiệm.
Buổi nghiệm thu cấp cơ sở có sự tham gia của TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Chủ tịch hội đồng; TS. Vũ Thị Lộc - Bộ Công Thương - Uỷ viên phản biện 1; TS. Phạm Văn Kiệm - Đại học Thương mại - Uỷ viên phản biện 2; TS. Đinh Lê Hải Hà - Đại học Kinh tế Quốc dân - Uỷ viên; TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Thư ký hội đồng.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
ThS. Nguyễn Thị Trà Giang - Chủ nhiệm đề tài đã thay mặt nhóm nghiên cứu, trình bày tóm tắt về kết quả nghiên cứu và một số nội dung cơ bản của đề tài. ThS. Giang cho biết: “Ngành dệt may đóng góp gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tạo việc làm cho gần 1,7 triệu lao động, chiếm gần 20% tổng lao động công nghiệp. Tuy nhiên, ngành dệt may lại gặp một số hạn chế về tổ chức chuỗi cung ứng, như tỷ lệ nội địa hoá thấp, nhập khẩu 70% nhu cầu vải nguyên liệu, doanh nghiệp chỉ thực hiện gia công. Do ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0, xung đột thương mại, dịch bệnh Covid đặt ra nhiều thách thức quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.” Chính từ đó, việc làm cấp thiết là cần kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến.
Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn một số hạn chế trong việc xây dựng mô hình chuỗi cung ứng phục vụ xuất khẩu như chưa xây dựng được chiến lược riêng về quản trị chuỗi cung ứng mà chỉ coi đó là một hoạt động kinh doanh phục vụ mục tiêu chiến lược chung của doanh nghiệp. Thực tế là quá trình quản trị chuỗi cung ứng luôn đi sau sản xuất mà không được thiết kế để đón đầu xu thế mới. Các doanh nghiệp dệt may Việt khó chủ động được các nguồn nguyên liệu đầu vào, quản lý phân phối, quan hệ khách hàng cùng gặp nhiều vướng mắc.
Cũng tại buổi nghiệm thu, TS. Vũ Thị Lộc - Ủy viên phản biện 1 nhận xét: “Đề tài đã nghiên cứu cơ sở lý luận về quản trị chuỗi cung ứng trong ngành dệt may, đã làm rõ được các khái niệm, mô hình quản trị chuỗi cung ứng.” Qua báo cáo có thể thấy nhóm nghiên cứu đề tài đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm quản trị chuỗi cung ứng trong ngành dệt may thế giới, đặc biệt chú trọng nghiên cứu mô hình của một số thương hiệu nổi tiếng thế giới như  H&M, Zara, UniQlo, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, đề tài cũng cần phải bổ sung tổng quan tình hình trong nước và quốc tế liên quan đến chủ đề nghiên cứu để có thể tìm ra khoảng trống nghiên cứu, nêu bật được tính thiết yếu của nhiệm vụ.
Hội đồng đánh giá rằng nhiệm vụ đã đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu, đánh giá cao những nỗ lực và tinh thần nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đề tài. Toàn thể hội đồng nhất trí nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ trên và đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài ghi nhận, chỉnh sửa và bổ sung để nhanh chóng hoàn thiện đề tài, đảm bảo nghiệm thu cấp Bộ theo đúng tiến độ.
Thu Trang t/h