[In trang]
Ưu tiên, tạo cơ chế đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học
Chủ nhật, 24/01/2021 - 08:41
Đây là một trong 5 nhóm vấn đề mà Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Khoa học - Công nghệ thống nhất phối hợp thực hiện trong thời gian tới.

Chiều 19/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Huỳnh Thành Đạt chủ trì buổi làm việc về chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT và Bộ KHCN.

Bài công bố ISI tăng 50,3% so với năm 2019

Báo cáo về chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GDĐT, Bộ KHCN giai đoạn 2017-2025, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) Tạ Ngọc Đôn cho biết, chương trình phối hợp đã được triển khai tích cực, tạo chuyển biến tốt cho hoạt động KHCN, góp phần thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và góp phần nâng cao thứ hạng, vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 17.028 bài báo đăng tạp chí thuộc danh mục Scopus, trong đó toàn hệ thống giáo dục đại học có 16.346 bài.

Năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GDĐT có 3.627 bài công bố ISI năm (tăng 50,3% so với năm 2019). Tiềm lực cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GDĐT rất lớn, dư địa phát triển còn rất nhiều.

Với kết quả thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán, thứ hạng ngành Toán học Việt Nam đã tăng từ 53 (2010) lên 32 (2018). Công bố ISI ngành Toán đứng đầu ASEAN cả về số lượng và tỷ lệ trích dẫn. Chương trình Vật lý cũng đạt được kết quả quan trọng khi đã tăng hạng từ 60 (năm 2014) lên 52 (năm 2017).

Giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có các cơ sở giáo dục đại học lọt top các trường tốt nhất khu vực và thế giới. Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cùng 1.527 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới và hàng đầu châu Á. Tổ chức giáo dục QS công bố Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cùng 634 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á…

Triển khai Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã có 49 nhiệm vụ, trong đó 34 nhiệm vụ tập trung xây dựng chính sách đổi mới GDĐT. Tiêu biểu, đã xây dựng thành công 2 kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng; 2 Luật (Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học); 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 19 Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; 22 Thông tư và Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác.

Tạo đột phá trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc 2 Bộ đã có những trao đổi, đề xuất để hoạt động phối hợp ngày càng hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tạo đột phá trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học;

Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và triển khai các chương trình nghiên cứu liên ngành của các nhóm nghiên cứu mạnh; rà soát, sắp xếp lại mạng lưới tạp chí khoa học trong nước, đầu tư xây dựng một số tạp chí có chất lượng cao gia nhập hệ thống trích dẫn ISI/Scopus; ưu tiên kinh phí cho năm 2021 để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia.

Đề cập đến nhiệm vụ rà soát, xây dựng cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ nút thắt cho các trường đại học trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra 5 nhóm vấn đề cần tăng cường phối hợp giữa Bộ GDĐT và Bộ KHCN trong năm 2021 và giai đoạn 5 năm tới.

Cụ thể: tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; tạo cơ chế đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống tạp chí khoa học trong các trường đại học; kết hợp triển khai Đề án 2395 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Thống nhất với 5 nội dung Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn, Bộ GDĐT sẽ hỗ trợ Bộ KHCN trong nhiệm vụ xây dựng Chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2030 và xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo. Đồng thời, quan tâm xem xét hỗ trợ Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo được đào tạo sau đại học.

Theo Báo Dân trí