[In trang]
Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là chìa khóa vượt “bão kép”
Thứ tư, 24/02/2021 - 09:49
Năm 2020, trong bối cảnh liên tiếp chịu khủng hoảng do nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu và giá dầu sụt giảm kỷ lục bởi dịch Covid-19, việc triển khai các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được xem là giải pháp trọng tâm giúp BSR vượt qua khó khăn.
Năm 2020, trong bối cảnh liên tiếp chịu khủng hoảng do nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu và giá dầu sụt giảm kỷ lục bởi dịch Covid-19, việc triển khai các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được xem là giải pháp trọng tâm giúp BSR vượt qua khó khăn.
Sáng kiến đột phá trong ngành lọc hóa dầu
Năm 2020, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách chưa từng có. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu theo đó sụt giảm mạnh. Giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu lao dốc, nhu cầu sản phẩm biến động bất thường đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh của BSR. Với sự cố gắng nỗ lực của Lãnh đạo Công ty và người lao động, ngày 12/12/2020, BSR chính thức hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất và xuất bán được giao theo kế hoạch, về đích sớm hơn 19 ngày.  
BSR trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác sáng kiến, cải tiến năm 2020
Trong bối cảnh khó khăn kép (đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm mạnh), một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty là hoạt động sáng kiến, cải tiến, lao động sáng tạo. Nhiệm vụ này luôn được các cấp lãnh đạo của Công ty quan tâm và chỉ đạo quyết liệt.
Ông Lê Hải Tuấn - Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển BSR cho biết, trước tình hình khó khăn, Công ty đã đẩy mạnh công tác tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong khó khăn luôn có cơ hội, tại một số thời điểm giá xăng RON95 cao hơn dầu DO 8 - 10 USD/thùng, sản phẩm hạt nhựa PP có giá cao hơn những năm trước đó. Nhận thấy cơ hội này, các kỹ sư đã nghiên cứu tăng tối đa sản lượng xăng bằng cách thử nghiệm thành công nâng công suất cao nhất các phân xưởng chế biến xăng trong khoảng vận hành an toàn, góp phần tăng sản lượng xăng RON 95 thêm 30 - 40 nghìn m3/tháng, mang lại lợi nhuận trên 7,5 triệu USD/năm. Đồng thời đã nghiên cứu và triển khai nâng công suất phân xưởng PP từ 110% lên 114%, giúp tăng thêm hiệu quả khoảng 2,5 đến 3 triệu USD/năm. Trong thời gian tới, BSR tiếp tục nghiên cứu để nâng công suất các phân xưởng cao hơn, ông Lê Hải Tuấn cho biết thêm.
Cùng với việc tăng sản lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, BSR đã nghiên cứu điều chỉnh giảm sản lượng các sản phẩm có giá thành thấp, dư thừa nguồn cung. Từ tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nhu cầu sản phẩm xăng máy bay Jet-A1 giảm đột ngột và giá bán giảm sâu. Bằng cách thay đổi chế độ vận hành, Nhà máy đã chuyển 3/4 sản lượng JetA1 sang sản xuất sản phẩm dầu DO với giá trị cao hơn. 
Để thực hiện thành công nâng công suất các phân xưởng công nghệ, các kỹ sư đã nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các giới hạn kỹ thuật về thủy lực, điều kiện công nghệ, xúc tác, thiết bị. Cụ thể, ông Lê Hải Tuấn cho biết: Để nâng công suất phân xưởng PP, các kỹ sư đã nghiên cứu giảm áp suất hệ thống từ 42 kg/cm2g xuống khoảng 37kg/cm2g để giải quyết vấn đề thủy lực. Đối với các phân xưởng sản xuất xăng chất lượng cao, các giải pháp kỹ thuật tập trung vào việc nghiên cứu, triển khai các cải hoán nhỏ, thay xúc tác cũ sau hơn 10 năm sử dụng bằng loại xúc tác mới có hiệu suất chuyển hóa cao và phù hợp cho việc tăng công suất phân xưởng NHT từ 128% lên 135% và CCR từ 105% lên 110%.
Đặc biệt, trong năm 2020 các kỹ sư của BSR đã nghiên cứu và triển khai thành công giải pháp đưa một phần dầu thô sau khi đã tách loại tạp chất tại thiết bị tách muối De-salter vào chế biến trực tiếp tại phân xưởng RFCC mà không cần qua tháp chưng cất dầu thô của phân xưởng CDU, giúp tăng công suất phân xưởng RFCC mà không phải tăng công suất phân xưởng CDU. Đây là sáng kiến mới và đột phá trong ngành lọc hóa dầu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 Khơi nguồn tri thức từ hoạt động sáng kiến, cải tiến
Trong năm 2020, người lao động BSR tích cực tham gia chương trình Kaizen - Sáng kiến. Đã có gần 1.400 ý tưởng được đăng ký và đánh giá trên hệ thống quản lý tri thức (KMS) trong đó có trên 350 cải tiến và 40 sáng kiến đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Công ty đánh giá và công nhận.
“Con số này cho thấy tinh thần không ngừng sáng tạo, đam mê khoa học kỹ thuật của người lao động BSR. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn, đã đồng hành cùng Công ty chuyển mình trong công tác cải tiến, đổi mới liên tục, tích cực hiến kế các ý tưởng đột phá góp phần nâng cao năng suất chất lượng, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, đưa BSR vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”, ông Mai Tuấn Đạt - Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhận định.
Bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được đẩy lùi, giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới ngày càng rõ nét và tất yếu. Trong bối cảnh đó, hoạt động SXKD của BSR sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mới.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của BSR, Ban lãnh đạo Công ty và người lao động BSR tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, tiếp tục đổi mới và cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, biến thách thức thành cơ hội; duy trì và phát triển văn hóa cải tiến, tập trung vào các lĩnh vực chính như: Sử dụng hiệu quả các tài sản nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí SXKD; Cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện hữu, công tác quản lý, hoạt động tác nghiệp; Nâng cao độ tin cậy máy móc thiết bị; Cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống, bảo vệ môi trường, sức khỏe và an toàn lao động.
Theo: BSR