[In trang]
Trân trọng những nhà đầu tư mạo hiểm để phát triển nông nghiệp
Thứ năm, 15/10/2015 - 18:10
Mỗi năm, Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đạt doanh thu khoảng hơn 20 tỉ đồng chuyển giao thiết bị, công nghệ chế biến nông sản cho bà con nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh phía Nam.

Với tổng số 60 CBCNV, mỗi năm, Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đạt doanh thu khoảng hơn 20 tỉ đồng chuyển giao thiết bị, công nghệ chế biến nông sản cho bà con nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh phía Nam. Đặt vấn đề nghiên cứu và chế tạo các thiết bị công nghệ cao, những năm qua, Viện đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê. Sau đây là cuộc trò chuyện của PV Chuyên san Khoa học và Công nghệ với Viện trưởng TS.Nguyễn Đình Tùng về vấn đề này.

 

Hệ thống sấy nông sản dạng tháp công nghệ mới

PV: Là một viện nghiên cứu chế tạo máy phục vụ ngành nông nghiệp, xin ông cho biết Viện đã có những sản phẩm nào để phục vụ phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao?

TS. Nguyễn Đình Tùng: Tất cả những nghiên cứu của chúng tôi đều gắn chặt với thực tế sản xuất của bà con nông dân. Thế mạnh của Viện từ xưa đến nay là thiết bị chế biến các loại nông sản, đặc biệt là sấy. Hiện nay, năng lượng dùng trong chế biến nông sản phần lớn dùng phương pháp đốt thủ công, chưa đảm bảo hiệu suất năng lượng và ô nhiễm môi trường. Quan điểm của Viện trong các nghiên cứu chế tạo của mình là dùng công nghệ cao, “lấy mỡ nó rán nó”, tức là phụ phẩm nông nghiệp của ngành nào thì sẽ xử lý phụ phẩm đó nhờ công nghệ khí hóa liên tục quy mô công nghiệp để chuyển đổi lấy năng lượng, quay trở lại xử lý chế biến cho sản phẩm đó. Và đặc biệt là gắn cả công nghệ và thiết bị vào một hệ thống hoàn chỉnh khép kín từ đầu vào là “nguyên liệu sống” từ các phụ phẩm nông - lâm nghiệp đến đầu ra là khí đốt tổng hợp (syngas) được đốt cháy, vận hành ngay, quá trình được điều khiển tự động.

Tôi ví dụ như ở Sơn La vùng sản xuất ngô, phần lớn bà con tẽ ngô xong là vứt lõi ra đường, vừa ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông, hoặc khi đốt trực tiếp thì khói và tro lại ám vào sản phẩm gây oi khói, nên không đảm bảo được “thẩm mỹ” cũng như chất lượng sản phẩm. Xuất phát từ một lần đi khảo sát thực tế, chúng tôi đã có ý tưởng và tiến hành nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống chuyển đổi phụ phẩm lõi ngô thành khí tổng hợp. Tôi nói công nghệ cao bởi vì đây là công nghệ chuyển đổi sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp thành năng lượng sạch quy mô công nghiệp được điều khiển tự động, tức là phía trên lò được cấp tự động nguyên liệu rắn là lõi ngô vào, phía dưới ra khí tổng hợp, sau đó khí này được đốt cháy thành năng lượng nhiệt sạch có thể sử dụng để chế biến nông sản/sấy các sản phẩm nông nghiệp, đốt nồi hơi, sấy phân bón NPK… toàn bộ quá trình từ cấp nguyên liệu lõi ngô vào lò (vào thiết bị), cấp gió sơ cấp (cấp ôxy sơ cấp), cấp gió thứ cấp (cấp ôxy thứ cấp), xả tro, liên động điều chỉnh nhiệt độ tác nhân sấy (khi gắn hệ thống chuyển đổi năng lượng này cùng với hệ thống sấy nông sản) đều được thực hiện tự động liên hoàn với nhau.

Như thế phải dùng công nghệ cao, là một hệ thống khép kín, mới hiệu quả hơn so với đốt thông thường, hiệu quả hơn về sử dụng năng lượng, hiệu quả hơn trong bảo vệ môi trường mà sản phẩm tạo ra lại là sản phẩm sạch. Sử dụng công nghệ thiết bị này, sản phẩm sấy sắn, ngô, lạc… chất lượng rất tốt. Về chuyên môn, nếu sấy bình thường theo phương pháp thủ công truyền thống, nhiệt độ tác nhân sấy giao động 70-90oC là cùng, khi sấy theo công nghệ mới có thể đẩy lên 110-120oC, thậm chí 150oC, với nhiệt độ cao, thời gian sấy rất nhanh đảm bảo trứng mọt bị tiêu diệt. Điểm này rất có lợi khi bán cho các công ty nước ngoài, họ nhìn, ngửi và sờ sản phẩm là biết sản phẩm được chế biến sâu, công nghệ cao, bán sẽ được giá. Các công nghệ áp dụng với nguyên liệu sắn, lạc và các nông sản khác… cũng tương tự.

Hay như một sản phẩm khác là vỏ trấu. Hiện nay, nhiều đơn vị đã sử dụng thanh trấu ép, hoặc viên pellet thay thế nhiên liệu đầu vào là than, giúp bảo vệ môi trường. Nhưng như thế chưa đủ, vì còn phải qua công đoạn ép trấu trực tiếp thành thanh nhiên liệu, hoặc nghiền nhỏ để ép thành viên pellet, chi phí năng lượng cho công đoạn nghiền nhỏ, hoặc công đoạn ép rất lớn, tỉ lệ silic trong vỏ trấu rất cao, nên nhanh mài mòn thiết bị. Cuối cùng vẫn ra năng lượng nhưng phải mất công đoạn trung gian rất tốn kém về đầu tư. Xuất phát từ nhu cầu bức thiết đó, chúng tôi đã nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống chuyển đổi trực tiếp nguyên liệu vỏ trấu sau xay xát thành khí đốt tổng hợp. Với hệ thống này, trên cấp nguyên liệu vỏ trấu sống vào, đầu dưới là ra tro, sang ngang là ra khí gas, khí này sẽ được đốt cháy triệt để để lấy năng lượng nhiệt, tất cả toàn bộ quá trình cũng được giám sát và điều khiển tự động tương tự như hệ thống lò khí hóa lõi ngô như nêu trên. Công nghệ này vừa đảm bảo là công nghệ sạch, lại tiết kiệm được rất nhiều năng lượng và thân thiện môi trường.

Còn một loại sản phẩm nữa mà Viện chúng tôi cũng đã nghiên cứu thành công đem lại hiệu quả kinh tế là hệ thống thiết bị để chế biến tinh bột từ sắn, khoai… Đầu vào là nguyên liệu sống vừa dỡ dưới ruộng, còn nguyên đất cát, đầu ra là sản phẩm tinh bột sạch đóng bao tự động. Tất nhiên, với những dây chuyền hiện đại công nghệ cao như vậy thì rất đắt, trọn bộ có thể đến mấy chục tỉ đồng. Nhưng nếu so với các sản phẩm cùng loại mà bà con đang dùng của Trung Quốc, Thái Lan thì giá bán của Viện chỉ bằng khoảng 60%, trong khi chất lượng bằng hoặc hơn, chế độ bảo hành và dịch vụ khách hàng được đặc biệt quan tâm.

Vì thế, hiện nay, Viện là một trong những đối tác rất có uy tín với các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh phía Nam, nơi mà nhu cầu và tiềm năng có thể sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm của nông- lâm nghiệp rất lớn.

PV: Với các dây chuyền, hệ thống đòi hỏi công nghệ cao như vậy thường giá không rẻ. Như vậy, người nông dân sẽ khó có khả năng tiếp cận để sử dụng các sản phẩm của Viện?

TS. Nguyễn Đình Tùng: Đúng vậy, vì thế chúng tôi phải đặt chất lượng lên trên hết. Khi đảm bảo được chất lượng thì khách hàng đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Tư duy của người Việt mình là luôn muốn có cái để tham quan học tập trước khi quyết định đầu tư. Điều này cũng dễ hiểu vì với một dây chuyền hiện đại công nghệ cao thì cần một qui mô phù hợp, nếu nhỏ lẻ quá thì hiệu quả không cao. Mà đủ tầm cỡ để đảm bảo hiệu quả thì nông dân ít tiền, vay vốn ngân hàng thế chấp nan giải nên rất khó khăn trong đầu tư. Nhưng muốn có cái để tham quan thì phải có người dám đầu tư trước. Vì thế, chúng tôi rất trân trọng và thật lòng cám ơn những khách hàng đầu tiên. Đôi khi, chúng tôi chấp nhận chia sẻ rủi ro với khách hàng đầu tiên để hệ thống đi vào hoạt động trong sản xuất. Khi đã vượt qua được rào cản đầu tiên này thì không cần quảng cáo, tự bà con lại tìm đến chúng tôi để đặt hàng.

Tôi ví dụ như lần chúng tôi đi khảo sát tại Tuyên Quang về sản xuất lạc theo một dự án tài trợ 80% của tổ chức nước ngoài (20% người thụ hưởng đối ứng). Trong quá trình làm việc tại huyện Chiêm Hóa, một chị chủ tịch xã cho biết, diện tích trồng lạc và sản lượng của xã chị rất lớn, các tỉnh khác còn đặt hàng lạc giống ở đây, nhưng bà con không có thiết bị và công nghệ để chế biến/bảo quản nên thường xuyên rơi vào tình trạng đúng vụ thì ế, lạc rớt giá thảm hại, trái vụ thì không có bán. Cũng có vài dự án của nước ngoài muốn hỗ trợ nhưng do thiếu hiểu biết về công nghệ nên khi lập dự toán chỉ vài chục triệu đồng, nên vẫn không đầu tư được cái gì ra tấm ra món để giải quyết bức xúc của bà con. Thấy chị chủ tịch xã lành hiền chất phác, lại tâm huyết với bà con, chúng tôi đã khảo sát thấy bà con nơi đây rất nghèo nên đã quyết định lắp đặt cho bà con một dây chuyền sấy lạc theo công nghệ mới để bà con biết. Sấy lạc, tưởng chừng rất đơn giản, nhưng trên thực tế, lạc là hạt có dầu nên sấy rất khó. Trên thế giới phần lớn vẫn đang dùng công nghệ sấy sàn tĩnh, còn Viện đã nghiên cứu bước đầu theo công nghệ sấy tháp hiện đại, khi chuyển sang qui mô công nghiệp không hề đơn giản. Nhưng chúng tôi đã thành công, đạt kết quả tốt, lạc sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, giá tăng hơn nhiều so với giá bán trước kia mà vẫn không đủ lạc để bán. Từ thành công này, bà con tự góp tiền nhau, cộng với xin thêm được tài trợ của một dự án do nước ngoài tài trợ, tổ hợp tác xã đầu tư thêm một dây chuyền nữa quy mô lớn (hơn 1 tỉ đồng) để làm. Bà con coi chúng tôi như người thân của mảnh đất này vì nhờ dây chuyền ấy, cuộc sống của họ đã thực sự thay đổi, chính họ đã trở thành những người nông dân hiện đại, thoát nghèo nhờ công nghệ. Công trình này sau đó đã được báo cáo làm công trình điển hình chào mừng đại hội Đảng bộ huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, liên tục đón khách trong và ngoài Tỉnh đến tham quan học tập.

PV: Tức là Viện sẵn sàng chấp nhận chia sẻ khó khăn tài chính với bà con để đưa công nghệ cao vào cuộc sống của người nông dân Việt Nam?

TS. Nguyễn Đình Tùng: Vì địa bàn hoạt động chủ yếu là miền núi, chúng tôi đi công tác miền núi rất nhiều, thấy bà con mình rất nghèo, thực sự rớt nước mắt. Vì thế, vì nhiệm vụ chính trị, có dây chuyền triển khai không có lãi, chúng tôi cũng chấp nhận làm vì bà con. Bởi chúng tôi nghĩ, nếu mình không làm thì đến bao giờ bà con mới “ngóc đầu” lên được nếu suốt ngày chỉ làm thủ công, tất cả phó thác cho qui luật tự nhiên. Chỉ một chút cố gắng của mình có thể thay đổi cả cuộc đời của họ, thì đó đã là thành quả lớn nhất mà chúng tôi đạt được rồi. Nếu chỉ tính về lợi nhuận thì chắc không bao giờ chúng tôi làm nổi, nhưng chúng tôi luôn cố gắng giúp bà con trong khả năng có thể, rồi sau đó có điều kiện, chúng tôi tiếp tục nâng tầm, cải tiến để tiếp xúc với các đề tài, dự án bù lợi nhuận vào sau. Đó là cách làm linh hoạt của Viện với mục đích cao nhất là chuyển giao kết quả vào sản xuất nhằm giúp được người nông dân càng  nhiều càng tốt.

Bên cạnh đó thì các nghiên cứu của Viện luôn đặt mục tiêu công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng chi phí năng lượng của dây chuyền/thiết bị, hoặc chi phí đầu tư cho khách hàng phải rẻ, thẩm mỹ phải đẹp… mới đáp ứng thực tiễn đi vào cuộc sống. Vì nếu chỉ là bài toán thuần túy công nghệ thì chưa thuyết phục vì bà con còn nghèo.

Hiện tại, Viện cũng đã triển khai các loại sản phẩm khác như dây chuyền thiết bị sản xuất phân bón (phân NPK, phân vi sinh); chế biến cà phê, xử lý rác thải, … theo công nghệ của Đức, Áo, Pháp… rất được bà con và các nhà tài trợ nước ngoài tín nhiệm.

Rất may là Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cũng rất tạo điều kiện cho Viện trong công tác nghiên cứu. Vì từ nghiên cứu đến bán hàng là một bước rất dài. Để thành hàng hóa thì cần rất nhiều thứ: tính thẩm mỹ, tính ổn định của thiết bị khi đưa vào sản xuất, giá cả… nên chịu sức ép rất lớn. Và vì phần lớn các sản phẩm Viện chuyển giao thực tế cho nông dân đều được đánh giá rất cao, cộng với sự hỗ trợ của ngân sách từ Bộ Công Thương cho đầu tư phòng thí nghiệm và đôi khi gặp được những khách hàng “thông thái”, nên Viện đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho bà con nông dân.

PV: Ông vừa nói đến những khách hàng “thông thái”. Điều đó có nghĩa là gì?

TS. Nguyễn Đình Tùng: Đó chính là những người sẽ góp phần thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng công nghệ cao, qui mô trang trại chứ không phải manh mún, nhỏ lẻ như bao đời nay của người nông dân ta. Họ là những người có học thức, thậm chí rất giỏi, chấp nhận rủi ro trong đầu tư, tin tưởng vào ý tưởng nghiên cứu của Viện để mang công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp thoát khỏi lạc hậu. Chúng tôi gọi họ là những khách hàng thông thái.

PV: Ông có thể kể về một khách hàng thông thái mà Viện đã hợp tác?

TS. Nguyễn Đình Tùng: Vào năm 2012, tôi tình cờ gặp vị Tổng Giám đốc Công ty H2PT đang có ý định đầu tư vào chế biến nông sản tại Sơn La. Xác định là người đầu tư sau, nếu không có công nghệ cao sẽ thất bại nên ông ấy đã dành hơn 2 năm đi khảo sát về công nghệ tại các hãng của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, thậm chí cả ở Đức. Khi chúng tôi nói về hệ thống dây chuyền chế biến/sấy ngô chất lượng cao sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phụ phẩm lõi ngô, khép kín từ lõi ngô thả vào, đầu ra là khí gas đốt lấy nhiệt để sử dụng ngay cho sấy ngô, hệ thống có công nghệ tương đương với hãng Stela của Đức, ông ấy đã thốt lên rằng, “tôi không ngờ mình đã phí mất 2 năm để đi tìm công nghệ mà công nghệ đó có sẵn ngay trong đất nước mình”. Ngay sau hội thảo, tôi đã dành 2 tiếng để thuyết trình về công nghệ sấy ngô, 6 giờ chiều, chúng tôi lên xe từ Sơn La trở về Hà Nội, trời mưa tầm tã, ông ấy chỉ nói ngắn gọn một câu “qua phần thuyết trình của ông, tôi tin Viện sẽ làm được. Vì vậy, tôi sẵn sàng làm chuột bạch cho ông thí nghiệm, với điều kiện giá phải ưu đãi”. Lúc đó, dây chuyền này của chúng tôi chưa lắp đặt cái nào ở ngoài thị trường, vì công nghệ rất mới, đặc biệt hệ thống cấp nhiệt cho hệ thống sấy được thực hiện ở đây là “biến phụ phẩm lõi ngô thành ngay khí gas” trong vòng thời gian 5-10 phút mà không cần đến bất kì chất xúc tác nào khác ngoài đốt vài tờ giấy hoặc bìa carton, điều này khó có ai tin nổi. Chính vì thế khi gặp một nhà đầu tư “thông thái” như ông ấy, có tiền và chấp nhận là người đi trước đón đầu, đầu tư mạo hiểm khi chưa được nhìn và chưa được “sờ vào hiện vật”, thực sự chúng tôi rất biết ơn những khách hàng như vậy. Mãi về sau này chúng tôi mới biết, khi đó, H2PT đã đặt cọc tiền mua dây chuyền của Trung Quốc và vị Tổng giám đốc ấy đã quyết định hủy hợp đồng, chấp nhận mất tiền đặt cọc để mua dây chuyền của Viện. Hiện dây chuyền đó đã chuyển giao rất thành công trên Sơn La, rất nhiều đoàn đến tham quan. Và Công ty H2PT đã trở thành khách hàng thân thiết của Viện.

Còn rất nhiều trường hợp khác, khi gặp khách hàng có ý tưởng và thực sự muốn đầu tư, chúng tôi sẵn sàng góp vốn, hoặc cổ phần, liên kết với khách, chấp nhận mang máy móc đi lắp đặt, nếu chạy tốt thì anh trả tôi tiền, còn không tốt thì sẵn sàng mang về. Phải như vậy, Viện mới tiếp cận được khách hàng và đưa được những nghiên cứu của mình vào thực tiễn cuộc sống sản xuất của bà con nông dân.

PV: Vậy theo ông thì làm thế nào để các đơn vị như Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp có thể đảm bảo thương mại hóa được các sản phẩm mà mình nghiên cứu và chế tạo?

TS. Nguyễn Đình Tùng: Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ, có thể hỗ trợ cho nhà khoa học nghiên cứu bước đầu, nếu chuyển giao tốt thì hỗ trợ tiếp bước 2, nhà khoa học chỉ cần cam kết, đây là sản phẩm mới, sản phẩm chưa ai có, đảm bảo chuyển giao trực tiếp đến người dân. Hoặc hỗ trợ cho nhà đầu tư khi là người tiên phong đầu tư mạo hiểm nhằm mục tiêu hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam. Đây hiện cái vướng nhất của chúng tôi. Khi chúng tôi nghiên cứu từ qui mô phòng thí nghiệm ra sản xuất đại trà thì rất khó khăn. Bởi khách hàng chấp nhận cho lắp đặt chạy thử sẽ phải mất mặt bằng, ảnh hưởng sản xuất, trong khi người ta đang sản xuất ổn định, nên rất khó. Nên thay vì khách hàng bỏ tiền ra ngay thì Nhà nước có thể hỗ trợ một phần nào đó cho khách hàng đầu tiên, cho vay không lãi, hoặc hỗ trợ bằng tiền như thế nào đó để họ mạnh dạn làm. Nhà nước là cầu nối đứng ra bảo lãnh lòng tin cho khách hàng. Vì công nghệ càng mới, càng hiện đại càng khó khăn trong chuyển giao (đối với công nghệ do các đơn vị trong nước tự nghiên cứu ra sẽ bị tình trạng này, vì nhiều khách hàng vẫn có tâm lý “sính ngoại” hơn, nếu công nghệ trong nước thì bắt bộc phải nhìn thấy và sờ thấy thiết bị, khi đó họ mới tin…) . Ở nước ngoài họ có quĩ đầu tư mạo hiểm nên rất thuận lợi, công nghệ càng cao, càng cần chính sách và họ chấp nhận đầu tư cho những nghiên cứu sâu và dài hơi hơn.

Về phía viện nghiên cứu, trong quá trình đi làm không phải nghiên cứu A mà ra A, có khi nghiên cứu A lại ra B. Vì vậy, trước hết, mỗi Viện đều phải xác định đúng nhu cầu thực tế, đối tượng phục vụ của mình để đề xuất các đề tài cho đúng và trúng, thực sự cần cho bà con nông dân thì nghiên cứu xong mới có “đất dùng”. Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, Viện phải liên tục đi khảo sát, xem thực tế đang cần gì, quay trở lại đặt đầu bài cho nghiên cứu, như thế nghiên cứu mới gắn với thực tiễn và phát huy hiệu quả, và Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đang làm theo cách đó.

PV: Có phải vì thế mà Viện được đánh giá là một trong số những viện nghiên cứu hoạt động rất hiệu quả, các đề tài được đánh giá cao về tính ứng dụng, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Tùng: Tôi có thể khẳng định, cách thức/phương thức triển khai nghiên cứu làm việc của chúng tôi không thua kém các viện nghiên cứu nước ngoài. Chúng tôi coi thời điểm ứng dụng/chuyển giao công nghệ là rất quan trọng, anh không nhanh thì một là sẽ lạc hậu, hai là bị người khác làm mất. Do đó, từ khảo sát thực tế, nảy ra ý tưởng là Viện bỏ tiền nghiên cứu trước, thăm dò, mua vật tư vật liệu, anh em “quần thảo” sớm tối để ra hình hài sản phẩm từ ý tưởng rồi mới đăng ký các hướng nghiên cứu, nên tỉ lệ thành công từ các đề tài nghiên cứu của Viện cao là do vậy.

Nếu cơ chế tạo điều kiện được thì Viện sẽ có điều kiện để nghiên cứu triển khai được nhiều hơn, với những nghiên cứu sâu hơn và hàn lâm hơn.

PV: Ông có thể cụ thể hơn?

TS. Nguyễn Đình Tùng: Chúng tôi đã nghĩ đến ứng dụng năng lượng mặt trời, mặc dù công nghệ này ở Việt Nam không phải chưa có. Nhưng với nền thời tiết như ở Việt Nam, mưa nắng thất thường thì bài toán đặt ra là tích trữ như thế nào lúc nắng để lúc mưa hoặc đêm có thể đem ra sử dụng được năng lượng tái tạo.

Hay như vỏ trấu, lõi ngô bước đầu tiên là khí hóa thành khí tổng hợp syngas để đốt tạo ra năng lượng sạch sơ cấp cho sấy nông sản (lúa, ngô, đỗ…), hoặc đốt lò hơi trong dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi, hoặc sấy phân bón NPK… nghĩa là cứ chỗ chỗ nào cần năng lượng là dùng đến. Ngoài ra, tro của nó có thể dùng ngay làm phân bón (khép kín) có tác dụng xốp đất, hoặc đóng bánh (dưới dạng nguyên liệu từ sản phẩm biochar) xuất khẩu sang Nhật trồng lan, hoặc làm than hoạt tính … tuy nhiên hiệu quả chưa phải cao. Nếu nghiên cứu sâu hơn đối với sản phẩm phụ (than, biochar) thải ra sau khí hóa để biến thành công nghệ vật liệu nano trong bán dẫn điện tử hoặc làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác thì giá trị đem lại sẽ cao hơn nhiều. Nghiên cứu theo chuỗi thì mới tạo được sản phẩm có giá trị cao, đó mới là hiệu quả thực sự của công nghệ sạch.

Nhưng như thế, đương nhiên công nghệ phải khác, thời gian nghiên cứu phải lâu hơn, đầu tư nhiều hơn, không thể nào 1-2 năm ra được sản phẩm đó. Muốn làm được điều đó, chúng tôi cần sự tin tưởng của cấp quản lý, cũng như cần sự hỗ trợ về vốn để đầu tư nghiên cứu dài hơi, có như vậy, khoa học công nghệ của chúng ta mới đạt được giá trị gia tăng cao hơn hiện tại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Hồ Nga