[In trang]
Chuẩn bị tổng kết chương trình phối hợp hoạt động KHCN giữa các Bộ, ngành giai đoạn 2012-2020
Thứ bảy, 03/04/2021 - 21:08
Dự kiến đến tháng 6 năm 2021 Bộ KH&CN và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN cho giai đoạn 2021-2025.
Ngày 01 tháng 4 năm 2021, tại Bộ Khoa học Công nghệ đã diễn ra hội nghị rà soát chuẩn bị cho việc tổng kết thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động Khoa học & Công nghệ (KH&CN) giữa Bộ KH&CN với các bộ, ngành giai đoạn 2012-2020. Hội nghị có sự hiện diện của đại diện các bộ: Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y Tế, Bộ Xây dựng, Ủy Ban dân tộc, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KHCN chủ trì hội nghị
Giai đoạn 2012 – 2020, Bộ KH&CN đã ký 07 Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ với 7 bộ, ngành, gồm có: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam.
Các Chương trình ký kết tập trung cho các nội dung chính bao gồm: Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình KH&CN cấp quốc gia; Xây dựng và thực hiện các cụm nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn; Xây dựng và thực hiện Chương trình trọng điểm cấp bộ, ngành; Đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN cho đơn vị trực thuộc các bộ, ngành; Phối hợp trong công tác đo lường chất lượng, Tiêu chuẩn, quy chuẩn và Sở hữu trí tuệ; Tăng cường hoạt động Hợp tác quốc tế; Hoàn thiện hệ thống VBQPPL, cơ chế chính sách, tuyên truyền phổ biến; Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KHCN. Thực hiện tái cơ cấu hoạt động KH&CN của các bộ, ngành; Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách KH&CN của các bộ, ngành. Thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ của các bộ, ngành.
Toản cảnh hội nghị
Về chương trình phối hợp với Bộ Công Thương, hai Bộ đã phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia. Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện dự án đầu tư đóng mới giàn khoan Tam Đảo 05, phối hợp dự án khoa học và công nghệ phát triển SPQG Giàn khoan dầu khí di động (giai đoạn 1) được Công ty Cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PVShipyard) thực hiện và bàn giao cho chủ đầu tư vào tháng 8 năm 2016. Đây chính là tiền đề để đơn vị chủ trì và các đơn vị ngành cơ khí đầu tư nghiên cứu thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, thi công và tích hợp giàn khoan tự nâng trên 120m nước, tiến tới nghiên cứu thiết kế mẫu giàn khoan tự nâng phù hợp với điều kiện Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam. 
Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ KH&CN tổ chức thẩm định, phê duyệt 21 dự án phát triển công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và truyền thông và công nghệ tự động hóa. Một số kết quả nổi bật  có thể kể đến như: Nghiên cứu thành công công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chuẩn đoán bệnh; Làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang; Nghiên cứu sản xuất chip sinh học trên nền công nghệ DNA microarray để chẩn đoán một số bệnh ở người;...
Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương triển khai đã đạt được một số mục tiêu đề ra, thu được nhiều kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp/viện/trường thông qua việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình đã nâng cao được trình độ KH&CN. Đặc biệt đối với doanh nghiệp, việc làm chủ, phát triển công nghệ cao, áp dụng/ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đem lại giá trị gia tăng làm tăng hiệu quả, giảm được giá thành khi so sánh với các sản phẩm nhập ngoại, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp. 
Giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 160 nhiệm vụ KH&CN thuộc “Chương trình nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Các nhiệm vụ được phê duyệt trên cơ sở bám sát mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ của Dự án và các định hướng nằm trong Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, Chiến lược phát triển KH&CN của ngành Công Thương.
Hai Bộ đã tổ chức các hoạt động phối hợp nâng cao năng lực và tiềm lực KH&CN, phối hợp hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN, xây dựng các TCVN, QCVN và thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng mã số, mã vạch phục vụ truy xuất nguồn gốc. Bộ Công thương đã tiến hành thẩm định và trình Bộ KH&CN công bố TCVN do Bộ Công Thương xây dựng (34 TCVN về hiệu suất năng lượng phục vụ công tác đánh giá, thử nghiệm và dán nhãn năng lượng và 24 TCVN khác);  Góp ý, thẩm định QCVN do Bộ Công Thương xây dựng (QCVN về An toàn trạm biến áp phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò, Thiết bị phòng nổ hầm lò, Chai chứa khí, Thiết kế cửa hàng xăng dầu, Bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia…); Tham gia Ban soạn thảo QCVN (Vật liệu nổ công nghiệp, Thiết kế cửa hàng xăng dầu, An toàn trạm biến áp phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò…);  Tham gia phối hợp liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Cùng với đó, hai Bộ đã đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án đàm phán về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030. Tham gia xây dựng và triển khai chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Công Thương.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương trình bày tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN – Bộ Công Thương đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả giữa 2 Bộ trong việc triển khai các nội dung nhiệm vụ. Hai bên đã rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, như sửa đổi Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật chất lượng và sản phẩm hàng hóa; sửa đổi Nghị định Luật sở hữu trí tuệ; Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Đề án ứng dụng KH&CN trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035…
“Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong công tác sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng, hệ thống TCQC từng bước đã được bổ sung, hoàn thiện và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Các hoạt động phối hợp đã tác động tích cực góp phần gắn kết, tạo thuận lợi trong việc triển khai hoạt động KH&CN của ngành Công Thương. Chương trình phối hợp là cơ sở để các bên tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin.” _ Ông Trần Việt Hòa cho biết.
Chương trình phối hợp KHCN giữa các Bộ đã mang lại những kết quả rất ấn tượng và đáng ghi nhận, các nội dung đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã đem lại hiệu quả thông qua việc hình thành các nhóm nhiệm vụ có sự tham gia của doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Kết quả của các Nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, ngành đã được ứng dụng trong thực tiễn, nhiều sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Các bộ đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời xây dựng kế hoạch và đưa vào triển khai thực hiện các chương trình KHCN cấp quốc gia, các cụm nhiệm vụ trọng điểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của từng ngành. Tuy nhiên cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác đặt hàng và đánh giá đầu ra của các nhiệm vụ KH&CN, tránh trùng lặp nhiệm vụ, phân tán nguồn lực và thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Dự kiến đến tháng 6 năm 2021 Bộ KH&CN và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN cho giai đoạn 2021-2025.
Vụ Khoa học & Công nghệ