[In trang]
Sản xuất phân bón lá từ nước thải kiềm, một mũi tên nhiều lợi ích
Thứ bảy, 03/04/2021 - 20:58
Sản phẩm phân bón lá sinh học FV-01 được sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu tận dụng từ nguồn nước thải kiềm có nguồn gốc rong biển là thế mạnh trong việc cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm nhập khẩu thương mại trên thị trường
Quy trình sản xuất agar (bột rong câu) hàng năm thải ra ra môi trường hàng chục nghìn mét khối nước thải kiềm (nước rửa trong quy trình sản xuất agar) và hàng nghìn tấn bã rong. Nguồn nước thải này không có biện pháp tái chế hợp lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong nước thải kiềm có chứa một số lượng đáng kể các chất như carbohydrat, protein, acid amin, chất hữu cơ, nitơ, kali hữu cơ có thể tận dụng làm nguyên liệu cho sản xuất bón sinh học. 
Quy trình sản xuất agar hàng năm thải ra ra môi trường hàng chục nghìn mét khối nước thải kiềm gây ô nhiễm môi trường
Trước những vấn đề thực tiễn và ưu điểm của nguồn nước thải kiềm, Viện nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã bắt đầu Nghiên cứu sản xuất thử phân bón lá từ nước thải kiềm trong các nhà máy sản xuất agar. Từ hoạt động thử nghiệm thành công, Viện nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt dự án sản xuất thực nghiệm “Hoàn thiện công nghệ xử lý nước thải kiềm của quá trính sản xuất agar và thu hồi, tái chế các thành phần có ìch thành phân bón lá sinh học”. Dự án thuộc Chương trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ, thiết bị và vật liệu phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường” do Bộ Công Thương chủ trì.
TS. Võ Mai Như Hiếu - Chủ nhiệm dự án cho biết, mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện được quy trình công nghệ và thiết bị xử lý nước thải kiềm của quá trình sản xuất agar và thu hồi, tái chế các thành phần có ích thành phần bón sinh học qua lá góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Dự án đã nghiên cứu và ứng dụng tại Công ty cổ phần Rau Quả Việt Xô. Tại đây, nhóm thực hiện tiến hành nghiên cứu và thay đổi một số bước công nghệ sản xuất agar để phân loại nguồn nước thải kiềm sau khi rửa rong lần 3 (NR3) nhằm thu hồi, tái chế các hoạt chất sinh học có ích cho cây trồng trong nguồn nước thải kiềm, đồng thời giảm nguồn phát thải ra môi trường.
Bể chứa NR3 tại xưởng sản xuất phân bón lá của Công ty cổ phần rau quả Việt Xô
“NR3 có hàm lượng cao các chất sinh học có lợi cho cây trồng như các chất hữu cơ, acid amin, carbohydart, nitơ, phốt pho, kali. Tuy nhiên để tận dụng được nguồn nước thải kiềm này cần phải có thị trường phân bón đủ lớn mới có thể thu hồi tối đa các hoạt chất sinh học có trong nguồn nước thải kiềm. Với quy mô của dự án chỉ sản xuất 400 lít/ngày thì lượng NR3 sử dụng chỉ mới khoảng 4% lượng NR3 có chứa các hoạt chất sinh học.” - TS. Võ Mai Như Hiếu cho biết.
Sản phẩm phân bón lá FV-01
Nước thải kiềm từ quy trình sản xuất agar của công ty rau quả Việt Xô và 02 axit là axit H2SO4 và H3PO4 đậm đặc chọn trung hòa dịch kiềm thải trong quy trình sản xuất agar được nhóm thực hiện dự án sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón sinh học. 
Với kết quả thu được, dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất phân bón lá FV-01 từ nước thải kiềm. 
Sản phẩm phân bón lá FV-01 được tiến hành khảo nghiệm trên 5 đối tượng cây trồng: cây lúa; cây chè, cây cam; cây dưa chuột và cây hoa thương mại. Sản phẩm FV-01 khi sử dụng phun với liều lượng 2,7 lít/ha canh tác đều cho năng suất cao hơn đối chứng từ 10,2– 11,7 % trên các đối tượng cây trồng. Những quy trình này đã được ứng dụng có hiệu quả cao trên nhiều vùng sinh thái nông nghiệp. Sản phẩm khi triển khai cho các hộ nông dân sử dụng đều được đánh giá cao.
“Phân bón khảo nghiệm (FV-01) đã ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của 5 đối tương cây là tương đối rõ rệt, giúp cây sinh trưởng nhanh hơn, phát triển mạnh hơn, khả năng chống chịu với những điều kiện bất thuận của thời tiết khá hơn, ít sâu bệnh do cây khỏe hơn, kết quả tăng năng suất đã phản ánh những tác dụng của phân bón.” - TS. Võ Mai Như Hiếu nhấn mạnh.
Sản phẩm phân bón lá sinh học FV-01 được thử nghiệm tại trang trại Hoa cúc Đà Lạt
Thử nghiệm FV-01 tại vườn rau  Đà Lạt
Từ kết quả khảo nghiệm tích cực, dự án đã tiến hành xây dựng mô hình xưởng sản xuất phân bón lá sinh học FV-01 từ nước thải kiềm công suất 400 lít/ngày. Trong 2 năm thực hiện dự án đã sản xuất được 15.000 lít FV-01. Sản phẩm đạt chất lượng tốt, được bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật của các cơ sở sản xuất, các cơ quan nghiên cứu, các trường, các viện khoa học nông nghiệp trong cả nước đánh giá cao.
Sản phẩm phân bón lá sinh học FV-01 được sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu tận dụng từ nguồn nước thải kiềm có nguồn gốc rong biển là thế mạnh trong việc cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm nhập khẩu thương mại trên thị trường. Đồng thời, việc sử dụng nguồn nước thải kiềm trong quy trình sản xuất agar giúp làm giảm lượng chất thải ra môi trường.
“Ngoài việc, giúp chủ động nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân thì việc sử dụng phân bón sinh học sẽ giúp giảm lượng phân bón hóa học phục vụ sản xuất nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.” - TS. Võ Mai Như Hiếu khẳng định.
Chia sẻ về phương án phát triển dự án, nhóm thực hiện cho biết sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón lá FV-01 cho Công ty Cổ phần Rau quả Việt Xô. Song song vơi đó, tiếp tục cải tiến quy trính công nghệ, nâng cấp thiết bị để có thể sản xuất một số loại phân bón phức hữu cơ mới có chất lượng cao hơn, để phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt “GAP”.
Ngoài ra, thời gian tới sản phẩm của dự án sẽ tiếp tục tiếp cận với thị trường tiêu thụ phân bón lá ở các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô xưởng sản xuất phân bón lá FV-01.  
“Nhóm thực hiện dự án hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương để dự án tiếp tục phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đồng thời, mong muốn các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc tất cả các tỉnh thành, trung ương và địa phương có chính sách hỗ trợ tích cực để sản phẩm FV-01 được ngày càng phổ biến rộng rãi hơn trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam” - TS. Võ Mai Như Hiếu. 
Phân bón qua lá chiếm vị trí quan trọng trong nông nghiệp sạch và trong thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Phân bón lá có những ưu điểm vượt trội như: khả năng hấp thu và vận chuyển nhanh đến các cơ quan tổng hợp của cây trồng, hiệu suất đồng hóa cao, ít để lại dư lượng trong môi trường.
Phân bón lá được sản xuất và sử dụng khá rộng rãi trên thế giới như một loại phân bón bổ sung không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhất là các nước phát triển, nơi có nền nông nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hóa.
Tại Việt Nam, phân bón lá được sử dụng nhiều ở những vùng có diện tích nông sản hàng hóa cao như Cao nguyên, miền Trung, Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, các loại phân bón lá được sử dụng đều được nhập khẩu từ nước ngoài do các sản phẩm sản xuất trong nước không mang lại hiệu quả cao. 

Mai Anh