[In trang]
Xây dựng quy trình quản lý, tổ chức thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện
Thứ hai, 12/04/2021 - 10:52
Đây là một trong 12 nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”

Bộ Công Thương đã giao cho Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện áp dụng Cơ chế 1791”. Đây là một trong 12 nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”.
Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng được cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước cho từng hạng mục được nội địa hóa theo hướng chuyên môn hóa; xây dựng và đề xuất được cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện các nội dung theo Quyết định 1791/QĐ-TTg (Quyết định 1791) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025”; xây dựng bộ quy trình về quản lý dự án thực hiện thiết kế, chế tạo các thiết bị nhiệt điện theo Quyết định 1791.
Thạc sĩ Lê Xuân Quý - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đây là một đề tài mới, đáp ứng yêu cầu cao về tính cụ thể, về định hướng tổ chức sản xuất trong môi trường hợp tác phát triển - vốn là yếu điểm của các doanh nghiệp cơ khí và là đề tài tạo “đường dẫn” kết nối từ chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ đến tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm. Đề tài gắn liền với việc xây dựng một lộ trình nội địa hoá từng hạng mục hệ thống thiết bị, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án tương tự.
Chia sẻ về tính mới, tính sáng tạo của để tài Thạc sĩ Lê Xuân Quý cho biết: “Nhóm nghiên cứu đã tổng kết bài học kinh nghiệm từ thực hiện các đề tài độc lập, các dự án khoa học công nghệ về xi măng lò quay, thủy công, giàn khoan tự nâng để xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế phối hợp, gắn kết một cách hiệu quả kết quả của dự án khoa học công nghệ và dự án đầu tư. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để xây dựng được mô hình tổ chức sản xuất từ khâu quản lý dự án đến chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện.”
Các sản phẩm của đề tài có thể sử dụng cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp bao gồm: Bộ cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước cho 11 hạng mục nội địa hoá theo hướng chuyên môn hoá; bộ quy trình về quản lý dự án, thực hiện thiết kế, chế tạo 11 hạng mục thiết kế, chế tạo trong nước. Lộ trình thiết kế chế tạo trong nước cho từng hạng mục theo Quyết định 1791 và lộ trình đầu tư nâng cao năng lực các doanh nghiệp, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa để đạt được mục tiêu của Quyết định 1791. Bộ quy chế tổ chức phối hợp thực hiện các hạng mục thiết kế, chế tạo trong nước, đề xuất tổ chức thực hiện, phối hợp một cách khoa học sự tham gia của các đơn vị.
TS. Phan Đăng Phong Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại buổi nghiệm thu. (Nguồn: Narime)
Các nhà quản lý, doanh nghiệp có thể tận dụng/vận dụng bộ cơ sở dữ liệu đề tài đã tập hợp được vào thực tiễn, tiết kiệm được thời gian và kinh phí để khảo sát, đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Các doanh nghiệp có thể vận dụng bộ quy trình quản lý dự án thực hiện các hạng mục thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện vào hoạt động của đơn vị, tiết kiệm thời gian tự xây dựng bộ quy trình, đồng thời giảm thiểu được các sai sót trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách có thể tận dụng các cơ chế chính sách mà nhóm đề tài đã tập hợp, biên soạn để hoàn thiện các cơ chế chính sách áp dụng cho các lĩnh vực kinh tế xã hội liên quan.
Xét về lợi ích xã hội, kết quả nghiên cứu của đề tài giúp nâng cao tính chuyên nghiệp hóa công tác quản lý dự án, thiết kế, chế tạo sản phẩm, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa các dự án nhiệt điện, tiết kiệm ngân sách quốc gia.
Đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, đóng góp vào việc phát triển được ngành công nghiệp cơ khí trong nước. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể áp dụng, chuyển giao cho các đơn vị thực hiện công tác nội địa hóa các hệ thống thiết bị phụ của nhà máy nhiệt điện trong nước.
Thành công của đề tài nghiên cứu đã giúp Việt Nam lần đầu tiên có được bộ cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước và bộ quy trình về quản lý dự án, thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện.
Mai Anh