[In trang]
Petrovietnam xây dựng danh mục Chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn
Thứ tư, 28/04/2021 - 16:34
Ngày 22/4 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị cập nhật danh mục Chương trình Nghiên cứu khoa học (NCKH) dài hạn giai đoạn 2021-2025.
Ngày 22/4 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị cập nhật danh mục Chương trình Nghiên cứu khoa học (NCKH) dài hạn giai đoạn 2021-2025.
Toàn cảnh hội nghị (Nguồn: PVN)
Theo đó, nguyên tắc xây dựng danh mục Chương trình NCKH dài hạn được xây dựng và phê duyệt dưới dạng “Khung các chương trình” về tên chương trình; căn cứ xây dựng; mục tiêu tổng quát; phạm vi, đối tượng, nội dung; sản phẩm dự kiến; khai toán; chỉ tiêu đánh giá.
Về tiêu chí nhận diện các đề xuất thực hiện Chương trình NCKH dài hạn là nằm trong các vấn đề của nội dung “Khung chương trình” đã được phê duyệt; phải có thời hạn 1 năm trở lên; công nghệ nghiên cứu và ứng dụng phải là công nghệ mới; giải pháp kỹ thuật và công nghệ đề xuất triển khai áp dụng đều phải là những giải pháp tiên tiến, hiện đại; sản phẩm tạo ra tối thiểu phải ở dạng II (nguyên lý ứng dụng, phương pháp, tiêu chuẩn báo cáo phân tích…) hoặc dạng III (báo cáo, sách chuyên khảo, tham gia đào tạo và các sản phẩm khác), sản phẩm dạng I (sản phẩm, vật liệu, thiết bị, máy móc…) phải đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường.
Về các tiêu chí để đánh giá (yêu cầu đối với sản phẩm của các Chương trình NCKH dài hạn)bao gồm: Chỉ tiêu về trình độ khoa học phải có kết quả công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ uy tín, tạp chí khoa học công nghệ quốc tế; chỉ tiêu về trình độ công nghệ: các công nghệ và thiết bị tạo ra có tính năng kỹ thuật, chất lượng với sản phẩm tiên tiến, có khả năng thương mại hóa, áp dụng trong thực tế; các đề tài, nhiệm vụ phải được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và được tham gia về đào tạo.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn và đại diện các Ban chuyên môn đã có ý kiến thảo luận, góp ý, bổ sung đối với chương trình về nguyên tắc xây dựng, tiêu chí nhận diện và các tiêu chí để đánh giá, về cơ chế, nguồn lực để triển khai những nội dung của chương trình.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chương trình NCKH dài hạn giai đoạn 2021-2025 là chương trình mang tính đột phá của Petrovietnam với mục tiêu hỗ trợ Tập đoàn trong dài hạn để định hướng hướng đi, ứng phó với những thay đổi, xu hướng mới, để có được những sản phẩm, dịch vụ chủ lực giúp Petrovietnam phát triển bền vững hơn."
Trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu công tác NCKH cần tập trung, triển khai các chương trình nghiên cứu, đào tạo cần phải trọng điểm, dài hạn. Cần phải triển khai, kế hoạch hóa chương trình NCKH trọng điểm, dài hạn; tổ chức lựa chọn đơn vị, phân giao để thực hiện; cần rà soát trong quy chế hiện tại để điều chỉnh, sửa đổi phục vụ cho mục tiêu của chương trình; đưa ra việc xây dựng quản trị của chương trình hàng năm về mục tiêu, tiêu chí, kết quả của việc phê duyệt, kiểm tra, đo lường, điều chỉnh trong từng lĩnh vực để triển khai.
Ngoài ra, phải rà soát lại chương trình để trình Hội đồng thành viên Tập đoàn ngay trong tháng 5/2021; trên cơ sở của chương trình phải tổ chức, lên kế hoạch làm việc đối với từng lĩnh vực, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, các đơn vị bên ngoài ngành Dầu khí; nghiên cứu giải pháp (cơ chế) và công nghệ nhằm tổ hợp, tích hợp hệ thống hạ tầng kinh doanh của chương trình nhằm xây dựng mô hình quản trị, có đánh giá, ra được những kiến nghị đưa vào điều chỉnh, điều lệ. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị Viện Dầu khí Việt Nam tham gia sâu, chi tiết vào từng lĩnh vực để đạt được kết quả cuối cùng của từng đề tài, nhiệm vụ.
Danh mục Chương trình NCKH dài hạn giai đoạn 2021-2025 gồm 6 chương trình:
1) Nghiên cứu cơ bản bổ sung, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới đánh giá tiềm năng và gia tăng trữ lượng dầu khí và các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến để phát triển và khai thác các mỏ dầu khí bảo đảm hiệu quả kinh tế (Thăm dò dầu khí);
2) Nghiên cứu, phát triển sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả Hydro (Hóa - Chế biến dầu khí);
3) Phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tàng trữ và sử dụng CO2 tại các cơ sở sản xuất của Tập đoàn (Hóa - Chế biến dầu khí)
4) Phát triển sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hóa chất và hóa dầu mới, vật liệu tiên tiến và nhiên liệu sạch từ các nguồn nguyên liệu trong nước, có thị trường lớn, có khả năng xuất khẩu và biên lợi nhuận cao (Hóa - Chế biến dầu khí)
5) Nghiên cứu, đánh giá tác động, ảnh hưởng của sự phát triển năng lượng tái tạo đến chiến lược phát triển của Tập đoàn và các giải pháp ứng phó (Điện và Năng lượng tái tạo)
6) Nghiên cứu giải pháp (cơ chế) và công nghệ nhằm tổ hợp, tích hợp hệ thống hạ tầng kinh doanh các sản phẩm chủ lực (hiện tại và tương lai) của Petrovietnam, gia tăng quy mô, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn Tập đoàn.
Khánh Nhi