Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:03

Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:03

Chính sách

Cập nhật lúc 12:31 ngày 06/05/2021

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam

Vừa quam Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức "Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021" tại TP Cần Thơ. Tham dự hội nghị còn có đại diện các bộ ngành trung ương, lãnh đạo UBND và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và trên 150 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản của cả nước.

Quang cảnh hội nghị. 
Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên tập trung chuyên sâu vào một trong những nút thắt, động lực còn nhiều dư địa phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh mới, nhằm triển khai nhanh chóng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tập trung vào giá trị gia tăng theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 255 ngày 25/2/2021.

Hội nghị đã đánh giá tổng quan lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới; vấn đề ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và hướng tiếp cận với Việt Nam; vấn đề áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu. Hội nghị cũng đã chia sẻ những xu hướng thị trường nông sản thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn, các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề mở cửa thị trường nông sản để tạo tín hiệu dẫn dắt, xung lực mới nhằm hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả thực thi và sự liên kết trong thị trường.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguồn cung sản lượng nông sản hàng năm của Việt Nam là trên 48 triệu tấn thóc, ngô; 4,58 triệu tấn cây công nghiệp lâu năm, 8,4 triệu tấn thủy sản, 26,8 triệu tấn rau quả,, 6,5 triệu tấn thịt, sữa, 13,8 triệu quả trứng gia cầm, 20,5 triệu m3 gỗ. Việt Nam có tổng số trên 7.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản với quy mô công nghiệp và có bước tiến vượt bậc trong thời gian gần đây. Xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 2015 đến 2020 tăng vọt từ 30,14 tỷ USD năm 2015 lên 41,25 tỷ USD trong năm 2020, trong đó thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ chiếm 26,2%, Trung Quốc chiếm 24,6%, còn lại là các thị trường khác.
Nhà nước và doanh nghiệp bắt tay kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã phát biểu các vấn đề về việc ứng dụng công nghệ vào công nghiệp chế biến nông sản; Việc bảo hộ và khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông sản; Hoàn thiện cơ chế chính sách về truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những mong muốn tiếp tục có sự đồng hành, sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của Bộ NN&PTNT, của các bộ ngành, của lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng, cũng như sự hưởng ứng tham gia tích cực của đội ngũ các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, trường Đại học và các Doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ bảo hộ và khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp để nông sản của Việt Nam có thể tiếp cận và chinh phục được thị trường trên thế giới (đến nay Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bảo hộ 81 sáng chế, giải pháp hữu ích, 101 chỉ dẫn địa lý, 464 nhãn hiệu chứng nhận và 1.407 nhãn hiệu tập thể cho nông sản Việt Nam).
 
Cũng tại đây, các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã trình bày tham luận về các vấn đề áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những xu hướng thị trường thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn, các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề mở cửa thị trường nông sản để đón đầu những tín hiệu dẫn dắt, tạo xung lực mới nhằm hoàn thiện cơ chế, tăng hiệu quả thực thi và sự liên kết trong thị trường.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay nông sản trong nước có 20-30% thông qua chế biến xuất khẩu. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) gần 80% nông sản qua chế biến mới bán ra thị trường. Ngành nông nghiệp Việt Nam phải so sánh hai con số đó để có phương hướng phát triển, tạo ra giá trị gia tăng, giải bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh được mùa rớt giá. Khả năng chế biến nông sản trong nước rất lớn. Vấn đề là Nhà nước và doanh nghiệp bắt tay kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản.
Ngày 24/03/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 429/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. 
Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại của khu vực và thế giới. Đồng thời, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học nông nghiệp ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hà Trần 
lên đầu trang